Ngô gia văn phái là tên gọi một dòng văn gồm các tác giả của dòng họ Ngô Thì (Ngô gia) ở nửa cuối thế kỷ XVIII - hết thế kỷ XIX, tại làng Tả Thanh Oai (làng Tó), huyện Thanh Oai, trấn Sơn Nam (nay là huyện Thanh Trì, Hà Nội).
Danh xưng Ngô gia văn phái xuất hiện gắn với tên tuổi của Ngô Thì Trí (1766 - 1822) và Ngô Thì Điển (? - ?) khi hai người bàn bạc, quyết định thành lập một bộ tùng thư lấy tên là Ngô gia văn phái. Bộ sách do Ngô Thì Điển (con cả của Ngô Thì Nhậm, cháu gọi Ngô Thì Trí là chú) biên tập. Sau đó các tác giả trong dòng họ Ngô Thì tiếp nối nhau biên soạn nên bản thảo bộ sách Ngô gia văn phái hiện còn lên tới trên 30 tập, với số lượng lớn tác phẩm của 15 tác giả dòng họ Ngô Thì.
Do Ngô gia văn phái vốn là tên một bộ tùng thư nên có nhà nghiên cứu cho rằng, Ngô gia văn phái không phải là một nhóm phái văn học mà là “tên sách”, nghĩa đen là “dòng phái văn học nhà họ Ngô”. Tên sách được đặt như vậy có lẽ chủ yếu là muốn nhấn mạnh ở niềm tự hào ở truyền thống văn học của họ mình (…). Như vậy, khi nói “văn phái” tức cũng như nói dòng nhà văn học, nếp nhà văn học, truyền thống văn học của nhà, của họ. “Văn phái” ở đây rõ ràng không có nghĩa là một trường phái văn học” (Tảo Trang). Ngô gia văn phái là “một sưu tập nhằm nêu cao truyền thống văn hóa, văn học của họ Ngô Thì, chứ không có tính chất một hợp tuyển hay một tổng tập của những tác giả cùng một trường phái, một khuynh hướng tư tưởng và sáng tác” (Nguyễn Lộc).
Tuy nhiên, cái tên Ngô gia văn phái đi vào lịch sử văn học Việt Nam không chỉ là tên gọi một bộ tùng thư đồ sộ mà còn để chỉ một “dòng văn” nổi tiếng. Mặc dù không có những diễn ngôn mang tính chính luận, phát biểu một cách trực tiếp quan điểm, tư tưởng mang tính chất cương lĩnh, nhưng Ngô gia văn phái vẫn là một “dòng văn”, phần nào với tư cách là một nhóm phái văn học. Bởi lẽ, tuy là sự tập hợp các tác giả không có tuyên ngôn chung, cương lĩnh chung, nhưng giữa các tác giả của dòng họ Ngô Thì vẫn có sự gần gũi trực tiếp về tư tưởng và nghệ thuật thể hiện qua những sáng tác của họ. Vả chăng cũng không nên nhìn các “dòng văn”, các nhóm phái trong văn học trung đại với những tiêu chí quá chặt chẽ của lý luận văn học hiện đại được áp dụng đối với các trường phái, nhóm phái của văn học hiện đại. Trước Ngô gia văn phái, trong văn học Việt Nam đã xuất hiện các nhóm phái văn học như Hội Tao Đàn của Lê Thánh Tông nửa cuối thế kỷ XV, Bạch Vân Am của Nguyễn Bỉnh Khiêm thế kỷ XVI, Chiêu Anh Các của Mạc Thiên Tích nửa đầu thế kỷ XVIII. Cùng thời với Ngô gia văn phái có dòng văn Nguyễn Tiên Điền (dòng họ Nguyễn Du), dòng văn Nguyễn Trường Lưu (dòng họ Nguyễn Huy Tự) ở Hà Tĩnh.
Các tác giả[sửa]
Ngô gia văn phái là dòng văn của một dòng họ. Dòng họ Ngô Thì là một dòng họ lớn với hai truyền thống lớn: khoa hoạn và văn học. Truyền thống này được những người trong dòng họ đời nối đời phát huy, đến Ngô Thì Sĩ thì truyền thống của dòng họ Ngô Thì càng thêm rạng rỡ.
Ngô gia văn phái là một dòng văn với số tác giả nhiều, lượng tác phẩm lớn, phong phú về thể loại, đa dạng về nội dung và nghệ thuật trong sáng tác.
Tác giả của Ngô gia văn phái lên tới 15 người: mở đầu là Ngô Thì Ức (1709 - 1736), tiếp đến là Ngô Thì Sĩ (1726 - 1780), Ngô Thì Đạo (1732 - 1802), Ngô Thì Nhậm (1746 - 1803), Ngô Thì Chí (1753 - 1788), Ngô Thì Trí (1766 - 1822), Ngô Thì Hoàng (1768 - 1814), Ngô Thì Du (1772 - 1840), Ngô Thì Hương (1774 - 1821), Ngô Thì Điển (? - ?), Ngô Thì Hiệu (1792 - 1830), Ngô Thì Thiến (? - ?), Ngô Thì Lữ (? - ?), Ngô Thì Giai (1818 - 1881), kết thúc với Ngô Giáp Đậu (1853 - 1929).
Các tác giả tiêu biểu của Ngô gia văn phái là Ngô Thì Ức, Ngô Thì Sĩ, Ngô Thì Nhậm, Ngô Thì Chí, Ngô Thì Trí, Ngô Thì Du, Ngô Thì Hương.
Các tác phẩm, nội dung và ảnh hưởng[sửa]
Số lượng tác phẩm của dòng văn Ngô Thì rất lớn. Nhiều tác giả có thi tập. Có người vừa viết văn, vừa sáng tác thơ, như Ngô Thì Sĩ, bên cạnh các thi tập Anh ngôn thi tập (Tập thơ chim vẹt học nói), Quan lan thi tập (Tập thơ xem sóng), Nhị Thanh động tập (Tập thơ làm ở động Nhi Thanh), ông còn có Khuê ai lục (Ghi nỗi đau buồn về chuyện phòng khuê) gồm thơ, văn tế, tiểu truyện văn xuôi. Ngô Thì Nhậm là cây đại bút về văn chính luận vẫn có những thi tập: Yên đài thu vịnh (Vịnh cảnh thu nơi Yên đài), Cúc hoa bách vịnh (Trăm vần thơ vịnh hoa cúc). Ngô Thì Chí vừa có Học Phi thi tập (Tập thơ của Học Phi), vừa có Học Phi văn tập (Tập văn của Học Phi), Ngô Thì Du có Trưng Phủ công thi văn (Thơ văn của Trưng Phủ) gồm cả văn và thơ.
Dòng văn Ngô Thì rất phong phú về thể loại với đầy đủ cả văn học chức năng và văn học nghệ thuật, chính luận và trữ tình, văn xuôi và thơ, văn khảo cứu và văn chương hình tượng… Đặc biệt, làm rạng danh dòng họ Ngô Thì chính là thể loại tiểu thuyết chương hồi với những tác phẩm nổi tiếng như Hoàng Lê nhất thống chí, Hoàng Việt long hưng chí. Trong số những cuốn tiểu thuyết chương hồi viết về lịch sử thì Hoàng Lê nhất thống chí là tác phẩm đồ sộ nhất, là đỉnh cao nhất của thể loại tiểu thuyết chương hồi ở Việt Nam.
Sáng tác của dòng văn Ngô Thì rất phong phú, đa dạng về nội dung. Có điều này là bởi dòng văn tập hợp tác phẩm của nhiều người, trải dài qua ba triều đại: Lê - Trịnh, Tây Sơn, triều Nguyễn. Các tác giả lại không thuần nhất về tư tưởng. Ngay trong một gia đình, có người là thần tử trung thành của vua Lê - chúa Trịnh như Ngô Thì Sĩ, nhưng các con ông, có người phò Lê chống Tây Sơn như Ngô Thì Chí, có người đi theo Tây Sơn, trở thành phò tá đắc lực của Quang Trung-Nguyễn Huệ như Ngô Thì Nhậm. Tuy nhiên dòng văn Ngô Thì vẫn có những nét thống nhất, nổi bật lên thành “phong cách” của văn phái: cảm quan và bút pháp tôn trọng sự thật lịch sử, sự thật khách quan, dù đó là sử bút hay văn bút, dù viết về những vấn đề lớn của đất nước, dân tộc, thời đại hay viết về cá nhân, dù trong cảm hứng yêu nước hay cảm hứng nhân văn, dù trong cảm hứng ngợi ca hay cảm hứng phê phán.
Trong những hội văn, dòng văn, nhóm phái của văn học Việt Nam thời trung đại thì Ngô gia văn phái là dòng văn lớn nhất, có nhiều đóng góp to lớn đối với sự phát triển của văn học dân tộc.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Tảo Trang, Bước đầu tìm hiểu một số nhà văn trong Ngô gia văn phái, Tạp chí Văn học, Số 5 - 1973.
- Đỗ Đức Hiểu, Nguyễn Huệ Chi, Phùng Văn Tửu, Trần Hữu Tá đồng chủ biên, Từ điển văn học, (Bộ mới), Nxb. Thế giới, 2004.
- Nguyễn Lộc, Văn học Việt Nam (nửa cuối thế kỷ XVIII - hết thế kỷ XIX) (tái bản lần thứ năm), Nxb. Giáo dục, 2004.
- Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi đồng chủ biên, Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb. Giáo dục, 2004.
- Trần Thị Băng Thanh (chủ biên), Tuyển tập Ngô gia văn phái, Nxb. Hà Nội, 2010.
- Lã Nhâm Thìn, Vũ Thanh đồng chủ biên, Giáo trình văn học trung đại Việt Nam, Tập 2, Nxb. Giáo dục Việt Nam, 2015.