Ngân sách Quốc phòng là khoản kinh phí quan trọng thuộc ngân sách nhà nước dự chi trong những khoảng thời gian nhất định cho quốc phòng được Quốc hội phê chuẩn. Ngân sách Quốc phòng là một bộ phận cơ bản và quan trọng nhất trong hệ thống tài chính quân đội. Ngân sách Quốc phòng là quỹ tiền tệ tập trung của Bộ Quốc phòng, được hình thành từ nhiều nguồn tài chính khác nhau trong đó từ nguồn ngân sách nhà nước chi cho quốc phòng là chủ yếu.
Để duy trì sức mạnh quân sự và thực hiện chiến lược quân sự của mình, các nước trên thế giới hàng năm đều phải dành ra từ 1 - 4% tổng thu nhập quốc dân (GNP) cho quốc phòng, có một số nước chi lớn như Mỹ , Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc khoảng 6% GNP… Một số nước CQP lớn như: Mĩ, Nga, Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản. Các nước ASEAN duy trì mức chi cho quốc phòng trung bình khoảng 2,1% tổng thu nhập quốc dân cho quốc phòng, một số nước có mức CQP lớn như: Xingapo, Inđônêxia, Thái Lan 4%.
Ở Việt Nam, Ngân sách Quốc phòng phù hợp với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đáp ứng yêu cầu tăng cường tiềm lực quốc phòng bảo vệ Tổ quốc, nhưng không chạy đua vũ trang. Do vị trí vai trò đặc biệt nên Ngân sách Quốc phòng được phân phối và sử dụng thống nhất, chặt chẽ dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Quân ủy Trung ương và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng để thực hiện các nhiệm vụ trong một khoảng thời gian nhất định của quân đội.
Ngân sách Quốc phòng bao gồm ngân sách các tổ chức thuộc Bộ Quốc phòng. Về hình thức, Ngân sách Quốc phòng là kế hoạch tài chính cơ bản, quan trọng nhất của Bộ Quốc phòng phản ảnh những nguồn thu chủ yếu của tài chính quân đội như: thu từ ngân sách nhà nước cấp; thu từ kết quả hoạt động sản xuất kinh tế của Quân đội; các khoản thu khác. Ngân sách Quốc phòng cũng phản ánh nội dung chi của tài chính quân đội, bao gồm các khoản chi chủ yếu như: Chi bảo đảm đời sống vật chất tinh thần của quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng; chi bảo quản sửa chữa và duy trì các hoạt động thường xuyên; chi huấn luyện, diễn tập; xây dựng, huấn luyện và huy động lực lượng dự bị động viên; chi mua sắm vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự và chi cho các hoạt động khác.
Ngân sách Quốc phòng thực hiện cấp phát cho các đơn vị dự toán quân đội theo phương thức cấp phát không hoàn trả trực tiếp, bảo đảm nhu cầu chi của đơn vị, không phụ thuộc vào việc các hoạt động của đơn vị có mang lại các khoản thu cho ngân sách nhà nước hay không. Thu Ngân sách Quốc phòng chủ yếu từ các khoản chi ngân sách nhà nước Trung ương cho lĩnh vực quốc phòng và các khoản thu khác theo quy định. Chi Ngân sách Quốc phòng được thực hiện theo Luật Ngân sách nhà nước quy định, nhằm xây dựng quân đội, tăng cường tiềm lực quân sự - quốc phòng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
Trong điều kiện kinh tế thị trường, các khoản chi tiêu cho quốc phòng đều dựa trên Ngân sách Quốc phòng thì sự phụ thuộc của sức mạnh quân sự vào tiềm lực kinh tế được thể hiện trực tiếp ở nguồn ngân sách mà nền kinh tế có thể huy động được để đáp ứng các như cầu chiến tranh và quốc phòng. Tỷ lệ Ngân sách Quốc phòng trong tổng thu nhập quốc dân chưa phản ánh con số tuyệt đối của Ngân sách Quốc phòng. Thu nhập quốc dân càng lớn thì con số tuyệt đối của 1% đó càng cao.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Tổng cục Chính trị, Giáo trình Kinh tế quân sự Mác – Lê Nin, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, năm 2003.
- Học viện Hậu cần, Giáo trình Tài chính dự toán Quân đội, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, năm 2010.
- Quốc hội, Luật Quốc phòng, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2018.
- Bộ Quốc phòng, Quốc phòng Việt Nam 2019, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2019
- Bộ Quốc phòng, Học viện Hậu cần và Trung tâm thông tin Khoa học quân sự, Hậu cần quân đội nước ngoài, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2020.