Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Ngày Trái đất

Ngày Trái đất là sự kiện nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về các vấn đề môi trường, đánh dấu bước ngoặt cho các phong trào môi trường hiện đại. Ngày Trái đất lần đầu tiên được tổ chức vào ngày 22 tháng 4 năm 1970. Trong suốt thời gian trước ngày Trái đất đầu tiên, môi trường không thu hút được sự quan tâm của cộng đồng. Tuy nhiên, đến năm 1962, sự ra đời của cuốn sách bán chạy nhất của Thời báo New York của Rachel Carson “Mùa xuân lặng im” đã đánh thức tâm thế của cộng đồng, và thu hút sự quan tâm và nhận thức của cộng đồng về các sinh vật sống, môi trường và mối liên hệ chặt chẽ giữa ô nhiễm môi trường và sức khỏe cộng đồng. Một trong những người khơi dậy tinh thần môi trường trong cộng đồng là Thượng Nghị sĩ Gaylord Nelson. Năm 1969, chứng kiến tình trạng xấu đi của môi trường do sự tàn phá của vụ tràn dầu lớn ở Santa Barbara, California, ông đã công bố ý tưởng giảng dạy về môi trường và ô nhiễm môi trường trong trường Đại học, nhằm thu hút sự tham gia của sinh viên. Nelson mong muốn thực hiện buổi thuyết trình bài giảng của mình trên phạm vi toàn quốc. Mặc dù đã hỏi ý kiến một thành viên kỳ cựu của Đảng Dân chủ, nhưng Nelson từ chối việc thuyết giảng từ trên xuống dưới. Ông quyết định tất cả mọi người có quyền sở hữu bài giảng của mình; nên tháng 9.1969, ông đã công bố kế hoạch về bài giảng. Để điều hành hoạt động, Nelson đã thuê một sinh viên của trường Luật Havard, Denis Hayes. Hayes nhanh chóng tập hợp một đội ngũ nhỏ các nhà hoạt động trẻ. Họ đã cùng nhau tổ chức các hoạt động giảng dạy và chọn ngày 22 tháng 4, một ngày nằm giữa kỳ nghỉ Xuân và kỳ thi cuối cùng nhằm thu hút tối đa sự tham gia của sinh viên. Tiếp nối kế hoạch được định ra ban đầu, Hayes đã xây dựng một đội ngũ gồm 85 nhân viên trên toàn quốc và mở rộng quảng bá các sự kiện đến các nhóm và tổ chức khác nhau; đồng thời kể từ đó họ cũng đổi tên thành ngày Trái đất. Ngày Trái đất không nên chỉ xem là một sự kiện mà là một chuỗi sự kiện bắt đầu từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 4 năm 1970. Ở nhiều nơi, sự kiện này kéo dài một tuần. Vì thế, nhiều học giả không gọi là ngày Trái đất mà gọi là Mùa xuân Trái đất để nhấn mạnh tính chất kéo dài nhiều ngày của sự kiện này.

Khoảng 1500 trường đại học, cao đẳng tổ chức các buổi hội thảo ngày Trái đất, tương tự các sự kiện này cũng được tổ chức tại các trường trung học, nhà thờ, công viên và trước cửa các cơ quan chính phủ. Ngày Trái đất thể hiện sự thay đổi trong quan niệm và nhận thức của cộng đồng về các vấn đề môi trường. Ngày Trái đất cũng tạo được sự thống nhất chính trị, là sự kết hợp ủng hộ của thành viên Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa, người giàu và người nghèo, cư dân thành thị và nông thôn trong cùng một chiến tuyến chống lại những hành động gây suy thoái môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe của con người. Ngày Trái đất đánh dấu một chặng đường mới của các phong trào môi trường. Ngay khi ngày Trái đất chính thức được nhóm Hayes đổi tên, nó đã thu hút sự tham gia của nhiều tầng lớp dân cư trong nước Mỹ. Ngày Trái đất đã truyền cảm hứng cho khoảng 20 triệu người Mỹ xuống phố, ra công viên, để phản đối sự ảnh hưởng xấu của 150 năm phát triển công nghiệp đến sức khỏe của con người. Hệ quả cho những nỗ lực tổ chức ngày Trái đất là sự hình thành của các trung tâm sinh thái, thường được tài trợ bởi các chương trình tái chế vật liệu. Một vài trường đại học, cao đẳng và trung học thúc đẩy thay đổi chương trình đào tạo ngày Trái đất đã thúc đẩy sự ra đời của Cục Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ và quá trình thông qua rất nhiều các đạo luật bảo vệ Môi trường, như Đạo luật Giáo dục Môi trường Quốc gia, Đạo luật Sức khỏe và An toàn nghề nghiệp, và Đạo luật không khí sạch.

Hai năm sau , Quốc hội thông qua Đạo luật nước sạch. Một năm sau nữa, Quốc hội thông qua Đạo luật về các các loài đang gặp nguy hiểm và ngay sau đó là Đạo luật về thuốc diệt côn trùng, thuốc diệt nấm và loài gặm nhấm của Liên Bang. Giống như các quốc gia khác trên thế giới, Việt Nam đã tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng sự kiện ngày Trái đất theo chủ đề ngày Trái đất của từng năm. Sự kiện thu hút sự tham gia của nhiều cá nhân và tổ chức như Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, Việt Nam Sạch và Xanh, Trung tâm nghiên cứu môi trường và cộng đồng,… Các tổ chức này đã phối hợp với nhiều cơ quan chính phủ triển khai các hoạt động hưởng ứng ngày Trái đất như mô hình Trường học xanh, phong trào Tiết kiệm và lối sống xanh, phong trào bảo tồn cây di sản Việt Nam, hoạt động thu gom dọn rác, rác thải nhựa, nạo vét kênh mương, ao hồ, hệ thống thoát nước,… Ngày Trái đất là một nỗ lực huy động lớn trong cộng đồng. Bằng cách trao cơ hội cho hàng chục nghìn các diễn giả và nhà tổ chức tạo ra sự khác biệt, NTĐ đã nuôi dưỡng một thế hệ các nhà hoạt động môi trường. Hơn nữa, ngày Trái đất cho thấy sự phụ thuộc lẫn nhau của các sinh vật tự nhiên và loài người vào Trái đất hay sự dễ bị tổn thương của Trái đất trước các hành vi của con người, từ đó thúc đẩy con người cùng nhau bảo vệ Trái đất, bảo vệ Môi trường.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Bowman K., Attitudes toward the environment twenty-five years after earth day. National forum on science and technology goals, No. 1: Environment, August 22, 1995.
  2. Da L. W., A reflection on Earth Day Celebrations: What exactly are we celebrating?. Environ. Just., 3: 53-54, 2010.
  3. Rome A., The genius of Earth Day. Environ. Hist., 15: 194-205, 2010.