, bộ phận cấu thành của hệ thống pháp luật (cấu trúc của pháp luật), bao gồm các quy phạm pháp luật điều chỉnh một loại quan hệ xã hội có chung nội dung, tính chất thuộc một lĩnh vực nhất định của đời sống xã hội, bằng những phương pháp nhất định.
NL dân sự bao gồm các quy phạm pháp luật điều chỉnh loại quan hệ xã hội có liên quan đến tài sản và các quan hệ nhân thân có liên quan đến tài sản bằng phương pháp bình quyền; ngành luật hành chính bao gồm các quy phạm pháp luật điều chỉnh loại quan hệ xã hội có liên quan đến tổ chức, hoạt động của các cơ quan hành chính và hoạt động quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội, bằng phương pháp mệnh lệnh - phục tùng là chủ yếu.
Các quy phạm pháp luật của NL có thể liên kết tạo thành các chế định pháp luật (gồm một nhóm quy phạm pháp luật điều chỉnh một nhóm quan hệ xã hội có liên quan mật thiết với nhau thuộc cùng một loại).
Mỗi NL có đối tượng điều chỉnh và phương pháp điều chỉnh riêng. Đối tượng điều chỉnh của NL là những quan hệ xã hội được pháp luật điều chỉnh có chung tính chất (cùng loại), phát sinh trong một lĩnh vực nhất định của đời sống xã hội. Số lượng các quan hệ xã hội trong đối tượng điều chỉnh của NL có thể thay đổi theo từng giai đoạn lịch sử, phụ thuộc vào ý chí của nhà nước và các điều kiện chính trị, xã hội khác...
Phương pháp điều chỉnh pháp luật là những cách thức pháp luật tác động lên các quan hệ xã hội. Phương pháp điều chỉnh của NL phụ thuộc vào nội dung, tính chất của các quan hệ xã hội mà NL đó điều chỉnh và ý muốn chủ quan của những người trực tiếp ban hành pháp luật thông qua sự nhận thức, ý thức của họ về lợi ích của nhà nước, của xã hội trong mỗi giai đoạn lịch sử nhất định. Các cách thức tác động pháp luật lên các quan hệ xã hội có thểlà: cấm (cấm, không được tiến hành một số hành vi nhất định); bắt buộc (buộc phải thực hiện một số hành vi nhất định); cho phép (được phép thực hiện một số hành vi trong những phạm vi nhất định). Phương pháp điều chỉnh của NL thường khác nhau ở chỗ quy định chủ thể tham gia và trật tự hình thành quan hệ pháp luật khác nhau; quyền và nghĩa vụ pháp lý của các bên tham gia khác nhau; các biện pháp đảm bảo thực hiện các quyền và nghĩa vụ pháp lý khác nhau...
Ở mỗi quốc gia khác nhau có sự phân định các NL khác nhau, phụ thuộc vào quan điểm của các luật gia. Chẳng hạn, các nước châu Âu lục địa thường phân định pháp luật thành ngành công pháp và ngành tư pháp. NL côngbao gồm các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội liên quan đến việc tổ chức và hoạt động của cơ quan nhà nước, những quan hệ liên quan tới việc bảo vệ lợi ích xã hội (lợi ích công) nói chung. Trong NL công thường sử dụng phương pháp điều chỉnh mang tính mệnh lệnh, đơn phương thể hiện quan hệ quyền lực và phục tùng. Trong NL công có các bộ phận đặc trưng như luật hiến pháp, luật hành chính, luật tài chính công, luật ngân hàng, luật hình sự… NL tư bao gồm các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội giữa tư nhân với tư nhân, liên quan tới bảo vệ lợi ích riêng của từng cá nhân với các phương pháp điều chỉnh đặc trưng là thoả thuận, bình quyền và các bên tự do thể hiện ý chí của mình trong việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ pháp lý. Trong NL tư có các bộ phận đặc trưng như luật dân sự, luật hôn nhân gia đình, luật thương mại…
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Minh Đoan (chủ biên), Hệ thống pháp luật Việt Nam trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Nhà xuất bản Hồng Đức, Hà Nội 2012.
2. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Lý luận chung về nhà nước và pháp luật, Nhà xuất bản Tư pháp, Hà Nội, 2019.
3. Tìm hiểu các ngành luật Việt Nam, Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, 1995.
4. Réne David, Những hệ thống pháp luật chính trong thế giới đương đại, (Người dịch TS. Nguyễn Sỹ Dũng, ThS. Nguyễn Đức Lam), Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, 2003.
5. Актуальные проблемы теории государства и права. Учебное пособие / под ред. Шагиева Р. В. М: Норма, Инфра-М, 2015. 576 с.
6. Альбов А. П., Горохова С. С., Гуков А. С. Теория государства и права. Учебник и практикум. В 2 томах. Том 1. Общая часть / под ред. Николюкин С. В. М: Юрайт, 2016. 136 с.
7. Решетников Ф.М. Правовые системы стран мира. М., 1993.
8. Власенко Н.А. Теория государства и права: учебное пособие (2-е издание, переработанное, дополненное и исправленное), Проспект, М., 2011.