Nelson Rolihlahla Mandela (1918 - 2013) sinh ngày 18.7.1918, tại làng Mvezo (Nam Phi). Sau khi học xong trung học, ông theo học luật ở Trường Cao đẳng bản xứ và Trường Đại học Witwatersrand ở Johanesburg (Nam Phi).
Từ năm 1910, Nam Phi tồn tại với tư cách là một xứ tự trị nằm trong khối Liên hiệp Anh. Năm 1912, một số nhà yêu nước Nam Phi thành lập Đảng Đại hội dân tộc Phi (ANC) để lãnh đạo nhân dân đấu tranh đòi quyền lợi cho người da đen bản xứ. Năm 1944, Nelson Rolihlahla Mandela gia nhập và trở thành một trong những người lãnh đạo quan trọng của ANC. Ông là người sáng lập ra Liên minh Thanh niên của Đảng ANC.
Năm 1948, Đảng Quốc gia lên nắm quyền ở Nam Phi và thực hiện Chế độ Apartheid, có nghĩa là phân biệt chủng tộc. Đặc trưng của chế độ Apartheid là việc chia và phân biệt giữa các nhóm chủng tộc về mặt địa lý, về quyền chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của người da trắng, chống lại quyền lợi và lợi của người da đen.
Năm 1952, Nelson Rolihlahla Mandela lập ra Văn phòng luật sư đầu tiên ở Nam Phi để hỗ trợ pháp lý cho những người da đen bản xứ. Ông đi khắp đất nước kêu gọi người dân ủng hộ và đứng lên đấu tranh ôn hòa chống lại chính sách phân biệt chủng tộc. Năm 1955, Nelson Rolihlahla Mandela tham gia soạn thảo Hiến chương Tự do để kêu gọi đấu tranh chống nạn phân biệt chủng tộc ở Nam Phi. Tháng 12.1956, Nelson Rolihlahla Mandela cùng hơn 100 người khác bị chính quyền bắt giam. Sau nhiều lần xét xử, ông được tòa án tuyên vô tội và được trả tự do.
Ngày 21.3.1960, Đảng ANC lãnh đạo và tổ chức quần chúng nhân dân tiến hành biểu tình phản đối chính sách bắt buộc người da đen phải mang thẻ căn cước. Cuộc biểu tình đã bị cảnh sát đàn áp dã man khiến 60 người thiệt mạng, 180 người bị thương. Sau sự kiện này, chính quyền Nam Phi đã ra lệnh cấm hoạt động và đặt Đảng ANC ra ngoài vòng pháp luật. Nelson Rolihlahla Mandela và các nhà lãnh đạo của ANC quyết định rút vào hoạt động bí mật và chuyển từ đấu tranh ôn hòa sang bạo lực vũ trang.
Năm 1962, Nelson Rolihlahla Mandela và 7 thành viên khác của ANC bị chính quyền Nam Phi bắt giam và bị tòa kết án tù chung thân vào năm 1964, vì tội “phản quốc”. Ông bị cầm tù gần 30 năm ở Robben Island, Pollsmoor và Victor Verster. Chính quyền Nam Phi nhiều lần dụ dỗ trả tự do cho Nelson Rolihlahla Mandela nếu ông từ bỏ ý định đấu tranh chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, nhưng Nelson Rolihlahla Mandela từ chối.
Năm 1989, Frederik Willem De Klerk được bầu làm Tổng thống Nam Phi. Chính quyền mới của Frederik Willem De Klerk tiến hành hàng loạt cải cách chính trị, xã hội, trong đó có việc xây dựng hiến pháp mới, thả tù chính trị, dỡ bỏ lệnh cấm hoạt động đối với Đảng ANC và tiến hành đàm phán với các đảng phái về quá trình dân chủ hóa ở Nam Phi.
Ngày 11.2.1990, Nelson Rolihlahla Mandela được chính quyền Nam Phi trả tự do. Ông trở thành Chủ tịch của Đảng ANC. Tháng 5.1990, Nelson Rolihlahla Mandela bắt đầu tiến hành thảo luận với chính quyền Frederik Willem De Klerk về tương lai của Nam Phi, nhất là việc thủ tiêu chế độ phân biệt chủng tộc Apartheid, tiến tới thành lập một chính phủ đa chủng tộc và dân chủ. Vấn đề này đã vấp phải sự chống đối quyết liệt của các đảng đối lập cực tả của người da trắng. Nhiều cuộc đụng độ, thảm sát đã diễn ra. Năm 1991, chính quyền Frederik Willem De Klerk và Đảng ANC do Nelson Rolihlahla Mandela đứng đầu đã đạt được sự đồng thuận và quyết định xóa bỏ chế độ phân biệt chủng tộc ở Nam Phi. Cuối năm 1993, dưới sự thúc đẩy mạnh mẽ của ông, chính quyền Nam Phi thông qua một bản hiến pháp dân chủ tạm thời và kế hoạch thiết lập một chính phủ hòa hợp dân tộc.
Tháng 4.1994, cuộc bầu cử phổ thông đầu phiếu, không có sự phân biệt sắc tộc, diễn ra ở Nam Phi. Đảng ANC của Nelson Rolihlahla Mandela giành được đa số ghế trong quốc hội (62,7%). Ngày 10.5.1994, Nelson Rolihlahla Mandela trở thành Tổng thống da đen đầu tiên của Nam Phi. Trong thời gian làm Tổng thống, ông lãnh đạo chính quyền thực hiện nhiều chính sách nhằm dung hòa, giải quyết những khó khăn, bất đồng trong xã hội ở Nam Phi. Tổng thống Nelson Rolihlahla Mandela cho ban hành một bản Hiến chương về quyền công dân. Theo đó, phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính, lứa tuổi hoặc quy chế dân sự hoàn toàn bị cấm. Hình phạt tử hình bị bãi bỏ. Tất cả người dân Nam Phi đều có quyền về chỗ ở, nước uống, giáo dục, chăm sóc y tế,…Năm 1995, Nelson Rolihlahla Mandela cho thành lập Ủy ban Sự thật và Hòa giải để điều tra, xử lý những hành vi vi phạm nhân quyền, xóa bỏ tận gốc chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và sự thống trị của người da trắng ở Nam Phi. Chính quyền Nelson Rolihlahla Mandela tiến hành nhiều cải cách kinh tế, giáo dục nhằm cải thiện và nâng cao đời sống cho người da đen. Sau khi thôi giữ cương vị Tổng thống vào năm 1999, Nelson Rolihlahla Mandela tiếp tục ủng hộ đường lối của Đảng ANC và có nhiều đóng góp trong cuộc chiến chống lại nghèo đói và bệnh AIDS ở Nam Phi. Ông là người sáng lập và đồng sáng lập ra Quỹ Nelson Mandela (Nelson Mandela Foundation, thành lập năm 1999) và Tổ chức Cựu các nhà lãnh đạo thế giới (The Elders, thành lập năm 2007). Ngày 5.12.2013, Nelson Rolihlahla Mandela qua đời ở tuổi 95.
Nelson Rolihlahla Mandela được đánh giá là anh hùng của cuộc kháng chiến chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc Apartheid, biểu tượng của cuộc đấu tranh vì tự do của những người da đen ở Nam Phi. Ông có ảnh hưởng rất lớn đối với phong trào đấu tranh đòi tự do dân chủ trên thế giới. Năm 1993, Nelson Rolihlahla Mandela được trao giải Nobel Hòa bình. Ông được dựng tượng và nhiều công trình mang tên ông ở Nam Phi và một số nước trên thế giới: Bảo tàng Nelson Mandela, tượng đồng và quảng trường Nelson Mandela, cầu Nelson Mandela ở Nam Phi; tượng Nelson Mandela ở Quảng trường Nghị viện tại London (Anh)…
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Yves Lacoste, La nouvelle Afrique du Sud, Hérodote - Revue de géographie et de géopolitique (Nam Phi mới, Tạp chí Địa lý và Địa chính trị Hérodote), N0 3 et 4 -1996, tr. 3 – 16.
- Ivan Crouzel, Le vote et la négociation: La démocratisation du régime sud – africain, Hérodote - Revue de géographie et de géopolitique), (Biểu quyết và đàm phán:dân chủ hóa chế độ ở Nam Phi, Tạp chí Địa lý và Địa chính trị Hérodote), N0 3 et 4 - 1996, tr. 17 – 30.
- George Ravenswood, L’Afrique du Sud en transition, Étvdes (Revue mensuelle), mai 1997 (Nam Phi trong giai đoạn quá độ, Tạp chí Étvdes, số tháng 5.1997), tr. 591- 599.
- L’Afrique du Sud: Un pays qui nous tient à coeur, Nos vie s’appelent solidarités (Nam Phi: đất nước ở trong tim chúng ta, Tạp chí Đoàn kết), 2005.
- https://www.britannica.com/biography/Nelson-Mandela.
- https://www.linternaute.fr/actualite/biographie/1776050-nelson-mandela-biographie.