Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Nổi dậy

Nổi dậy là sự vùng lên có tổ chức của quần chúng bị áp bức, có tính chất tiến bộ, cách mạng, chống lại chính quyền thống trị nhằm đòi hỏi một số lợi ích chính đáng, hoặc đòi quyền làm chủ ở mức độ khác nhau, khi có điều kiện có thể tiến lên giành chính quyền.

Trong lịch sử xã hội loài người, sự vùng lên của quần chúng nhân dân bị áp bức, bóc lột xuất hiện từ khi xã hội phân chia giai cấp. Nổi dậy nổ ra khi mâu thuẫn giữa giai cấp thống trị và giai cấp bị trị không thể điều hòa. Phạm vi, quy mô, hình thức và biện pháp của từng cuộc Nổi dậy có khác nhau, song Nổi dậy của giai cấp và quần chúng bị áp bức, bóc lột là sôi động nhất. Nổi dậy có thể ở phạm vi của một nước, ở từng địa phương, của một dân tộc hoặc của tín đồ một tôn giáo. Lịch sử nhân loại từ thời chiếm hữu nô lệ đến nay đã có hàng nghìn cuộc Nổi dậy của quần chúng nhân dân bị áp bức, bất công, chống lại chính quyền thống trị, giành chính quyền hoặc quyền làm chủ ở mức độ khác nhau. Tiểu biểu là Nổi dậy của nô lệ thời La Mã cổ đại do Xpactacut lãnh đạo chống lại giai cấp chủ nô (từ năm 73 đến năm 71 tcn). Nổi dậy của nông dân Trung Quốc chống phong kiến Nhà Thanh và địa chủ Mãn - Hán do Hồng Tú Toàn lãnh đạo (từ năm 1851 đến năm1864)...

Ở Việt Nam, trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc đã diễn ra nhiều cuộc Nổi dậy của nhân dân chống lại ách thống trị của ngoại bang và chính quyền phong kiến suy tàn, như: Nổi dậy của nhân dân các dân tộc thiểu số Cao Bằng, do hai cha con Nùng Tồn Phúc và Nùng Trí Cao lãnh đạo chống triều Lý thời vua Thái Tông (1039-1053); Nổi dậy của Đoàn Thượng, Nguyễn Nộn (1212-1229), cuối nhà Lý đầu nhà Trần; Nổi dậy của nông dân chống lại chế độ phong kiến Việt Nam giai đoạn cuối thời Lê Sơ (1511-1527) dưới sự lãnh đạo của các thủ lĩnh hoặc quan lại địa phương, như Thân Duy Nhạc, Ngô Văn Tống ở Bắc Ninh, Trần Tuân ở Hưng Hóa (Tây Bắc) và Sơn Tây, Lê Huy, Trịnh Hưng, Lê Minh Triệt ở Nghệ An, Phùng Chương, Trần Công Ninh ở Vĩnh Phúc, Đặng Hân, Lê Cật ở Thanh Hóa; Trần Cao ở Đông Triều (Quảng Ninh)...

Từ khi bị thực dân Pháp xâm lược (năm 1858), nhiều cuộc Nổi dậy chống Pháp đã nổ ra trên khắp Việt Nam, như: Nổi dậy chống Pháp tại kinh thành Huế (ngày 5.7.1885) do phe “chủ chiến” trong triều Nguyễn tiến hành, dưới sự lãnh đạo của Tôn Thất Thuyết mở ra thời kỳ mới trong phong trào chống Pháp; dấy binh khởi nghĩa của Phan Đình Phùng (năm 1885), bắt đầu từ căn cứ Hương Khê, sau lan rộng ra toàn tỉnh Hà Tĩnh và các tỉnh Nghệ An, Quảng Bình, Thanh Hóa, được nhân dân hưởng ứng, tạo thành một phong trào chống Pháp khắp Trung Kỳ...

Trong thế kỷ XX, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhiều cuộc Nổi dậy đã nổ ra và giành thắng lợi. Điển hình là Nổi dậy của quần chúng nhân dân hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh (1930-1931), trở thành cuộc diễn tập đầu tiên của cách mạng Việt Nam do Đảng Cộng sản Đông Dương ở địa phương lãnh đạo. Nổi dậy của nhân dân các địa phương trong cách mạng tháng Tám (1945), đập tan ách thống trị của phát xít Nhật và phong kiến tay sai, giành chính quyền cách mạng trên cả nước, lập nên nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa - nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.

Trong cuộc Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Nổi dậy đồng loạt đã trở thành hình thức cao nhất của đấu tranh chính trị ở các địa phương miền Nam Việt Nam, thường được kết hợp với tiến công quân sự nhằm lật đổ chính quyền địch ở cơ sở, xây dựng chính quyền cách mạng. Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân (1968) và cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 là điển hình về sự kết hợp giữa tiến công quân sự với nổi dậy của quần chúng, góp phần đập tan bộ máy chính quyền và quân đội Sài Gòn, giải phóng miền Nam, kết thúc toàn thắng cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; mở ra kỷ nguyên mới của dân tộc: cả nước độc lập, thống nhất và đi lên chủ nghĩa xã hội.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, Lịch sử quân sự Việt Nam, (Tập 9, Hoạt động quân sự từ năm 1897 đến Cách mạng tháng Tám năm 1945), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000.
  2. Bách khoa tri thức Quốc phòng toàn dân, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2003, tr. 5.
  3. Bộ Quốc phòng, Trung tâm Từ điển Bách khoa quân sự, Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004.
  4. Bộ Quốc phòng, Trung tâm Từ điển Bách khoa quân sự, Từ điển Thuật ngữ Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2007.
  5. Hội đồng Quốc gia chỉ đạo biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam, Từ điển bách khoa Việt Nam, Nxb Từ điển bách khoa; Hà Nội, 2007.
  6. Bộ Quốc phòng, Viện lịch sử quân sự Việt Nam, Từ điển lịch sử quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2011, tr. 521, 522.