Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Nồng độ ngưỡng

Nồng độ ngưỡng là một thuật ngữ chỉ mức nồng độ mà tại đó vẫn chưa quan sát thấy những ảnh hưởng có hại (với các chất độc) và có lợi (với các chất cần cho sự phát triển của sinh vật) xảy ra với đối tượng thí nghiệm. Nồng độ ngưỡng khác nhau ở các loài sinh vật khác nhau và ở các môi trường khác nhau. Cùng một chất, nhưng nồng độ ngưỡng của chất đó với người, thực vật, động vật và vi sinh vật khác nhau. Ngay cả trong cùng một loài, cá thể cũng có phản ứng khác nhau với cùng một chất. Phản ứng của các cá thể đối với một chất phụ thuộc vào độ tuổi, giới tính và trạng thái vật lý và tâm sinh lý. Mặc dù có sự khác nhau giữa các cá thể nhưng với một quần thể sinh vật, nồng độ ngưỡng thường tuân theo phân bố chuẩn Gauss. Nồng độ ngưỡng thường được xác định thông qua thực nghiệm. Các nghiên cứu về ngưỡng ảnh hưởng trên đối tượng động vật có vai trò quan trọng để đưa ra các dự đoán về nồng độ ngưỡng tiếp xúc đối với con người.

Trong lĩnh vực đánh giá rủi ro của các chất hóa học và yếu tố vật lý tới sức khỏe người lao động, ngưỡng giá trị giới hạn của một chất được sử dụng phổ biến để xác định ngưỡng mà người lao động có thể tiếp xúc hàng ngày mà không gây ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe. Ngưỡng giá trị giới hạn thường được sử dụng với các yếu tố hóa học và lý học trong môi trường không khí (khí, hơi, mù,…). Đơn vị của ngưỡng giá trị giới hạn đối với các chất ở dạng khí là ppm, với các chất ở dạng hạt (bụi, khói và mù) là mg/m3.

Có ba loại ngưỡng giá trị giới hạn với các chất hóa học và vật lý sau:

  • giá trị ngưỡng giới hạn - tiếp xúc trung bình theo khoảng thời gian làm việc là 8h/ngày; 40h/tuần
  • giá trị ngưỡng giới hạn - tiếp xúc ngắn không quá 15 phút/ngày
  • giá trị giới hạn - giới hạn trần không được vượt qua tại bất cứ thời điểm nào trong ngày.

Có cả ngưỡng giá trị giới hạn cho các yếu tố vật lý và hóa học. Ngưỡng giá trị giới hạn cho yếu tố vật lý bao gồm tiếp xúc với tiếng ồn, độ rung, bức xạ, stress nóng và lạnh.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Esyakova O. A., Voronin V. M., Bioindication methods in environmental engineering. IOP Conference Series: Materials Science and Engineering, 2020.
  2. Stellman J. M., Encyclopedia of Occupational Health & Safety (Fourth Ed.). International Labour Organization, 1998
  3. Weiner R., Matthews R., Environmental engineering (Fourth Ed.), Butterworth-Heinemann, 2003.