Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Nền tảng như là dịch vụ

Nền tảng như là dịch vụ (hay Dịch vụ nền tảng,tiếng Anh Platform as a Service) là loại hình dịch vụ trong dịch vụ tính toán đám mây cung cấp các nền tảng phát triển ứng dụng phần mềm. PaaS cung cấp môi trường được thiết lập sẵn các khung phát triển ứng dụng, phần mềm trung gian, các công cụ hỗ trợ cho toàn bộ vòng đời phát triển và triển khai ứng dụng.

Các dịch vụ cơ bản[sửa]

Giống như mô hình dịch vụ IaaS, bên cạnh các dịch vụ cơ sở hạ tầng như: máy chủ, lưu trữ và mạng, PaaS cung cấp thêm các khung phát triển, môi trường thực thi, các các công cụ phát triển ứng dụng và các dịch vụ liên quan đến quản lý, phân tích dữ liệu và các dịch vụ khác. Các thành phần trong PaaS được xây dựng dựa trên các công nghệ ảo hóa, do đó các tài nguyên có thể dễ dàng tăng hoặc giảm khi nhu cầu thay đổi.

Các nhà cung cấp dịch vụ PaaS có thể cung cấp các dịch vụ khác nhau, các dịch vụ cơ bản PaaS bao gồm:

  • Các công cụ phát triển: các nhà cung cấp dịch vụ PaaS có thể cung cấp các công cụ cần thiết cho quá trình phát triển phần mềm như: trình soạn thảo, bộ gỡ lỗi, trình biên dịch, quản lý mã nguồn và các công cụ khác.
  • Phần mềm trung gian: Các dịch vụ nền tảng thường cung cấp các phần mềm trung gian giúp người phát triển ứng dụng không cần phải tự cài đặt và quản lý. Các phần mềm trung gian phổ biến bao gồm: các phần mềm cơ sở dữ liệu, phần mềm ứng dụng server, phần mềm hướng thông điệp, phần mềm phát triển web.
  • Hệ điều hành: Một nhà cung cấp dịch vụ PaaS sẽ cung cấp và bảo trì hệ điều hànhtrên đó người phát triển làm việc và ứng dụng thực thi.
  • Cơ sở dữ liệu: PaaS cung cấp các chức năng quản trị và bảo trì các cơ sở dữ liệu.
  • Cơ sở hạ tầng: PaaS là tầng kế tiếp của tầng IaaS trong mô hình dịch vụ tính toán đám mây, các dịch vụ IaaS cũng được bao gồm trong PaaS như các dịch vụ về máy chủ, lưu trữ, mạng.
Tập tin:Mô hình dịch vụ PaaS.png
Mô hình dịch vụ PaaS

Ưu điểm và hạn chế[sửa]

Ưu điểm[sửa]

Mô hình PaaS mang đến một số ưu điểm như:

  • Giảm thời gian phát triển: PaaS giúp quá trình phát triển, cài đặt và triển khai ứng dụng sử dụng cùng một môi trường. Giúp lập trình viên tập trung vào xây dựng các ứng dụng phần mềm và không cần quan tâm đến các hệ điều hành, cập nhật phần mềm, lưu trữ hay cơ sở hạ tầng.
  • Tính sẵn sàng cao: thông qua triển khai hạ tầng đa vùng, giúp tăng tính sẵn sàng của các ứng dụng tính toán đám mây mang lại ưu điểm so với các cách tiếp cận truyền thống.
  • Mở rộng quy mô: với số lượng tài nguyên lớn của nền tảng tính toán đám mây giúp có thể thay đổi quy mô tài nguyên tự động.
  • Dễ quản lý bản quyền: PaaS cho phép tránh việc phức tạp trong mua và quản lý các bản quyền phần mềm, các hạ tầng ứng dụng và phần mềm trung gian phía dưới.

PaaS là lựa chọn tốt cho các tổ chức có nguồn lực ít hơn trong phát triển và quản lý ứng dụng.

Hạn chế[sửa]

Một số hạn chế của mô hình PaaS:

  • An toàn dữ liệu: Các tổ chức triển khai các ứng dụng và dịch vụ sử dụng các giải pháp PaaS nhưng dữ liệu được lưu trữ bởi đơn vị cung cấp dịch vụ, các máy chủ được quản lý bởi nhà cung cấp nên có những lo lắng về rủi ro an toàn dữ liệu.
  • Tích hợp hệ thống: Không phải tất cả các thành phần của hệ thống IT của tổ chức được xây dựng cho nền tảng đám mây, tích hợp dịch vụ đám mây với các dịch vụ và cơ sở hạ tầng hiện tại của tổ chức có thể là một thách thức.
  • Phụ thuộc vào nhà cung cấp dịch vụ: Giải pháp PaaS lựa chọn hiện tại có thể không còn áp dụng trong tương lai. Nếu nhà cung cấp dịch vụ không hỗ trợ các chính sách dịch chuyển, việc chuyển đổi sang nhà cung cấp dịch vụ PaaS thay thế sẽ ảnh hưởng đến nghiệp vụ.

Tiềm năng phát triển[sửa]

Một số dịch vụ PaaS phổ biển hiện nay bao gồm: AWS Elastic Beanstalk, Windows Azure, Heroku, Google App Engine, OpenShift.

Ví dụ với AWS Elastic Beanstalk, lập trình viên có thể sử dụng công cụ này để tải lên mã nguồn của ứng dụng web và dịch vụ, AWS sẽ đảm nhiệm các công việc như triển khai và cân bằng tải cho ứng dụng.

Vào năm 2008, Google đưa ra dịch vụ Google App Engine (GAE) cho phép các lập trình viên triển khai các ứng dụng web trên các trung tâm dữ liệu của mình. Các ứng dụng web triển khai trên GAE được thực thi trên các máy chủ khác nhau, cho phép thay đổi quy mô tài nguyên sử dụng theo dung lượng yêu cầu.

Vào năm 2010, Microsoft cung cấp nền tảng tính toán đám mây với tên gọi Azure. Nền tảng Azure cung cấp các chức năng hỗ trợ quá trình xây dựng, kiểm thử, triển khai và quản lý các ứng dụng và dịch vụ trên các trung tâm dữ liệu của Microsoft.

Gần đây để không phụ thuộc vào một đơn vị cung cấp dịch vụ đám mây, các giải pháp mã nguồn mở như Docker, được điều phối với Kubernetes có thể được sử dụng để thay thế các công cụ độc quyền.

Thị trường dịch vụ đám mây công cộng được dự đoán tăng trưởng 17.3% trong năm 2019 lên $206.2 tỷ đô la Mỹ, từ $175.8 tỷ đô la Mỹ trong năm 2018 theo Gartner, Inc. Phân khúc thị trường tăng trưởng nhanh nhất là các dịch vụ về hạ tầng hệ thống (IaaS) được dự đoán tăng trưởng 27.6% trong năm 2019. Gartner dự đoán tới năm 2022, 90% các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ hạ tầng IaaS sẽ tích hợp IaaS với các dịch vụ nền tảng PaaS từ đơn vị cung cấp dịch vụ tính toán đám mây.

Đến năm 2018, Việt Nam đạt 41/100 điểm và trở thành nước đứng thứ 14 trong bảng xếp hạng về độ phủ dịch vụ tính toán đám mây trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Điều này cho thấy mô hình tính toán đám mây đang trở nên phổ biến và bắt đầu chiếm ưu thế hơn so với mô hình công nghệ̣ thông tin truyền thống.

Bộ Thông tin và Truyền thông xác định xây dựng Chính phủ điện tử trên nền tảng đám mây là chiến lược đột phá, được ưu tiên hàng đầu trong tiến trình phát triển Chính phủ điện tử tại Việt Nam. Ngày 3/4/2020, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành văn bản số 1145/BTTTT - CATTT hướng dẫn bộ tiêu chí, chỉ tiêu kỹ thuật để đánh giá và lựa chọn giải pháp nền tảng điện toán đám mây (ĐTĐM) phục vụ Chính phủ điện tử/chính quyền điện tử (CPĐT/CQĐT). Bộ tài liệu đưa ra bộ tiêu chí, chỉ tiêu kỹ thuật để đánh giá, lựa chọn nền tảng ĐTĐM.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Gartner Forecasts Worldwide Public Cloud Revenue to Grow 17.3 Percent in 2019, https: //www. gartner. com/en/newsroom/press-releases/2018-09-12-gartner-forecasts-worldwide-public-cloud-revenue-to-grow-17-percent-in-2019 (Truy cập ngày 28/09/2021)
  2. K. Chandrasekaran, Essentials of Cloud Computing, Chapman & Hall/CRC, ISBN-10: 1482205432 (2014).
  3. Ted Simpson, Jason Novak, Hands on Virtual Computing, 2017, ISBN 1337515744, p. 451.