Nếp uốn (Fold) là các lớp đá uốn cong nhưng không mất tính liên tục của chúng. NU rất phong phú và đa dạng về kiểu dáng, kích thước và gặp trong tất cả các loại đá, ở mọi độ sâu của vỏ Trái đất. NU được thành tạo chủ yếu trong quá trình biến dạng kiến tạo dẻo ở các quy mô khác nhau của thạch quyển. Ngoài ra, còn có các NU đồng trầm tích, đồng sinh với quá trình hình thành đá trầm tích.
Các lớp đá ban đầu được giới hạn bởi các mặt phẳng song song và nằm ngang với tính chất trẻ dần từ dưới lên trên, khi bị uốn cong sẽ tạo ra mặt lồi hoặc mặt lõm. Mặt lồi hướng lên trên, so với mặt nằm ngang, thì gọi là nếp lồi, khi mặt lõm hướng lên trên thì gọi là nếp lõm. Phần lõm nhất hoặc lồi nhất của NU gọi là vòm NU. Đường nối các điểm uốn cong nhất ở vòm NU gọi là đường bản lề hay trục NU. Phần ít cong nhất nằm về hai phía của vòm tạo thành hai cánh của NU. Góc NU là góc nhị diện tạo bởi hai cánh NU khi kéo dài và giao nhau. Điểm uốn là những điểm, nằm trong cánh NU, tại đó chiều uốn cong của cánh đổi hướng. Một bề mặt (tưởng tượng), có thể phẳng hoặc cong, nối các đường bản lề của nhiều lớp đá xếp chồng lên nhau bị uốn cong, hoặc chia góc NU thành hai phần hoặc cách đều hai cánh gọi là mặt trục NU. Giao tuyến của mặt trục với mặt lớp cũng chính là trục NU. Trục NU có thể thẳng hoặc cong. Phần nhô cao nhất và phần trũng sâu nhất của mặt NU thì gọi là đỉnh và đáy NU (Hình 1).
Hai loại NU cơ bản là nếp lồi và nếp lõm. Nếp lồi có nhân là đá có tuổi cổ và trẻ dần ra ngoài. Nếp lõm có nhân là đá trẻ và già dần ra ngoài. Phần lớn nếp lồi, nếp lõm có dạng tuyến kéo dài. Chúng có thể tồn tại đơn lẻ hoặc tạo thành một chuỗi đan xen nhau tạo thành các phức nếp lồi, phức nếp lõm. Ngoài ra, các nhà địa chất dựa vào hình dạng, góc NU, mức độ đối xứng,… để gọi tên như: NU hình hộp, NU vòm rộng, NU vòm hẹp, NU dốc đứng, NU nghiêng, NU ngả, NU nằm, NU đối xứng, NU vòm dày, NU vòm mỏng, NU vòm nhọn, NU đẳng nghiêng, NU dạng bao kiếm, NU kéo theo, NU dạng ruột.
Các NU thường tập trung nhiều ở các cấu trúc biến dạng lớn có tuổi khác nhau trên bình đồ kiến trúc của Trái đất. Quy mô, chiều dài, chiều rộng của NU thay đổi từ rất nhỏ, cỡ vài mm gọi là vi NU, đến hàng chục km thậm chí hàng nghìn km tạo thành các dãy núi kéo dài theo một hướng nhất định. Ví dụ dãy núi Trường Sơn, dãy núi vòng cung Đông Triều của Việt Nam, dãy núi Hymalaya ở châu Á, dãy Alpơ ở châu Âu, dãy Thạch Sơn ở Bắc Mỹ là các dãy núi tạo thành từ nhiều loại đá bị uốn nếp trong nhiều giai đoạn biến dạng kiến tạo khác nhau.
Các khu vực bị uốn nếp, đặc biệt là phần vòm NU là nơi có điều kiện thuận lợi để các dung dịch tạo quặng kim loại, dầu khí tích đọng tạo thành các mỏ khoáng sản có giá trị công nghiệp.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Fossen H., Structural Geology, Cambridge University Press, 481p, 2010.
- Ramsey J.G., Huber M., The Technics of Modern Structural Geology, Volum 2 Fold and Fracture, Academic Press, 700p, 2006.
- Selley R.C., Cocks L.R.M., Plimer I.R., Encyclopedia of geology, Elsevier, 2005.
- Tống Duy Thanh., Mai Trọng Nhuận., Trần Nghi (Chủ biên), Bách khoa thư Địa chất, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, tr.249-296, 2016.
- Twiss R.J., Moores E.M., Structural Geology, W.H. Freeman and Company, 2nd Edition, 737p, 2006.
- Van Der Pluijm B.A., Marshak S., Earth structure: An Introduction to Structural Geology and Tectonics, 2nd Edition, W. W. Norton & Company, 673p, 2004.