Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Mitterrand Francois
Tổng thống François Mitterrand năm 1983

Mitterrand Francois (1916 - 1996) là chính trị gia, Tổng thống hợp hiến hai nhiệm kỳ của nước Cộng hòa Pháp.

Tên đầy đủ là François Maurice Adrien Marie Mitterrand, sinh ngày 26.10.1916, tại Jarnac (tây nam nước Pháp), trong một gia đình tư sản Công giáo. Năm 1937, ông tốt nghiệp hạng ưu hai bằng đại học: Luật và Khoa học Chính trị.

Năm 1938, Mitterrand François gia nhập quân đội, tham gia chiến đấu trong Chiến tranh thế giới thứ Hai. Tháng 6.1940, ông bị thương ở Verdun, bị quân Đức bắt và cầm tù. Sau khi trốn thoát khỏi nhà tù trong một lần chuyển trại, François Mitterrand trở về Pháp và tham gia vào lực lượng kháng chiến chống lại sự chiếm đóng của quân Đức.

Sau khi nước Pháp được giải phóng, nền cộng hòa thứ IV được thiết lập, từ năm 1946 đến năm 1958, Mitterrand Francois giữ nhiều chức vụ quan trọng trong Chính phủ Pháp: Bộ trưởng Bộ Cựu chiến binh và Nạn nhân chiến tranh (1947 – 1948); Bộ trưởng Bộ Hải ngoại (1950 – 1952); Quốc vụ Khanh của Pháp ở Hội đồng châu Âu (1952 - 1953); Bộ trưởng Bộ Nội vụ (1954 - 1955); Bộ trưởng Bộ Tư pháp (1956 – 1957).

Năm 1958, Mitterrand Francois rời chính trường Pháp do mẫu thuẫn quan điểm về chính sách đối với Algeria. Sau khi trở lại chính trường, năm 1962, Mitterrand Francois trúng cử nghị sĩ và trở thành Chủ tịch Đại hội đồng vùng Nièvre. Năm 1965, ông ra tranh cử tổng thống nước Pháp, nhưng thất bại trước de Gaulle. Sau khi được bầu làm Thư ký thứ nhất của Đảng Xã hội Pháp, năm 1974, Mitterrand Francois ra tranh cử tổng thống lần hai, nhưng lại thất bại trước Valéry Giscard d'Estaing.

Năm 1981, ông ra tranh cử lần thứ ba và trở thành Tổng thống đầu tiên thuộc Đảng Xã hội cánh tả dưới nền Cộng hòa thứ V. Năm 1988, Mitterrand Francois được bầu lại làm Tổng thống của Pháp và giữ cương vị này đến ngày 17.5.1995.

Trước khi trở thành Tổng thống, Mitterrand Francois luôn đặt việc cải cách là nhiệm vụ quan trọng. Trong thời gian làm Bộ trưởng Bộ Hải Ngoại, ông ủng hộ và thực hiện một số cải cách tư pháp ở các xứ thuộc địa nằm trong khối Liên hiệp Pháp. Trong thời gian làm Bộ trưởng Bộ Tư pháp, ông ủng bộ việc ban hành Luật khung Defferre vào 1956, trao quyền tự trị nhiều hơn cho các thuộc địa của Pháp ở châu Phi, trong đó có quyền bầu cử. Ông phản đối tình trạng bạo lực vũ trang và dùng bạo lực để giải quyết vấn đề Algeria.

Trong thời gian giữ cương vị Tổng thống, Mitterrand Francois lãnh đạo chính quyền tiến hành nhiều chương trình cải cách lớn và quan trọng, như: xóa bỏ Toà An ninh quốc gia), bãi bỏ Luật Hình sự chống gây rối, xóa bỏ nhiều điều trong Luật An ninh và Tự do, xóa bỏ hình phạt tử hình, hủy bỏ tội danh quan hệ đồng giới, tiến hành hiện đại hóa Luật Hình sự.

Mitterrand Francois thúc đẩy ban hành và áp dụng ở Pháp nhiều luật xã hội mới: Luật An sinh xã hội, Luật về phụ nữ, Luật về thanh niên, Luật về thể thao. Thông qua cải cách luật pháp, điều kiện lao động của người dân Pháp được cải thiện: thời gian làm việc mỗi tuần giảm xuống còn 39 giờ, tăng số tuần nghỉ phép được hưởng lương lên 5 tuần mỗi năm, tăng 10% lương tối thiểu cho người lao động, tăng 25% trợ cấp cho người tàn tật. Năm 1982, 4 luật liên quan đến người lao động được ban hành (Luật Aunoux), gồm: quyền tự do của người lao động; thiết chế đại diện của người lao động; hòa giải tranh chấp giữa người lao động và giới chủ; Ủy ban vệ sinh, an toàn và các điều kiện lao động. Các quyền tự do dân chủ được mở rộng: tự do báo chí, ngôn luận,...

Về văn hóa, giáo dục và khoa học, năm 1981, chính quyền Mitterrand Francois cho thành lập các khu vực giáo dục ưu tiên để phát triển giáo dục theo hướng đại chúng. Năm 1984, ban hành Luật Giáo dục đại học nhằm tạo điều kiện cho tất cả người dân có bằng tú tài được quyền theo học đại học. Cùng năm này, Luật Đào tạo nghề được sửa đổi bổ sung. Dưới thời Mitterrand Francois, ngân sách đầu tư cho xây dựng các công trình văn hóa, nghệ thuật được ưu tiên, nhiều công trình kiến trúc, văn hóa nổi tiếng của Pháp được xây dựng, cải tạo và mở rộng: Nhà hát quốc gia Bastille, Bảo tàng Louvre, Viện Thế giới Arab, Thư viện Quốc gia Pháp, …

Về kinh tế -tài chính, chính quyền Mitterrand Francois tăng ngân sách cho các Bộ Lao động, Bộ Văn hóa và Bộ Nhà ở để chăm lo cho cuộc sống của người dân Pháp. Ông được cho là nhân vật rất quyết đoán trong việc thực hiện quốc hữu hóa một số lĩnh vực kinh tế quan trọng. Theo đề xuất của Mitterrand Francois, từ đầu năm 1982, chính quyền Pháp tiến hành quốc hữu hóa 7 nhóm công nghiệp, 2 công ty tài chính và 36 ngân hàng. Chính sách này cho phép chính quyền Pháp nắm và chi phối nền kinh tế, nhưng cũng gây ra một số tác động tiêu cực tới nền kinh tế Pháp, nhất là tình trạng thiếu hụt ngân sách công do phụ thuộc quá lớn vào kinh tế nhà nước. Chính quyền Mitterrand Francois đầu tư hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, trong đó có việc xây dựng tuyến tàu điện cao tốc Paris – Lyon.

Về chính sách đối ngoại, Mitterrand Francois tiếp tục duy trì quan hệ đồng minh thân cận với Mỹ. Ông ủng hộ, cùng với Mỹ và một số quốc gia khác tham gia vào cuộc Chiến tranh vùng Vịnh năm 1990 – 1991. Mitterrand Francois có quan điểm cởi mở hơn với Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa. Ông có một số nỗ lực trong việc giải quyết căng thẳng giữa Liên Xô và Mỹ. Ông ủng hộ và đóng vai trò quan trọng đối với sự thành lập Liên minh châu Âu và đưa nước Pháp trở thành thành viên của tổ chức này. Đối với Việt Nam, dưới thời chính quyền Mitterrand Francois, quan hệ ngoại giao giữa Pháp và Việt Nam có nhiều chuyển biến tích cực. Năm 1993, ông có chuyến thăm ngoại giao tới Việt Nam theo lời mời của Chủ tịch nước Lê Đức Anh. Mitterrand Francois là Tổng thống đầu tiên của nước Pháp và là nguyên thủ đầu tiên của các nước phương Tây tới thăm Việt Nam kể từ sau năm 1975. Ông qua đời tại Paris vào ngày 8.1.1996.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Ủy ban Nhân dân tỉnh Lai Châu, Điện Biên Phủ Lai Châu chào đón quý khách, Nxb. Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2004.
  2. François Mitterrand, Ma part de vérité: de la rupture à l’unité (Chia sẻ của tôi về sự thật: từ tan vỡ đến thống nhất), Fayar, Paris, 1969.
  3. https://www.elysee.fr/francois-mitterrand.
  4. https://www.mitterrand.org/sa-vie.
  5. https://www.britannica.com/biography/Francois-Mitterrand.