Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Minh Trị
Hình Thiên hoàng Minh Trị (ảnh màu) trong sách Tenno Yondai No Shozo (天皇四代の肖像, Thiên hoàng Tứ đại chi Tiêu tượng), xuất bản bởi Nhà xuất bản Mainichi (Mainichi Shinbun Sha, 毎日新聞社, Mỗi Nhật Tân văn xã).

Minh Trị (1852 - 1912) là vị Thiên hoàng thứ 122 của Nhật Bản, được coi là vị vua có công lớn nhất trong lịch sử Nhật Bản, đã tiến hành cuộc duy tân nước Nhật từ năm 1868 và đưa nước này trở thành một quốc gia hiện đại, thoát khỏi nguy cơ trở thành thuộc địa của các cường quốc phương Tây trong thời cận đại.

Có tên đầy đủ là Mutsuhito, niên hiệu là Minh Trị, được gọi bằng thụy hiệu sau khi mất là Thiên hoàng Minh Trị (Meiji – tức nền chính trị sáng suốt) đôi khi còn được gọi là Nhật hoàng Mutsuhito, sinh ngày 3.11.1852 và mất ngày 30.7.1912, chính thức trị vì từ ngày 3.2.1867 cho tới khi qua đời.

Hoàng tử là con trai thứ của Thiên hoàng Komei. Mẹ là thị nữ Nakayama Yoshiko, con gái của lãnh chúa Nakayama Tadayasu thuộc gia tộc Fujiwara. Lúc còn nhỏ, chủ yếu Mutsuhito sống tại gia đình Nakayama ở Kyoto, tính tình nhút nhát và bắt đầu học khi 9 tuổi. Ngày 11.7.1860, ông được Asako Nyogo – nữ ngự của Thiên hoàng Komei (sau này là Anh Chiếu Hoàng thái hậu) nhận nuôi. “Hữu cung” (Sachi – no – miya) là ngự hiệu của hoàng tử lúc thiếu thời, sau được đổi tên là Mutsuhito (với hàm nghĩa là đối xử với mọi người hòa mục, nhân từ), được phong chức Thân vương (Shinnô) và chức Hoàng thái tử (Kotaishi) cùng ngày.

Sau khi trở thành Thiên hoàng , đầu năm 1869, Mutsuhito về Kyoto để làm lễ giỗ Thiên hoàng Hiếu Minh và kết hôn. Ngày 11.1.1869, ông cưới Ichijo Masako (9.5.1849 – 19.4.1914), con gái thứ ba của tả đại thần Ichijo Tadaka và phong làm Hoàng hậu.

Mutsuhito trở thành Thiên hoàng trong bối cảnh nước Nhật đang đứng trước nhiều thách thức lớn. Giữa thế kỷ XIX, Mỹ và nhiều nước phương Tây đến “gõ cửa” Nhật Bản. Năm 1853, Phó Đô đốc Hoa Kỳ Matthew Calbaraith Perry đã đưa 4 chiến thuyền đến cảng Ugara, yêu cầu Nhật Bản mở cửa thông thương. Từ năm 1854 đến năm 1858, Mỹ ký một loạt hiệp ước buôn bán bất bình đẳng với Nhật Bản. Nối tiếp sau Mỹ là các nước phương Tây khác cũng ký nhiều hiệp ước với chính quyền Tokugawa. Sự kiện này mở đầu cho việc buộc chính quyền Mạc phủ Tokugawa phải châm dứt chính sách bế quan tỏa cảng. Nước Nhật đứng trước cuộc khủng hoảng dân tộc trong khi phong trào đấu tranh trong nước chống Mạc phủ lên cao. Trung tâm quân sự - chính trị chống Mạc phủ là các công quốc phía nam (như Satsuma, Choshu,Tosa, Hizen). Các công quốc này đã hình thành một liên minh, đòi thủ tiêu chế độ Mạc phủ và khôi phục lại quyền lực của Thiên hoàng.

Năm 1867, Mutsuhito lên ngôi Thiên hoàng kế vị vua cha khi mới 15 tuổi, nhưng lại không có quyền lực. Cuối năm đó, đại biểu của liên minh chống Mạc phủ nhân danh Thiên hoàng đòi trả lại cho vua mọi quyền hành mà Shogun đã chiếm giữ trong nhiều thế kỷ. Ngày 8.11.1867, Mutshito xuống mật chiếu chinh phạt lực lượng Mạc phủ do Tokugawa Keiki đứng đầu. Ngày 9.11, mật chỉ được truyền xuống công quốc Satsuma và Choshu. Trước áp lực, Shogun Tokugawa Keiki phải chuyển lại quyền bính cho hoàng gia. Tuy nhiên, Keiki vẫn chưa cam chịu, ông ta tập hợp lực lượng chống lại Thiên hoàng vào tháng 1.1868, quân đội của Keiki bại trận ở vùng phụ cận Kyoto. Tháng 2.1868, lực lượng của Keiki ở Edo đầu hàng.

Chế độ Tokugawa hoàn toàn bị xóa bỏ sau gần ba thế kỷ. Ngày 3.1.1868, chính phủ mới của Thiên hoàng được thành lập. Khi có chính quyền trong tay, được sự hậu thuẫn của các công quốc chống Shogun, Minh Trị thực hiện cuộc duy tân đất nước theo xu hướng tư bản chủ nghĩa. Ngay từ đầu, ông đề ra hai mục tiêu của chính quyền mới: độc lập quốc gia và phấn đấu từng bước tiến lên bình đẳng với các nước phương Tây. Con đường để đạt mục tiêu đó là “Phú quốc cường binh” (Fukoku). Ngày 14.3.1868, Thiên hoàng chính thức công bố Năm lời thề (Ngũ điều ngự thệ văn) thể hiện đường lối của chính phủ mới trong điều hành đất nước:

- Hội nghị phải được mở rộng và những vấn đề quốc gia phải do công luận quyết định.

- Trên dưới một lòng ra sức chăm lo cho công việc đại sự quốc gia.

- Từ bách quan văn võ đến thường dân, mọi người phải được tự do theo đuổi chí nguyện của mình để trong nước không còn sự bất mãn.

- Phải từ bỏ những tập quán xấu và mọi việc phải dựa vào công đạo (công pháp quốc tế).

- Phải tiếp thu kiến thức từ khắp nơi trên thế giới để chấn hưng đất nước.

Mutsuhito xuống chiếu đổi tên thành phố Edo thành Tokyo (3.9.1868), sau đó đến ngày 4.11.1868, triều đình dời đô từ Kyoto về Tokyo. Ông đặt niên hiệu là Minh Trị. Ông thi hành một loạt các cải cách theo văn minh phương Tây trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội (hành chính, xã hội, quân đội, giáo dục, kinh tế, tài chính, đối ngoại, …). Tất cả những sự kiện này đều được thực hiện dưới Thánh chỉ của Thiên hoàng. Ngày 11.2.1889, ông ban hành Hiến pháp đầu tiên của Nhật Bản, theo đó Thiên hoàng có quyền hành “thiêng liêng bất khả xâm phạm”, là Nguyên thủ quốc gia, nắm trọn quyền thống trị cả về đối nội và đối ngoại.

Với đóng góp lớn lao của mình cho đất nước, Minh Trị được người dân trong nước Nhật và thế giới chú ý nhất trong số các Thiên hoàng Nhật Bản và được xem là người đặt nền móng cho sự “thần kỳ” của nước này. Những nhà lãnh đạo trong triều đình Minh Trị cố gắng đưa Thiên hoàng trở thành biểu tượng của sự thống nhất và lòng trung thành của dân tộc Nhật Bản, dựa trên niềm tin Hoàng gia thiêng liêng, là con cháu của Thiên Chiếu Ngự Đại Thần Amaterasu-omikami.

Vào năm 1910, Thiên hoàng đã thoát khỏi một âm mưu ám sát do Kotoku Shusui thực hiện. Ngày 30.7.1912, Mutsuhito qua đời do ung thư dạ dày, hưởng thọ 60 tuổi. Sau khi Thiên hoàng Minh Trị và Hoàng hậu qua đời, năm 1920, Thiên hoàng Đại Chính xuống chiếu lệnh xây dựng Minh Trị Thần Cung ở quận Harakuju tại Tokyo để tưởng niệm vua cha. Tuy nhiên, tháng 4.1945, khu tưởng niệm bị bom Mỹ phá hủy. Đến năm 1958, khu điện thờ được dân chúng góp sức xây dựng lại. Và từ năm 1927, Thiên hoàng Hirohito (Chiêu Hòa, 1925 – 1989) tuyên bố ngày 3.11 – ngày sinh của Thiên hoàng Minh Trị - trở thành ngày lễ mang tên “lễ Minh Trị”.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Phan Ngọc Liên (chủ biên), Đinh Ngọc Bảo, Trần Thị Vinh, Đỗ Thanh Bình, Lịch sử Nhật Bản, Nxb. Văn hóa thông tin, Hà Nội, 1995.
  2. Vũ Dương Ninh, Nguyễn Văn Hồng, Đại cương Lịch sử thế giới cận đại, tập hai, Nxb. Giáo dục, 1996.
  3. Lưu Tộ Xương, Quang Nhân Hồng, Hàn Thừa Văn, Ngải Châu Xương, Lịch sử thế giới tập 4, thời cận đại (1640 – 1900), người dịch: Phong Đảo, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 2002.
  4. Nguyễn Quốc Hùng (chủ biên), Đặng Xuân Kháng, Nguyễn Văn Kim, Phan Hải Linh, Lịch sử Nhật Bản, Nxb. Thế giới, 2012.