Ma, quỷ là linh hồn của sinh vật - chủ yếu là con người - xuất hiện trong thế giới người đang sống, hoặc ác thần. Thường thì ma và quỷ đều được xem là sự hiện hình của đối tượng đã chết, nhưng ở một số trường hợp, quỷ cũng có thể là ác thần. Đây được xem là những lực lượng có năng lực huyền bí, có thể biết trước tương lai và có thể tác động vào người khác theo những cách đặc biệt hoặc nhập vào cơ thể người khác để điều khiển. Và ngay cả khi là sự tái tạo tương đối chính xác của cơ thể đối tượng đã chết trong hầu hết mọi đặc điểm, ma, quỷ vẫn là phiên bản thiếu sinh khí trần thế.
Ma nhìn chung được hình dung là tập trung ở địa phủ, mộ phần nơi nghĩa trang và những địa điểm liên quan khi còn sống hoặc liên quan đến cái chết lúc chúng còn là người.
Người Việt có những quan niệm và hình dung khác nhau về ma, mặc dù đều cho rằng con người sau khi chết đi sẽ trở thành ma cả. Những người chết theo cách thông thường (theo vòng đời sinh, lão bệnh, tử) thì sẽ ra ở nhà mồ: “Sống cái nhà, thác cái mồ”. Cũng chính vì quan niệm như vậy nên các gia đình thường xây mồ mả đẹp và khu nghĩa địa của cộng đồng thường được tạo thành một quần thể kiến trúc có nét giống với quần thể kiến trúc của người sống. Những người chết vào một giờ dữ, chết oan do bị giết, chết do tai nạn bất thường (ví dụ như chết đuối)… thì khi thành ma vẫn luyến tiếc cuộc sống, thường quanh quẩn ở nơi từng liên quan đến họ khi còn sống hoặc nơi mà họ chết (thường là những chỗ vắng vẻ, âm u). Còn những người chết tha hương (“chết đường, chết chợ”) thường sẽ trở thành ma lang thang, ngụ ở các gốc cây, hang đá, bờ ao hồ… Những hồn ma của người bị chết oan khuất hoặc bất thường có thể quấy nhiễu người sống, gây ra một tâm lý e sợ cho người sống, do đó người ta mới có các nghi lễ, kiêng kị và phương thuật để tránh bị chết dữ hoặc xử lý hồn ma người chết nếu chẳng may bị chết dữ (gọi hồn, tìm xác, dùng ma thuật trong đám tang…).
Một số loại ma điển hình trong văn hóa Việt Nam có thể kể đến là ma gà (loại ma hay theo những cô gái đẹp), ma xó (loại ma vốn là xác chết dựng ở xó nhà), ma lai (thứ người ban đêm hóa ma rút ruột, đầu… người khác), ma men (người say chết thành ma và thường lôi kéo người khác cũng say tới chết), ma thần vòng (ma những người thắt cổ chết và sau đó thúc giục người khác cũng tự tử như họ), ma trành (ma cọp dữ, thường dẫn cọp đi bắt và ăn thịt người khác để mình được đầu thai), ma da (ma người chết đuối ở các sông vực lớn, thường kéo người khác rơi xuống nước để tái sinh)…
Quỷ là hiện thân của cái ác, của thế lực thù địch và phá hoại trong nhiều nền văn hóa và truyền thống tôn giáo khác nhau. Hình tượng quỷ được đề cập đến trong nhiều tôn giáo, và cách hiểu của người Việt thì thường chịu ảnh hưởng bởi quan niệm của Phật giáo. Theo đó, những người khi còn sống phạm tội ác thì khi chết linh hồn không được đầu thai mà bị đày xuống cõi Ngạ quỷ (là một trong ba cõi âm ty, bên cạnh cõi Súc sinh và cõi Địa ngục), trở thành quỷ hay còn gọi là quỷ đói bởi chúng không thể ăn bất cứ thứ gì (thức ăn đưa lên miệng sẽ biến thành lửa). Vào tháng bảy âm lịch hàng năm, Diêm vương sẽ mở cửa địa ngục cho ngạ quỷ lên dương thế để tìm thức ăn. Cũng bởi vậy, Phật giáo có nghi lễ cúng xá tội vong nhân, thí thực cho ngạ quỷ - những hồn ma mang cảm xúc tiêu cực - để chúng không quấy nhiễu người trần và để cầu cho chúng được siêu thoát. Trong nghi lễ này, vật phẩm cúng ngoài quần áo chúng sinh và tiền vàng sẽ là gạo, muối, cháo loãng, hoa quả... nhưng hoàn toàn không có đồ mặn để tránh đánh thức tham, sân, si ở chúng.
Mặc dù quỷ thường là được xem là một dạng hồn ma, nó cũng còn được hình dung như là một loại sinh vật (ngoài hồn ma) của thế giới siêu hình, có pháp thuật, có sức mạnh siêu phàm và có vẻ ngoài kỳ dị. Trong Phật giáo, ngoài quỷ đói là một dạng hồn ma trong cõi Ngạ quỷ, còn có các loại quỷ như Dạ Xoa, La Sát, Câu hồn (hay còn gọi là Hắc Bạch vô thường quỷ) trong cõi Địa ngục. Chúng có chức trách riêng dưới sự cai quản của Diêm vương. Còn trong một số tôn giáo khác, quỷ có thể là lực lượng đối lập với thần linh. Chúng sống dưới địa ngục, thường có sừng và đuôi, có tâm địa độc ác và luôn tìm cách cám dỗ loài người khiến họ tha hóa. Một số trường hợp, ban đầu chúng là thiên thần, sau đó sa ngã thành quỷ. Thế giới của quỷ được hình dung có sự tôn ti giống như trong thế giới của loài người, bao gồm chẳng hạn như quỷ vương, quỷ tướng, quỷ tốt, quỷ nô… Quỷ có thể được triệu hồi lên thế giới của loài người và cũng có thể bị đày xuống tầng địa ngục bằng những nghi thức tương ứng.
Niềm tin vào sự tồn tại của ma, quỷ là cơ sở cho nhiều thực hành tâm linh trong đời sống thường ngày của con người. Tác động đến cách con người xác định về phương châm sống và gây ra tâm lý e sợ về cách chết, nó là lý do của các nghi thức liên quan đến việc chết dữ (gọi hồn, cầu siêu, dùng ma thuật…). Phù thủy, thanh đồng, đạo sĩ, thầy tu… được xem là lực lượng có thể trừ được tà ma. Để trừ ma, quỷ, người ta thường dùng các loại bùa, các biểu tượng tín ngưỡng - tôn giáo như bát quái, thánh giá…, các đồ kim khí, máu súc vật, các loại gia vị hăng hoặc cay như tỏi, ớt, v.v… Một số nơi thực hiện phép thuật “trục xuất” người chết bằng cách trói thi hài trước khi tiến hành chôn cất.
Ma, quỷ cũng là chủ đề được chú ý trong nghệ thuật ở hầu hết các nền văn hóa. Nó xuất hiện trong nhiều tác phẩm văn học (bao gồm cả văn học dân gian như thần thoại, truyền thuyết, cổ tích… và văn học thành văn), hội họa, kiến trúc, điêu khắc, sân khấu… Chẳng hạn, không ít hồn ma đã trở thành nhân vật kinh điển trong công trình của các danh họa như Delacroix, Sibly, Gauguin… và các đại văn hào như Shakespeare, Dickens, Wilde... Đặc biệt, chủ đề này ngày càng khẳng định mình trong bộ môn nghệ thuật hiện đại nhất - nghệ thuật thứ bảy - với hàng loạt bộ phim có chất lượng và đạt doanh thu cao trên toàn cầu, ví dụ The Fog (1980), Ghost (1990), The Ring (2002)… Ở Việt Nam, ma, quỷ cũng là chủ đề gây hứng thú trong văn học trung cận đại với những tác phẩm nổi bật như Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ, Tân truyền kỳ lục của Phạm Quý Thích… và trong văn học, sân khấu lẫn điện ảnh hiện đại với các tác phẩm như truyện Lâu đài oan khốc của Người Khăn Trắng (bút danh của Huỳnh Thượng Đẳng), bộ phim Đoạt hồn, Mười, Ngôi nhà bí ẩn - Suối oan hồn…
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Toan Ánh, Nếp cũ làng tín ngưỡng Việt Nam, Quyển Thượng, Nam Chi tùng thư, Sài Gòn, 1968.
- Chevalier, J., Gheerbrant, A., Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, Nxb. Đà Nẵng - Trường viết văn Nguyễn Du, Đà Nẵng, 1997.
- Phan Kế Bính, Việt Nam phong tục, Nxb. Hà Nội, Hà Nội, 1999.