M113 là xe thiết giáp chở quân do hãng FMC (Ford Motor Company – Mỹ) chế tạo từ năm 1960.
Năm 1956, theo yêu cầu của Tướng James M. Gavin - Cục trưởng Cục Nghiên cứu và phát triển của Quân đội Mỹ, lục quân cần được trang bị một loại xe thiết giáp đa năng có thể vận chuyển bằng máy bay, chi phí thấp, tin cậy, chạy trên mọi địa hình. Ban đầu, Công ti FMC ở Xan Giôxê (San Jose, California) sản xuất thử 2 mẫu là T113 và T117. Mẫu T113 chính là xe M113 được chọn để chính thức đưa vào sản xuất hàng loạt vì thân xe làm bằng hợp kim nhôm nhẹ hơn và hoạt động có hiệu quả hơn mẫu T117 với thân xe làm bằng thép. Năm 1960 loạt xe M113 đầu tiên ra đời. Khối lượng 10,3 t, kíp xe 2 người (gồm trưởng xe và lái xe), chở 11 lính bộ binh. Hệ thống lái bằng thủy lực.Vỏ bằng hợp kim nhôm hàn dày 12-44 mm. Dài 4,863 m, rộng 2,686 m, cao 2,686 m (đến nóc tháp súng). Động cơ xăng 70M, công suất 154 kW (209 cv) khi vòng quay đạt 4.000 vòng/phút; khả năng leo dốc 31o, đi dốc nghiêng 17o, vượt vách đứng 0,61m và hào rộng 1,68 m. Vận tốc lớn nhất 64,37 km/h, hành trình dự trữ với nhiên liệu tối đa 320 km, bơi bằng xích với vận tốc lớn nhất 5,8 km/h, xe có lắp 9 thiết bị quan sát M17, 1 kính lái đêm M19, trang bị súng máy 12,7 mm (cơ số đạn 2.000 viên). M113 và các mẫu cải tiến được dùng làm xe cơ sở cho nhiều loại trang bị khác như hệ thống phòng không tự hành, các loại cối tự hành, xe phun lửa, xe chở tên lửa chống tăng, xe yểm trợ hỏa lực, xe chỉ huy.
Năm 1962, M113 được đưa sang Việt Nam trang bị cho các đơn vị kỵ binh thiết giáp của Quân đội Sài Gòn. Kết hợp với chiến thuật “trực thăng vận”, Quân đội Mỹ - Sài Gòn đã chọn M113 làm nòng cốt hình thành chiến thuật “thiết xa vận” trong các chiến dịch càn quét và bao vây các lực lượng vũ trang của ta. Năm 1963, Mỹ cải tiến M113 thành M113A1 lắp động cơ điêzen 2 kì 6V-53, công suất 215 mã lực, khối lượng chiến đấu 11,2 t, lắp thêm 1 súng máy M30 và đưa vào trang bị cho quân đội vào 1964. Năm 1978, cải tiến hệ làm mát và hệ thống giảm xóc (ký hiệu M113A2), sản xuất 7.1979 và đưa vào trang bị 8.1979. Năm 1987, nâng cấp M113 thành M113A3, lắp động cơ điêzen 2 kì 6V53T, công suất 275 mã lực và bộ truyền động X-200-4, trang bị cho các đơn vị Mỹ ở châu Âu, Hàn Quốc và tại Mỹ.
M113 và các biến thể của nó trở thành xe cơ sở để lắp các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật dùng cho các nhiệm vụ quân sự : xe M163 pháo tự hành lắp pháo phòng không 20 mm 6 nòng; M106 ( M106A1, M106A2) lắp pháo không giật 106,7 mm, M125A1, M125A2 lắp cối 81 mm, xe phun lửa M132A1, xe chỉ huy M577A1, M577A2, xe M1059 lắp hệ thống phát khói ngụy trang... (kí hiệu A1, A2 là xe M113 lắp động cơ điêzen).
Sau chiến tranh Việt Nam, Mỹ và nhiều nước khác như Đức, Ixraen, Ôxtrâylia, Singapo, Hàn Quốc, Canada, Braxin, Đài Loan, Ai Cập... vẫn tiếp tục sản xuất và cải tiến nâng cấp các xe thuộc họ M113. Tính đến nay, tổng số xe M113 cùng với 50 kiểu cùng họ đã được sản xuất tại Mỹ và các nước khác trên thế giới là 80.000 xe, riêng Mỹ 36.546 xe. Mặc dù Mỹ đã phát triển nhiều loại xe thiết giáp mới có tính năng kỹ - chiến thuật tốt như xe chiến đấu bộ binh M2/M3 Bradley, nhưng họ xe M113 vẫn chứng tỏ tính thông dụng, hoạt động tin cậy và khả năng cơ động ưu việt trong cuộc chiến tranh vùng Vịnh (1991) nên Mỹ và các nước khác đã đề ra các chương trình cải tiến và nâng cấp họ xe M113 hiện có trong biên chế trang bị. Bắt đầu từ 1992, Mỹ đã nâng cấp cải tiến 7 biến thể của M113: M901A3 mang bệ phóng tên lửa chống tăng TOW; M901A3 cải tiến thành M981A3 (FIST-V) xe trinh sát pháo binh; M106A3 mang cối 120 mm; M548A3 mang bệ phóng mìn; M1068A3 là sở chỉ huy hỗn hợp, lắp thêm hệ thống chỉ huy và điều khiển chiến thuật; M1059A3 có thiết bị tạo khói M157. Tất cả các xe M113 nâng cấp đều mang ký hiệu A3. Hiện nay, M113A3 của Mỹ đã được trang bị hệ thống truyền tin số hóa và truyền số liệu tốc độ cao, thay xích mới XR-150 do TACOM sản xuất để kéo dài thời gian sử dụng; lắp động cơ mới có công suất 275 mã lực, thay đầu phun nhiên liệu mới, bộ phận làm mát, lắp thiết bị bơm mới có công suất cao hơn và bộ truyền động cải tiến mới. Xingapo cũng cải tiến nhiều xe M113A1 và M113A2 thành M113A3 lắp động cơ, hộp số tương tự như của Mỹ nhưng lắp pháo 40 mm hoặc 25 mm. Ixraen lắp pháo 60 mm, hệ thống lái bằng thủy lực mới, hệ thống phòng chống vũ khí NBC. Đức cải tiến một số lượng lớn M113A1 thành M113A1G với nhiều chức năng khác nhau: cứu thương, rải mìn, phòng không, chống tăng.
Ở Việt Nam sau giải phóng miền Nam, ta đã thu được một số lượng lớn M113, chủ yếu là các xe sử dụng động cơ chạy xăng 75MV8 và động cơ điêzen 6V53 đã sử dụng rộng rãi trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam (1978-79). Để đáp ứng yêu cầu tác chiến của quân đội, M113 cần được nghiên cứu để tăng sức mạnh hỏa lực cũng như khả năng cơ động của xe bằng cách thay động cơ xăng bằng động cơ điêzen có công suất cao hơn, tạo khả năng kéo tốt hơn, cho phép lắp thêm một số vũ khí mới trên xe. Hiện nay trên xe đã được gắn thêm các hệ thống vũ khí như: ĐKZ-106 mm M40 hoặc ĐKZ-75 K56, đại liên 12,7 mm (Nga) thay thế cho Browning 50 (Mỹ).
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Jane’s Armor and Artillery, 1996-1997
- Bộ tư lệnh Tăng-Thiết giáp, Sổ tay tra cứu Xe tăng Thiết giáp, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 1999
- Trung tâm Từ điển Bách khoa quân sự, Từ điển Bách khoa quân sự, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2005
- Trung tâm Từ điển Bách khoa quân sự, Từ điển Thuật ngữ quân sự, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2007