Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
M107

M107 là pháo nòng dài tự hành 175 mm do Mỹ thiết kế, chế tạo.

Ý tưởng nghiên cứu, chế tạo M107 nhằm đáp ứng yêu cầu của lục quân Mỹ về một loại pháo hạng nặng mới, có khả năng vận chuyển bằng đường không, thời gian triển khai vào ra khỏi chiến trường ngắn. Tháng 1.1956, có 6 mẫu pháo ra đời và được nhiều lần nghiên cứu thử nghiệm. Đến năm 1959, 3 mẫu được lựa chọn là T235, T236 và T120. Tháng 3.1961 đã lựa chọn và tiêu chuẩn hóa được hai mẫu là T235E1 thành pháo M107 và T236E1 thành pháo M110. Tháng 6.1961, công ty PCF (Pacific Car and Foundry Company) của Mỹ được giao nhiệm vụ chế tạo loạt đầu cả hai loại pháo M107 và M110. Loạt chế tạo đầu tiên M107 hoàn thành năm 1962 và trang bị cho lục quân Mỹ, tháng 1.1963 đưa vào sử dụng ở tiểu đoàn M107 đầu tiên tại Phot Xin (Fort Sill). Từ 1965 đến 1980, công ty MFC của Xan Giôxê (San José) và công ty Bowen McLaughlin York (BMY) cũng tham gia chế tạo M107. Về sau, hai công ty này sáp nhập thành United Defense. Việc chế tạo kết thúc vào tháng 5.1980.

Pháo được đặt trên xe cơ sở bánh xích hạng nhẹ M548, thân xe đúc bằng hợp kim thép; khoang lái riêng được bố trí phía trước bên tay trái. Khoang lái được trang bị 3 kính tiềm vọng nhìn ban ngày M17, kính ở giữa có thể được thay thế bằng kính tiềm vọng thụ động nhìn đêm. Xe sử dụng động cơ điêzen model 8V-71T làm mát bằng nước, công suất 298 kW (405 cv) cùng hệ truyền động XTG 411-2A. Xe không có hệ thống phòng chống vũ khí hạt nhân, sinh học, hóa học và không có khả năng lội nước. Pháo của M107 là pháo M113 175 mm lắp trên tháp M158, cơ cấu tầm, hướng thủy lực và bằng tay. Pháo có hệ thống hãm lùi đẩy lên thủy khí, khoảng cách lùi nhỏ nhất 711 mm, khoảng cách lùi lớn nhất 1.778 mm. Thiết bị nạp đạn thủy lực ở phía sau xe bên trái, cũng có thể nạp bằng tay. Thiết bị điều khiển bắn gồm một kính ngắm toàn cảnh M115 độ khuếch đại x 4 và trường nhìn 10o, kính đo góc tà M15, kính đo góc cho pháo thủ M1A1 và kính viễn vọng bắn trực tiếp M116C độ khuếch đại x 3, trường nhìn 13o. Khi di chuyển, pháo được kéo lùi về phía sau để giảm chiều dài toàn bộ của xe; phần động của pháo có thể tháo rời khỏi xe khi vận chuyển bằng máy bay.

Thông số chiến-kỹ thuật Giá trị
D x R x C 11.256 x 3.149 x 3.679 mm
Khối lượng chiến đấu 28.168 kg
Khối lượng rỗng 25.915 kg
Công suất động cơ 298 kW
Áp suất trên nền đất 0,85 kg/cm2
Chiều dài nòng 9.150 mm
Chiều dài thân xe 5.720 mm
Chiều cao xe 1.475 mm
Chiều dài xích (ở trạng thái tĩnh) 2.692 mm
Chiều dài xích (khi hành quân) 3.936 mm
Chiều rộng xích 457 mm
Độ cao gầm 466 mm
Tốc độ bắn lý thuyết 3 phát/phút
Tốc độ bắn thực tế 2 phát/phút
Góc tầm -2o đến + 65o
Góc hướng (trái, phải) 30o
Tầm bắn của xêri đạn M437 tiêu chuẩn tùy theo lượng nổ thay đổi 15.100-32.700 m.
Sơ tốc đầu nòng trong khoảng 509-914 m/s
Pháo bắn đạn nổ công suất lớn M437A2 hoặc M437A1, có thể bắn đạn hạt nhân và bắn đạn tăng tầm Mk 7 MOD7 tới tầm xa lớn nhất 40.000 m
Đạn nặng 66,78 kg với M437A1 chứa 13,6 kg TNT, còn M437A2 chứa 14,96 kg thành phần B.
Cơ số đạn 2 quả
Tốc độ tối đa trên đường nhựa 56 km/giờ
Vượt hào 2.362 mm
Vượt dốc 30 %
Đi dốc nghiêng 60 %
Vượt vách đứng 1.016 mm
Điện 24 V
Ăcquy model 6TN 4x12 V
Hệ thống điều khiển tháp pháo Thủy lực và bằng tay
Tốc độ quay lớn nhất 100 mils
Tốc độ nâng lớn nhất 100 mils
Nhiên liệu dự trữ 1.173 lít
Hành trình dự trữ tối đa trên đường nhựa 725 km
Khẩu đội (8 người đi trên một xe vận tải kiểu M548) 13 người

Năm 1981, lục quân và hải quân đánh bộ Mỹ đã cải tiến M107 thành M110A2. Trong chiến tranh Việt Nam (1965-75), M107 được đưa vào miền Nam Việt Nam , năm 1968 trang bị cho Quân đội Sài Gòn, nhằm cung cấp hỏa lực yểm trợ tầm xa và đấu pháo. Ưu điểm vượt trội của M107 là tầm bắn xa và khả năng cơ động rời khỏi vị trí bắn nhanh để tránh phản pháo. Ngoài ra, Quân đội Sài Gòn còn sử dụng như một loại pháo hỗ trợ, pháo cấp chiến dịch và các vai trò khác nhau của pháo lựu tầm xa bắn gián tiếp. Tuy nhiên, trên chiến trường Việt Nam, so với pháo M-46 (130 mm, do Liên Xô chế tạo), M107 thường bị áp đảo, vì kíp pháo thủ hoàn toàn ở ngoài xe không có giáp bảo vệ, mỗi lần bắn lại phải lên xe, xuống xe, tốc độ bắn, độ chính xác và bảo đảm bí mật hạn chế hơn, (trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, M107 dễ bị phát hiện vị trí và trong đấu pháo thì bị tiêu diệt). M107 được sử dụng rộng rãi trong quân đội các nước thuộc khối NATO và đã được xuất khẩu sang Hàn Quốc, Hi Lạp, Hà Lan, Ixraen, Iran, Italia, Thổ Nhĩ Kỳ. Phần lớn các nước này đã cải biến M107 sang cấu hình M110A2, và một số nước hiện nay đã thay thế cả M107 và M110 bằng hệ thống rôcket bắn loạt của công ty Lockheed Martin.

Không có biến thể của M107, nhưng pháo lựu tự hành M110 (203 mm) và M578 ARV cùng sử dụng khung gầm xe giống M107.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Trung tâm Từ điển Bách khoa quân sự, Từ điển Bách khoa quân sự, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2005
  2. Trung tâm Từ điển Bách khoa quân sự, Từ điển Thuật ngữ quân sự, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2007
  3. Trung tâm thông tin khoa học quân sự, Trang bị kỹ thuật M107, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2009