Mỹ tham gia Chiến tranh thế giới thứ Hai từ tháng 12.1941 đến khi chiến tranh kết thúc, là một trong những nước chủ chốt của Khối Đồng minh chống phát xít.
Trước khi tham chiến (9.1939 - 12.1941), Mỹ theo chủ nghĩa biệt lập, đứng trung lập nhưng chấp thuận việc bán vũ khí cho các nước Đồng minh theo phương thức trả tiền mặt và tự chuyên chở (Cash- and- Carry). Sau khi nước Pháp thất thủ mùa hè năm 1940, Mỹ tăng chi tiêu cho quốc phòng, trang bị vũ khí hiện đại cho quân đội. Tháng 9.1940, Mỹ thi hành Sắc lệnh bắt buộc tòng quân trong thời bình lần đầu tiên. Tháng 3.1941, Quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật cho vay- cho thuê (Lend- Lease Act), thực hiện với các nước Anh, Trung Quốc, Liên Xô … với tổng trị giá 50 tỉ USD. Tháng 8-1941, Mỹ tham gia Hiến chương Đại Tây Dương, cam kết tham gia bảo vệ an ninh, hòa bình, tự do đi lại trên biển.
Trong thời gian Mỹ tham chiến (12.1941 - 8.1945), cuộc tấn công bất ngờ 7.12.1941 của quân đội Nhật tại Trân Châu cảng gây ra những tổn thất nặng nề cho quân đội Mỹ. Ngày 8.12, Tổng thống F. Roosevelt chính thức tuyên chiến với Nhật, ba ngày sau tuyên chiến với Đức và Italy. Lệnh tổng động viên huy động 6 triệu người tình nguyện tham gia quân đội. Tổng số người nhập ngũ tính trong thời gian chiến tranh là 15 triệu người. Chính phủ thành lập Bộ Kinh tế thời chiến (War Production Board-WPB) kiểm soát các hoạt động sản xuất trong thời chiến. Toàn bộ nền công nghiệp chuyển hướng sang công nghiệp quốc phòng để phục vụ chiến tranh từ năm 1943.
Quân đội Mỹ tham chiến cùng quân Đồng minh trên các mặt trận Thái Bình Dương, châu Âu và Bắc Phi. Trên mặt trận Thái Bình Dương, từ tháng 5. 1942, quân đội Mỹ bắt đầu giành được thắng lợi trong các trận đánh ở vùng biển San hô (Coral) làm quân Nhật mất dần ưu thế quân sự. Thắng lợi của Hải quân Mỹ trong trận đánh ở đảo Midway là bước ngoặt trên mặt trận này. Quân Mỹ tiếp tục giành được thắng lợi quan trọng trong trận đánh ở đảo Guadalcanal (tháng 8.1942 - tháng 2.1943), chuyển sang phản công trên toàn chiến trường Thái Bình Dương.
Trên mặt trận châu Âu và Bắc Phi, quân đội Mỹ tham chiến cùng quân Đồng minh trong các chiến dịch chống liên quân Đức - Italy từ năm 1942. Trong cuộc đổ bộ vào Normandy (tháng 6.1944), khoảng 73.000 quân Mỹ (trong tổng số 160.000 quân Đồng minh) tham gia vào chiến dịch mở Mặt trận thứ hai ở châu Âu. Từ đây, quân Mỹ cùng liên quân Đồng minh chia làm hai hướng, tấn công vào Đức và Pháp, lần lượt giải phóng các nước Pháp, Bỉ, Hà Lan, Lucxembourg và Italy, tháng 3.1945 vượt sông Rhine tràn vào nước Đức, gặp Hồng quân Liên Xô tại Torgau trên bờ sông Elbe ngày 26.4.1945.
Tháng 5.1945, phát xít Đức bị tiêu diệt, chiến tranh kết thúc ở châu Âu. Tại mặt trận Thái Bình Dương, quân Mỹ giành được thắng lợi trong trận đánh chiếm hòn đảo chiến lược Iwo Jima và đảo Okinawa. Sau khi Nhật bác bỏ Tuyên cáo Potsdam, ngày 6-8, Mỹ ném quả bom nguyên tử đầu tiên xuống thành phố Hiroshima. Ngày 8.8, Liên Xô tuyên chiến với Nhật và một ngày sau đó tấn công đạo quân Quan Đông của Nhật. Ngày 9.8, Mỹ ném quả bom nguyên tử thứ hai xuống thành phố Nagasaki, thành phố cảng lớn nhất miền Nam Nhật Bản. Ngày 15.8, Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, chiến tranh kết thúc.
Chiến tranh có tác động sâu sắc đến lịch sử nước Mỹ. Việc tham chiến không chỉ giúp Mỹ hoàn toàn thoát ra khỏi cuộc Đại suy thoái 1929 - 1933 mà còn tạo tiền đề để Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Trong bốn năm chiến tranh (1941-1945), kinh tế Mỹ có bước phát triển bằng khoảng 1/4 thế kỷ. Nền kinh tế phát triển với 17 triệu việc làm mới đã góp phần giải quyết hoàn toàn vấn nạn thất nghiệp kéo dài sau Đại suy thoái. Tỉ lệ thất nghiệp giảm từ 9,9% (1941) xuống 4,7% (1942), 1,9% (1943) và 1,2% (1944), mức thấp kỷ lục trong lịch sử nước Mỹ. Tổng thu nhập quốc nội (GNP) của Mỹ tăng lên nhanh chóng, từ 91,1 tỉ USD (1939) tăng lên 213,6 tỉ USD (1945). Chiến tranh thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của khoa học- kỹ thuật và việc áp dụng những thành tựu khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp, quân sự, hàng không và năng lượng nguyên tử.
Chiến tranh tác động đến những thay đổi trong xã hội Mỹ, đặc biệt trong vấn đề bình đẳng giới và phân biệt chủng tộc. Chiến tranh tạo cơ hội nâng cao vị trí của phụ nữ Mỹ, những người đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động tình nguyện phục vụ chiến trường. Chiến tranh tạo điều kiện thuận lợi cho những người da đen trong cơ hội tìm kiếm việc làm và vị trí xã hội do nhu cầu về nguồn nhân lực tăng cao. Tuy nhiên, những công dân Mỹ gốc Nhật là nạn nhân sự phân biệt đối xử của người Mỹ trong những năm chiến tranh. Tháng 2.1942, gần 120 ngàn người Mỹ gốc Nhật sinh sống ở khu vực bờ biển California bị bắt buộc phải rời khỏi nhà, bị giam giữ trong 10 khu tạm giam và sau đó bị chuyển đến các khu tái định cư biệt lập ở ngoại ô các thành phố miền Tây Nam nước Mỹ. Năm 1983, Chính phủ Mỹ quyết định bồi thường cho những người Mỹ gốc Nhật.
Là một trong những thành viên chủ chốt của Khối Đồng minh nhưng thiệt hại của Mỹ trong chiến tranh ở mức thấp với số người chết khoảng 330.000 người (chiếm trên 0,2% dân số, so với Anh: 1%, Liên Xô: 16%). Tổng ngân sách Mỹ chi cho chiến tranh vào khoảng 321 tỉ USD (gấp 10 lần so với Chiến tranh thế giới thứ Nhất). Nước Mỹ ra khỏi chiến tranh, vươn lên nhanh chóng về thế và lực, trở thành một siêu cường về kinh tế, quân sự. Khi chiến tranh kết thúc, Mỹ chiếm gần 60% sản lượng công nghiệp, 3/4 trữ lượng vàng thế giới, đồng thời là chủ nợ lớn nhất thế giới. Về quân sự, Mỹ đứng đầu thế giới tư bản về lục quân, hải quân, không quân và giữ độc quyền về bom nguyên tử những năm đầu sau chiến tranh. Các nước tư bản, kể cả nước thắng trận và bại trận đều phải dựa vào Mỹ để phục hồi kinh tế. Đây là cơ hội có một không hai để Mỹ nắm quyền lãnh đạo thế giới tư bản chủ nghĩa và thực hiện chiến lược toàn cầu giành quyền bá chủ thế giới trong những năm sau chiến tranh.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Vũ Dương Ninh (chủ biên), Lịch sử quan hệ quốc tế (1918-1945), Nxb. Đại học sư phạm, Hà Nội, 2013.
- Bách khoa toàn thư Britanica, Nước Mỹ: Chiến tranh thế giới thứ Hai, https://www.britannica.com/place/United-States/World-War-II
- Thư viện Quốc hội Mỹ, Chiến tranh thế giới thứ Hai, https://www.loc.gov/classroom-materials/united-states-history-primary-source-timeline/great-depression-and-world-war-ii-1929-1945/world-war-ii/
- Bộ Ngoại giao Mỹ, Văn phòng sử gia, Những cột mốc lịch sử: 1937-1945, https://history.state.gov/milestones/1937-1945/lend-lease