Mỹ trong Chiến tranh Thế giới thứ I

Mỹ tham gia Chiến tranh thế giới thứ Nhất từ tháng 4.1917 đến khi chiến tranh kết thúc năm 1918, là một trong những nước chủ chốt của phe Hiệp ước chống lại phe Liên minh.

Nguyên nhân[sửa]

Ngày 28.7.1914, Áo – Hung tấn công Serbia, Chiến tranh thế giới thứ Nhất bùng nổ. Ngày 5.8.1914, chính quyền Mỹ tuyên bố trung lập với cuộc chiến ở châu Âu. Cuối năm 1914 đầu năm 1915, cuộc chiến trên biển giữa Anh và Đức diễn ra ngày càng ác liệt, khiến nhiều công dân Mỹ thiệt mạng và gây ảnh hưởng lớn tới lợi ích kinh tế của Mỹ. Ngày 7.5.1915, Đức đánh đắm tàu trở khách Lusitania của Anh, khiến hơn 100 công dân Mỹ thiệt mạng. Chính quyền Mỹ gửi công hàm yêu cầu Đức dừng các hành động tấn công trên biển. Bất chấp phản đối của Mỹ, tàu ngầm phe Đức – Áo - Hung tiếp tục tấn công và đánh đắm thêm nhiều tàu chở hàng của Mỹ và các nước khác có liên quan tới công dân và lợi ích của Mỹ, gồm các tàu: Nebraskan, Leelanaw (Mỹ), Ancona (Italy), Sussex (Pháp),…

Hành động của Đức khiến quan hệ Mỹ - Đức trở nên căng thẳng. Chính quyền Mỹ tố cáo Đức cố tình gây chiến và dọa cắt đứt quan hệ ngoại giao. Tổng thống Wilson cảnh báo, hành động của Đức có thể dẫn tới việc Mỹ sẽ tham chiến. Từ năm 1915, Mỹ tăng cường chuẩn bị lực lượng sẵn sàng tham chiến. Các trại huấn luyện quân sự được tổ chức ở nhiều nơi, dự trữ dầu mỏ cho hải quân được tăng cường. Đầu năm 1916, Quốc hội Mỹ thông qua dự luật tái cơ cấu, xây dựng lực lượng quân đội mạnh nhất có thể. Giữa tháng 6.1916, Hạ viện Mỹ thông qua 182 triệu USD chi cho quốc phòng.

Diễn biến[sửa]

Đầu năm 1917, Đức tiến hành cuộc Chiến tranh Tàu ngầm không hạn chế trên biển. Sau những cảnh báo không được chấp thuận, chính quyền Mỹ tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đức. Tháng 3.1917, trong bốn ngày tàu ngầm Đức đánh đắm bốn tàu của Mỹ: The City of Memphis, Vigilante, Illiniois, Healdton và Aztec. Ngày 2.4.1917, trước Quốc hội Mỹ, Wilson tuyên bố tình trạng chiến tranh với Đức. Ông khẳng định, nước Mỹ đã chuẩn bị cho cuộc chiến tranh, việc trung lập không còn hiệu quả để bảo vệ mọi quyền hiển nhiên của con người. Hành động của Đức là nhằm chống lại chính quyền và nhân dân Mỹ. Mỹ buộc phải tham chiến để bảo vệ nước Mỹ và đảm bảo hòa bình chung. Quyết định tuyên chiến với Đức của Wilson được Quốc hội Mỹ thông qua. Tiếp đó, ngày 17.12.1917, Mỹ tuyên chiến với Áo – Hung.

Tháng 5.1917, Quốc hội Mỹ thông qua Luật Quân dịch nhằm tăng cường huy động lực lượng gửi sang chiến trường châu Âu. Ngày 11.7.1917, Hạ viện Mỹ thông qua khoản ngân sách 640 triệu USD chi cho đào tạo không quân và chương trình máy bay quân sự. Ngày 24.6.1917, lực lượng binh lính đầu tiên của Mỹ đổ bộ lên đất Pháp. Cho tới cuối năm 1918, có tới 2 triệu lính Mỹ được gửi đến chiến trường châu Âu, đặt dưới sự chỉ huy của Tư lệnh Mỹ, Jonh J. Pershing.

Đầu năm 1918, sau khi ký hòa ước với Nga và trước khi Mỹ tham gia hoàn toàn vào cuộc chiến, quân Đức tập trung lực lượng tấn công ở mặt trận phía tây. Tướng Jonh J. Pershing phải xin chính quyền Mỹ tăng viện. Tháng 4.1918, Mỹ gửi bổ sung sang chiến trường châu Âu 313.000 quân để hỗ trợ cho Anh và Pháp. Từ tháng 5 đến tháng 9.1918, các sư đoàn của Mỹ cùng với quân Anh, Pháp mở các đợt phản công vào quân Đức ở phòng tuyến Sông Marne và giành được thắng lợi lớn ở Cantigny, Bouresche, Belleau và Soissons. Ngày 28.5.1918, khoảng 4.000 quân thuộc sư đoàn bộ binh số 1 của Mỹ tấn công quân Đức và chiếm được Cantigny. Đây là cuộc độc lập tác chiến đầu tiên của quân Mỹ kể từ khi tham chiến. Trong tháng 6.1918, gần 27.000 quân thuộc sư đoàn số 2 của Mỹ tổ chức phản công quân Đức và chiếm được Bouresche và Belleau. Ngày 15.7.1918, quân Đức tổ chức phản công lại quân Đồng minh ở Reims, nhưng bị lực lượng của Mỹ và Pháp chặn đứng. Ngày 18.7.1918, sư đoàn bộ binh số 1 và số 2 của Mỹ phối hợp với các tập đoàn quân của Pháp tổ chức tổng phản công đánh vào quân Đức ở Soissons – một vị trí có vai trò chiến lược quan trọng đối với cả hai bên. Quân Đức thất bại và rút chạy khỏi Soissons. Thắng lợi ở Soissons tạo ra bước ngoặt của cuộc chiến: quân Đồng minh giành thế chủ động hoàn toàn, mở đầu quá trình sụp đổ của đế chế Đức. Tiếp đó, quân Mỹ tham gia vào các trận đánh và giành chiến thắng quyết định ở Picardie, Champagne và Lorraine.

Từ tháng 10.1918, chính quyền Đức mở cuộc thương lượng hòa bình với Mỹ và phe Hiệp ước, dựa trên 14 điểm của Wilson. Ngày 11.11.1918, Đức ký Hiệp định đình chiến Compiègne, Chiến tranh thế giới thứ Nhất kết thúc.

Kết quả[sửa]

Trong Chiến tranh thế giới thứ Nhất, chính quyền Mỹ tiếp tục thực hiện chính sách “ngoại giao dollar” nhằm tăng cường ảnh hưởng chính trị, thâu tóm lợi ích kinh tế ở khu vực Trung Mỹ (Mexico, Nicaragua,…) và châu Âu. Trong giai đoạn 1914 – 1918, Mỹ cho các nước châu Âu vay 11 tỉ USD (chủ yếu là Anh, Pháp và Bỉ), với lãi suất từ 3,5 đến 5% mỗi năm.

Trong giai đoạn này, kinh tế Mỹ có bước phát triển nhanh chóng, một phần lớn nhờ vào bán vũ khí, lương thực, nguyên liệu cho các nước Đồng minh châu Âu. Từ đầu chiến tranh đến tháng 4.1917, giá trị hàng hóa của Mỹ xuất khẩu sang các nước Đồng minh lên tới 2 tỉ dollars.

Về xã hội, chính quyền Mỹ ban hành nhiều đạo luật mới liên quan tới thu nhập và đời sống người dân Mỹ. Luật Clayton công nhận tính hợp pháp của bãi công, biểu tình và tẩy chay của người lao động. Luật đánh thuế các khoản thu nhập cá nhân trên 3.000 dollars. Luật về bồi thường cho công nhân. Luật Quân dịch và Luật Chống gián điệp, trong đó có quy định bắt tù bất cứ ai có hành động ngăn cản hoặc từ chối thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Trong Chiến tranh thế giới thứ Nhất, Mỹ là nước thu được nhiều lợi ích nhờ bán vũ khí, nguyên liệu, lương thực và cho vay lãi. Việc Mỹ tham chiến làm thay đổi cán cân lực lượng nghiêng về phe Hiệp ước, góp phần dẫn tới sự thất bại của Đức và phe Liên minh. Tuy nhiên, cuộc chiến khiến Mỹ tiêu tốn 12 tỉ dollars, hơn 100.000 binh sĩ Mỹ thiệt mạng.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. William A. Degreggorio, Bốn mươi hai đười tổng thống Hoa Kỳ, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1998.
  2. Howard Zinn, Lịch sử dân tộc Mỹ, Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2010.
  3. Arthur M. Schlesinger, Niên giám lịch sử Hoa Kỳ, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2004.
  4. Le Président Milson, La guerre et la paix (Receuil des déclarations du Président des États – Unis d’Amérique sur la guerre et la paix: 20 décembre 1916 – 6 avril 1918 (Chiến tranh và hòa bình (tập hợp các bản tuyên bố của Tổng thống Mỹ về chiến tranh và hòa bình: từ ngày 10.12.1916 đến ngày 6.4.1918), Librairie Berger Levrault, Paris, 1918.
  5. Pierre Renouvin, La politique des emprunts étrangers aux États-Unis de 1914 à 1917, Annales Économies – Sociétés – Civilisations (Chính sách về các khoản vay của nước ngoài ở Mỹ từ năm 1914 đến năm 1917), N0 3, 1951, tr. 289 – 305.