Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Mực cơ sở xâm thực

Mực cơ sở xâm thực là khái niệm để chỉ một mốc (độ cao?) nào đó mà dưới mốc này thì dòng chảy (sông, suối) không thể đào sâu, xâm thực được nữa. Khái niệm mực cơ sở xâm thực được Powell đưa ra đầu tiên vào năm 1875. Các sông suối, khi đổ vào sông khác lớn hơn hay đổ vào các đầm, hồ và biển, sẽ bị giảm tốc độ và khả năng xâm thực của chúng cũng mất dần. Do vậy, các vị trí này được coi là mực cơ sở xâm thực của dòng chảy. Mực cơ sở xâm thực được phân biệt thành mực cơ sở xâm thực gốc và mực cơ sở xâm thực địa phương. Mực cơ sở xâm thực gốc, còn gọi là mực cơ sở xâm thực cuối cùng, là nơi dòng sông đổ ra biển đổ ra biển và đại dương. Vị trí của nó ổn định tương đối lâu dài và chi phối hoạt động của toàn bộ hệ thống sông liên quan. Mực cơ sở xâm thực địa phương, còn gọi là mực cơ sở xâm thực tạm thời, là nơi sông suối đổ vào sông lớn hơn, hay hồ và đầm lầy. Vị trí của nó có thể thay đổi trong thời gian ngắn và chỉ chi phối hoạt động của dòng chảy đoạn nằm phía trên nguồn. Ngoài ra, những điểm gồ ghề (như ghềnh, thác) và những nơi đá rất cứng ở đáy sông cũng có thể coi là mực cơ sở xâm thực địa phương vì chúng cũng có ảnh hưởng tới hoạt động của dòng chảy phía trên nguồn.

Mực cơ sở xâm thực có vai trò quyết định đến các hoạt động xâm thực do dòng chảy gây ra. Tất cả các lục địa đều có xu thế bị xâm thực, bóc mòn cho đến ngang mực xâm thực cơ sở cuối cùng. Song xu thế này thường bị cản trở bởi các chuyển động nâng hạ của vỏ Trái đất và dao động của mực nước biển. Sự thay đổi mực cơ sở xâm thực dẫn đến mở rộng hoặc thu hẹp không gian cũng như tăng hay giảm cường độ hoạt động của các quá trình xâm thực và bồi tụ. Mực cơ sở xâm thực được nâng cao, tức độ chênh cao giữa cửa sông và đầu nguồn giảm, động năng dòng chảy giảm, dòng sông chuyển sang chế độ tích tụ. Ngược lại, khi mực cơ sở xâm thực bị hạ thấp, độ chênh cao giữa đầu nguồn và cửa sông tăng lên, năng lượng dòng chảy tăng lên, sông tăng cường hoạt động xâm thực sâu, bắt đầu từ mực cơ sở xâm thực mới rồi phát triển giật lùi về phía nguồn. Như vậy, sự thay đổi mực cơ sở xâm thực tạo ra một chu trình xâm thực mới trong chuỗi tiến hóa địa hình. Sự thay đổi này thường liên quan đến chuyển động kiến tạo, thay đổi mực biển hoặc những thay đổi lớn về chế độ dòng chảy.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Đào Đình Bắc, Địa mạo đại cương, Đại học quốc gia Hà Nội, 312tr., 2000.
  2. Goudie A.S., "Base level", In Goudie, A.S. (ed.), Encyclopedia of Geomorphology, Routledge, p.62, 2004.
  3. Koss J. E., Ethridge F. G., Schumm S.A, An Experimental Study of the Effects of Base-Level Change on Fluvial, Coastal Plain and Shelf Systems, J. Sedimentary Research, 64B(2): 90-98, 1994.
  4. Orme A. R. The Rise and Fall of the Davisian Cycle of Erosion: Prelude, Fugue, Coda, and Sequel, Physical Geography, 28(6): 474-506, 2007.