Mộ phần là không gian dành cho việc chôn cất người chết. mộ phần có thể là một mô đất được đắp cao, cũng có thể được xây gạch bền vững, thậm chí được kiến thiết thành lăng tẩm. Trong nhiều nền văn hóa, lưu giữ hài cốt người chết bằng mộ phần là hình thức an táng phổ biến.
Ở miền Bắc Việt Nam, mộ phần thường nằm trong khu đất chuyên biệt của làng dành cho việc an táng người đã khuất, còn ở miền Nam, mộ phần thường ở trên gò cạnh nhà, ruộng, vườn hoặc khu đất dành riêng để cho việc này của gia đình (thổ mộ). mộ phần có hình dáng khác nhau, theo từng địa phương và tùy từng thời kỳ. Ở miền Bắc và miền Nam, mộ có hình chữ nhật, tại miền Trung, phổ biến mộ hình tròn và chóp có đỉnh nhô cao. Riêng ở Nam Bộ, vì có nhiều vùng đất trũng, ngập nước, người ta xây tường xung quanh bốn phía ngôi mộ ngay sau khi đào huyệt xong.
Mộ người mới chết (mộ hung táng) thường được đắp đất với độ dài 2 m, cao 0,5 m, rộng 0,8 m. Ngoài Bắc, đỉnh mộ thóp hơn bên dưới, còn trong Nam thì hơi bầu. Sau một thời gian, người ta sẽ tiến hành xây thành mộ gạch để giữ gìn lâu dài. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp người chết lâu rồi mà con cháu không xây mộ do ở gần, có điều kiện chăm sóc và cho rằng mộ đất thì phù hợp với thuyết âm dương. Mộ xây có thể giữ nguyên lớp đất được đắp bên trong và xây gạch xung quanh để tránh mưa gió làm trôi đi, đồng thời có thêm nắp để ngăn cây cối mọc trên mộ và xâm phạm xương cốt người đã khuất. Ngôi mộ chính nằm ở giữa một chu vi phụ thuộc, chung quanh có nền tráng xi măng và tấm mộ bia. Mộ xây có một nét riêng so với mộ đất là có lỗ trống mang tác dụng dung hòa khí bên trong mộ với khí bên ngoài mộ và có tác dụng giúp kiểm soát xem đất bên trong mộ có bị sụp không. Những loại mộ đặc thù khác có thể kể đến là: mộ trứng ngỗng (hình tròn hoặc biến thể thành hình lá sen, mai rùa dành cho Phật tử), mộ mã lạp (hình gáy ngựa), mộ nấm liếp (hình chữ nhật, có bia lớn bằng chiều rộng của mộ, mặt mộ nghiêng từ phía bia ra), mộ long đình và trúc cách (theo phong cách cung đình), mộ tháp (dành cho nhà sư Phật giáo), lăng (mộ của người có công trạng lớn), tẩm (mộ có kèm theo chỗ nghỉ ngơi cho người sống). Những kiến trúc khác nằm trong mộ phần bao gồm: uynh thành (tường bảo vệ mộ), cửa mộ (cửa lưỡng trụ, cửa khu ốc, cửa giao long, cửa uốn, cửa miếng khánh, cửa long đình), bình phong (trong đó, bình phong tiền che gió ở trước mộ, bình phong hậu che gió chạm tới mạch mộ), sân bái đình (dùng cho người đến thăm mộ làm lễ), hương án (được xây thành bệ có đặt bình cắm hương), hồ (gắn với lăng tẩm), miếu thổ thần và cuối cùng là bia mộ.
Mộ phần không chỉ là nơi chôn cất, là ngôi dành nhà riêng cho người chết mà còn cho thấy niềm tin về mối liên hệ, tác động không ngừng giữa người sống và người chết trên nhiều phương diện. Khi có giấc mộng liên quan, khi có sự xuất hiện một điềm báo, khi thế giới người sống có điều bất ổn…, gia chủ sẽ đi xem bói để tìm hiểu căn nguyên. Tùy theo quẻ đoán của thầy bói mà gia chủ có lựa chọn thích hợp trong việc ứng xử với mộ phần. Thường thì nếu mộ bị động (súc vật phá làm sụt mộ, rễ cây ăn vào xương cốt…), người ta sẽ làm lễ tạ mộ và khấn cả vị thổ thần nơi mộ với vàng hương, trầu cau, xôi rượu, ngựa mã… Hoặc, trước những biến động thời cuộc, con cháu sợ rằng hồn phách cha ông bị kinh động sẽ làm lễ tạ mộ để cầu sự yên ổn cho vong hồn người đã khuất. Ngoài ra, khi đến năm đến tháng phải tạ mộ theo số tử vi thì con cháu cũng làm lễ này.
Mộ phần là không gian dành riêng cho người chết, nhưng cách người sống tạo lập và ứng xử với ngôi mộ cho thấy nhiều tầng nghĩa về mặt văn hóa. Cách con người ở nhiều cộng đồng văn hóa chia của cho người chết tại mộ, cách họ chăm sóc, dọn dẹp ngôi mộ, làm nhà mồ, chạm trổ, trang trí trong ngôi nhà trên mộ, trồng cây trồng hoa bên cạnh mộ,… cho thấy niềm tin rằng, ngôi mộ là ngôi nhà, là tài sản của riêng người chết và một trong những trách nhiệm quan trọng của người sống là phải chuẩn bị ngôi nhà đặc biệt này cho người thân của họ. Người Việt xây dựng mộ phần tuân theo phong thủy nên họ lựa chọn thế đất, hướng một cách cẩn trọng. Họ cũng quan niệm rằng “trần sao âm vậy” và việc chăm sóc tốt mộ phần của tổ tiên sẽ giúp họ được tổ tiên phù hộ nên nhiều gia đình xây mộ tổ, khu mộ gia đình và dòng họ rất cầu kỳ. Việc bảo vệ mộ phần cũng được ghi trong những bộ luật xuyên suốt lịch sử của người Việt. Đặc biệt, tội chôn giấu xác chết vào mộ phần của người khác do những quan niệm duy tâm về “đất phát” bị phạt nặng. Tuy nhiên, một số cộng đồng dân tộc vùng Tây Nguyên như Ê Đê, Ba Na, Giarai lại có lệ bỏ mặc mộ phần của người chết sau lễ bỏ mả. Họ quan niệm rằng trước lễ bỏ mả, linh hồn người chết vẫn ở bên cạnh người sống, do đó vẫn có sự ràng buộc nên người sống phải thường xuyên quét dọn mộ phần, mang cơm cho người chết. Sau khi làm lễ bỏ mả, mối quan hệ ràng buộc giữa người sống và người chết đã chấm dứt và người chết chờ đầu thai sang kiếp sau, do đó mộ phần lúc này bị bỏ hoang.
Từ ngôi mộ và cách con người ứng xử với mộ phần, có thể nhìn ra vũ trụ quan, nhân sinh quan của một cộng đồng về mối liên hệ giữa thế giới người sống với thế giới người chết.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Toan Ánh, Nếp cũ tín ngưỡng Việt Nam, Quyển Thượng, Nam Chi tùng thư, Sài Gòn, 1968.
- Phạm Côn Sơn, Văn hóa lễ tục, Nxb. Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2006.