Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Mỏ nửng

Mỏ nửng là một đồ gia dụng bằng kim loại, dùng kết hợp với một hay (chõ xôi) để nấu chín thức ăn bằng kỹ thuật cách thuỷ. mỏ nửng có tên gọi khác là “mỏ biểng” (ninh xôi). Đây được coi là một trong những đồ gia dụng quan trọng, gắn liền với tập quán ăn uống truyền thống các cộng đồng người Thái vùng Tây Bắc và miền núi Thanh – Nghệ. mỏ nửng cũng xuất hiện ở các tộc nói tiếng Thái khác ở khu vực Đông Nam Á.

Tập tin:Những chiếc mỏ nửng để nấu cơm.jpg
Những chiếc ninh đồng để nấu cơm.

Không có tài liệu ghi chép về thời điểm xuất hiện đầu tiên của mỏ nửng. Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng, mỏ nửng có lịch sử gắn bó lâu đời với văn hoá ẩm thực của tộc người. Một số nhà nghiên cứu giả định rằng, những chiếc mỏ nửng đầu tiên có thể được làm bằng gốm. Sau này, khi công nghệ luyện kim phát triển, mỏ nửng được làm bằng đồng hay đồng pha nhôm, để thay thế vật liệu gốm trước đó. Người Thái không tự sản xuất mỏ nửng. Hiện nay, bên cạnh những chiếc mỏ nửng bằng đồng, được truyền lại từ các thế hệ trước, người dân sử dụng những chiếc mỏ nửng bằng nhôm, được sản xuất thủ công, bày bán ở các chợ địa phương.

Tập tin:Mỏ nửng có tác dụng như là một nồi hơi cung cấp hơi nước nóng để làm chín gạo nếp hoặc thức ăn ở bên trên.jpg
Mỏ nửng có tác dụng như là một nồi hơi cung cấp hơi nước nóng để làm chín gạo nếp hoặc thức ăn ở bên trên.

Mỏ nửng có cấu tạo hình trụ, dạng phễu với chiều cao khoảng 40 cm, miệng và đáy loe ra, đoạn thân trên được thắt nhỏ tạo thành cổ. Nối liền với phần cổ là miệng hình phễu với chiều cao khoảng 5 cm. Phần trên cùng của phần miệng là hai quai, được bố trí đối xứng ở hai bên. Cách cấu tạo như vậy làm cho mỏ nửng trở thành một công cụ tạo hơi nóng hoàn hảo để nấu chín thức ăn bằng kỹ thuật cách thuỷ. Thân có chức năng chứa nước để tạo hơi nóng khi đun xôi. Phần cổ được thắt nhỏ so với thân sẽ tạo ra cơ chế vật lý giúp làm cho hơi nước tập trung lại rồi dồn mạnh lên bên trên bề mặt. Khi đổ nước vào, phần miệng hình phễu tạo thành rãnh ngăn để hơi nước nóng bốc lên từ mỏ nửng không thoát ra ngoài mà dồn vào trong dụng cụ chứa đồ nấu, trong tiếng Thái gọi là hay (chõ xôi) để làm chín thức ăn. Lượng nước ở trong phần miệng của mỏ nửng cũng có chức năng giữ cho phần tiếp giáp của vật dụng đựng thức ăn với mỏ nửng không bị cháy. Mỏ nửng được sử dụng chủ yếu để đồ xôi nếp, rau và cá. Để đồ xôi nếp, mỏ nửng được sử dụng với hay khảu (chõ xôi cơm), một công cụ được làm bằng thân cây khoét rỗng, hình trụ, có dáng thuôn dài, rỗng bên trong, miệng đáy có kích thước nhỏ vừa với miệng của mỏ nửng. Dụng cụ sử dụng kết hợp với mỏ nửng để đồ rau và cá được gọi là hay phắc. Hay phắc được làm bằng ống luồng to hay được đan bằng tre, nứa. Khi đặt chồng khít lên trên miệng của mỏ nửng, hơi nước nóng từ mỏ nửng dồn lên trên hay sẽ làm chín cơm, cá hoặc rau. Cách nấu chín thức ăn bằng cách kết hợp hai dụng cụ này làm cho cá và rau giữ được độ ngọt tự nhiên. Việc sử dụng hai công cụ này để đồ xôi cũng làm cho xôi luôn có độ dẻo, không bị ướt.

Bên cạnh giá trị sử dụng, mỏ nửng còn được coi là vật thiêng, là tài sản quý trong gia đình, có ý nghĩa biểu tượng và tâm linh. Sau khi sử dụng xong, mỏ nửng luôn được đặt ở một vị trí trang trọng, ngay sát cột bếp, trên một cái giỏ có lót tro. Do được coi là vật thiêng, là nơi trú ngụ hồn cốt của nóc nhà, nên người Thái ít khi cho người khác mượn để nấu nướng. Bố mẹ phải sắm cho con cái một mỏ nửng khi chúng ra ở riêng hay đi con gái đi lấy chồng. Trong ngày lên nhà mới, mỏ nửng là vật dụng đầu tiên được chủ nhà mang lên nhà. Người dân cũng kiêng không dùng que gỗ gõ vào thành mỏ nửng, hay khi nấu mỏ nửng luôn phải được đặt theo hướng để hai quai xách song song với nóc nhà. Thêm vào đó, người dân quan niệm nước ở trong mỏ nửng có công dụng trong việc chữa bệnh (trộn với lá thuốc để chống vết bầm tím, sai khớp tay, vv…) hay trừ tà ma (dùng nước trong mỏ nửng rửa mặt cho trẻ nhỏ khóc đêm).

Hiện nay, mặc dù xã hội Thái đã có nhiều sự thay đổi song mỏ nửng vẫn đóng vai trò quan trọng trong văn hoá ẩm thực và tâm linh của cộng đồng. Nhiều gia đình vẫn sử dụng mỏ nửng được truyền từ đời này qua đời khác như một gia sản của tổ tiên.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Cầm Trọng, Người Thái ở Tây Bắc Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1978.
  2. Cầm Trọng, Phan Hữu Dật, Văn hoá Thái Việt Nam, Nxb. Văn hoá dân tộc, Hà Nội, 1995.
  3. Vi Văn An, Người Thái ở miền Tây Nghệ An, Nxb. Thế Giới, Hà Nội, 2017.
  4. Hoàng Cầm, Một số khía cạnh văn hoá – xã hội của ẩm thực Thái Tây Bắc, trong Nguyễn Thị Phương Châm, Hoàng Cầm (chủ biên) Văn hoá Việt Nam đương đại: đa dạng biểu đạt và tương tác, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2020.