Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Mỏ khoáng

Mỏ khoáng là nơi tập trung tự nhiên hay nhân tạo của khoáng sản (khoáng chất) mà theo các thông số về chất lượng, trữ lượng, kỹ thuật - công nghệ, kinh tế và sinh thái đáp ứng yêu cầu khai thác có hiệu quả vào thời điểm đánh giá.

Mỏ khoáng có thể gồm một hay nhiều thân khoáng (thân quặng). Thường các mỏ khoáng sản có nhiều thân khoáng (các mỏ quặng kim loại, các vỉa dầu mỏ, khí, vỉa than) có cùng một nguồn gốc thành tạo và thường định vị vào một đơn vị cấu trúc nhất định. Diện tích mỏ khoáng sản có thể dao động trong phạm vị rất lớn, từ vài héc ta đến hàng chục km2 . Mỏ khoáng sản xuất hiện trong toàn bộ chiều dài lịch sử phát triển của vỏ Trái đất, từ các thời kỳ cổ đến hiện nay; tức là có tuổi Arkei, Proterosoi, Paleosoi, Mesosoi và Kainosoi. Nguồn vật chất thành tạo các mỏ khoáng sản có thể là manti, vỏ granit và lớp vỏ trầm tích. Theo độ sâu thành tạo so với mặt đất, người ta chia ra:

  • mỏ khoáng rất sâu (hơn 10-15 km)
  • mỏ khoáng sâu (3-5 km đến 10-15 km)
  • mỏ khoáng sâu trung bình (1-1,5 km đến 3-5 km)
  • mỏ khoáng nông gần mặt đất (độ sâu 1-1,5 km).

Có nhiều cách phân loại mỏ khoáng theo các tiêu chuẩn khác nhau:

  • Theo nguồn gốc, các mỏ khoáng được chia thành: nội sinh (magma, nhiệt dịch), ngoại sinh (phong hóa, sa khoáng, làm giàu thứ sinh) và biến chất sinh
  • Theo tiêu chí địa chất - công nghiệp: kim loại (nhóm sắt và hợp kim sắt, kim loại thông thường, kim loại nhẹ, kim loại quý, đất hiếm và kim loại hiếm), phi kim loại (đá quý, đá nỹ nghệ, nguyên liệu khoáng, vật liệu xây dựng,...), nhiên liệu khoáng (than đá, dầu mỏ, đá phiến cháy), phóng xạ (uranium)
  • Theo trữ lượng: mỏ khổng lồ, mỏ lớn, mỏ trung bình và mỏ nhỏ.

Một mỏ được đánh giá là có ý nghĩa công nghiệp (kinh tế) phải thỏa mãn các yêu cầu về trữ lượng, chất lượng, điều kiện khai thác, cơ sở hạ tầng vùng mỏ và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường. Về trữ lượng, mỗi mỏ khoáng sản có giá trị công nghiệp phải đạt một trữ lương tối thiểu nào đó. Mức trữ lượng tối thiểu khác nhau đối với mỗi loại hình khoáng sản. Chất lượng quặng được quyết định bởi hàm lượng nguyên tố có ích chính và các nguyên tố đi kèm, thành phần khoáng vật quặng, cấu tạo và kiến trúc của quặng và đặc tính công nghệ của nó. Ngày nay, nhờ có công nghệ tiên tiến có thể làm giàu và chế biến khoáng sản cho phép sử dụng các nguyên liệu có hàm lượng thấp và tái sử dụng quặng thải và đuôi quặng, được gọi là “mỏ khoáng sản nguồn gốc công nghệ”.

Điều kiện khai thác phụ thuộc vào hình dạng và kích thước thân quặng; thế nằm và độ sâu của thân quặng; đặc điểm địa chất công trình và tính chất cơ lý của đá, quặng; đặc điểm địa chất thuỷ văn và khả năng tháo khô hay cấp nước cho mỏ; độ chứa khí độc trong mỏ và khả năng phòng chống khí độc,... Các đặc điểm này quyết định việc khai thác lộ thiên hay khai thác hầm lò; kỹ thuật xây dựng mỏ, biện pháp chèn chống; chế độ thông gió; biện pháp bơm hút nước,... Cơ sở hạ tầng vùng mỏ được xác định bởi: điều kiện địa lý, kinh tế nhân văn, đặc điểm địa lý tự nhiên; điều kiện giao thông; nguồn nhân lực và khả năng cung cấp năng lượng, nguồn nước dân dụng và công nghiệp, khả năng cung cấp nguyên vật liệu cho khai thác; khả năng xây dựng các khu liên hợp công nghiệp hoặc trung tâm công nghiệp dựa vào các khoáng sản có mặt trong vùng.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Guilbert J.M, Park Ch.F, The geology of ore deposits,W.H. Freeman and Company, New York, 1986.
  2. Nguyễn Văn Chữ, Địa chất khoáng sản, Nxb. Giao thông Vận tải, Hà Nội, 1998.
  3. Романович И.Ф., Филиппова И.А., Тимофиев П.П., Геология полезных ископаемых, Изд. Недра, Москва, 1992.
  4. Смирнов В.И., еология месторождений полезных ископаемых, Изд. "Недр”, Москва, 1986.