Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Mẫu Liễu Hạnh

Mẫu Liễu Hạnh là tên gọi vị thánh mẫu đứng đầu trong hệ thống tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ, Tứ phủ của người Việt, đã được Unesco ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Mẫu Liễu Hạnh còn được biết đến với danh xưng “Vân Cát thần nữ”, “Vân Hương Thánh Mẫu”, “Bà chúa Liễu” hay “Liễu Hạnh công chúa”. Mẫu Liễu Hạnh cũng là một trong bốn vị thánh Tứ Bất Tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Bà được các triều đại phong kiến từ thời Hậu Lê tới thời Nguyễn tôn phong là “Mẫu nghi thiên hạ”, “Chế Thắng Hòa Diệu Đại vương”, và “Mã Vàng Bồ Tát”. Mẫu Liễu Hạnh được thờ phụng rộng rãi tại các điện thờ mẫu trên cả nước, đặc biệt có cả một quần thể di tích tại địa điểm được coi là nơi giáng sinh và nơi hóa của Mẫu Liễu Hạnh tại Phủ Giày, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.

Mẫu Liễu Hạnh là vị nữ thần thu hút sự quan tâm và sáng tạo văn hóa của nhiều tầng lớp cư dân, vì vậy hệ thống truyền thuyết và thần tích về Mẫu Liễu Hạnh, từ truyền miệng dân gian đến các tác phẩm thành văn, khá phong phú và phức tạp. Truyền thuyết về Mẫu Liễu Hạnh được ghi chép trong các tài liệu bằng chữ Hán Nôm, chữ quốc ngữ, và cả các ngôn ngữ nước ngoài như tiếng Ý, Anh và Pháp. Mục từ “Bà Chúa Liễu Hạnh” xuất hiện trong đại từ điển của Pháp vào thập niên 1840. Mẫu Liễu Hạnh trở thành nhân vật trong các tuyển tập truyền kỳ, các sáng tác văn chương của các nhà văn, trong các gia phả ngọc phả của các dòng họ, các câu đối văn bia tại các di tích, những bài văn vần giáng bút, những bài văn chầu thánh mẫu…Những tác phẩm nổi bật thường được nhắc đến là Truyền kỳ tân phả của Đoàn Thị Điểm, Tiểu luận về các tôn giáo ở Trung Quốc và ở Việt Nam Đàng Ngoài (Opusculum de Sectic Apud Sineses at Tunkinenses) của giáo sĩ dòng Tên, Tiên phả dịch lục của Kiều Oánh Mậu, Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam của Nguyễn Đổng Chi…, một số tư liệu Hán Nôm thu thập được ở địa phương như Cát Thiên Tam Thế Thực Lục do một nhóm tác giả biên soạn, tấm bia Quảng Cung linh từ bi ký do Nguyễn Đình Việp soạn năm 1741, Quảng Cung linh từ phả ký do Vũ Huy Trác soạn năm 1781, Quảng Cung linh từ phả chí do Khiếu Năng Tĩnh chấp bút…

Mẫu Liễu Hạnh được xem là nhân vật của thế kỷ XV hoặc XVI. Các câu chuyện huyền thoại về Mẫu Liễu Hạnh nhằm lý giải sự tích của vị thần nữ đã được người dân thờ phụng tại xã Vân Cát, huyện Vụ Bản tỉnh Nam Định. Có hai xu hướng giải thích về nguồn gốc của Mẫu Liễu Hạnh: là tiên chúa từ trên thượng giới đầu thai làm người trần, vì uy linh mà được người dân lập đền thờ; hoặc là một cô gái chết trẻ, do hiển linh mà được thờ cúng. Các nội dung truyền thuyết theo hướng thứ nhất về Mẫu Liễu Hạnh gắn với hai giai đoạn cuộc đời của nữ thần: huyền thoại tiên giới với “tam sinh tam hóa” (ba lần giáng trần và ba lần hóa) và giai đoạn tiên chúa hiển thánh để trở thành Thánh Mẫu Liễu Hạnh.

Tác phẩm sáng tác đầu tiên kể về nguồn gốc tiên giới của Mẫu Liễu Hạnh là “Vân Cát thần nữ” được nữ sĩ Đoàn Thị Điểm viết trong tập Truyển kỳ tân phả vào thập niên 30 của thế kỷ XVIII, và Tiên Phả dịch lục của Kiều Oánh Mậu viết vào đầu thế kỷ XX đều chỉ nói đến hai địa điểm giáng trần của Mẫu Liễu Hạnh. Truyện kể rằng nữ thần ở Vân Cát vốn có nguồn gốc trên thượng giới, là con gái của Ngọc Hoàng do lỡ tay đánh vỡ chén ngọc mà bị đày xuống trần gian, đầu thai vào một gia đình ở thôn An Hải, xã Vân Cát, huyện Thiên Bản, Sơn Nam Hạ (nay là huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) vào năm Thiên Hựu, đời vua Lê Anh Tông ở thế kỷ XVI. Cô được đặt tên là Giáng Tiên, lớn lên gả cho chàng trai tên Đào Lang và vợ chồng có với nhau hai con. Năm 21 tuổi, hết hạn lưu đày, Giáng Tiên trở về trời vào ngày 3/3, và đây cũng là ngày giỗ của Mẫu Liễu Hạnh. Tiên chúa còn giáng trần hai lần nữa với tên gọi Liễu Hạnh công chúa, lần thứ hai là chăm sóc bố mẹ chồng con nơi hạ giới ở làng An Thái. Lần thứ ba Mẫu Liễu Hạnh cũng với hai nữ tì giáng xuống Phố Cát (Thanh Hóa).

Có những dị bản khác về các địa điểm và thời điểm giáng trần của Mẫu Liễu Hạnh. Trong tác phẩm của nhóm Sơn Nam và trong một số văn bản Hán Nôm, lần giáng trần đầu tiên của công chúa Liễu Hạnh là vào thế kỷ XV, tại xã Trần Xá, huyện Đại An, phủ Nghĩa Hưng, thác sinh vào gia đình ông Phạm Đức Chính và bà Đoàn Thị Phương, lấy tên là Phạm Tiên Nga. Bà sống 40 năm, từ 1434 đến 1473, không lập gia đình, một lòng phụng dưỡng cha mẹ và làm việc thiện. Khi bà hóa, người dân lập đền thờ tại Phủ Quảng Cung (Phủ Nấp) ngày nay. Lần giáng trần thứ hai vào giai đoạn 1557-1577 tại thôn Vân Cát, xã An Thái, lấy tên là Lê Thị Thắng, kết duyên với Đào Lang và sinh được hai con. Sau khi hóa thì còn lại phần mộ là Lăng Thánh Mẫu ở Vụ Bản, Nam Định. Lần giáng trần thứ ba là vào giai đoạn 1650-1668 tại làng Sóc, xã Tây Mỗ huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa, được đặt tên là Hoàng Thị Trinh, lấy chồng họ Mai là hậu sinh của chồng cũ, có một con trai tên là Cổn. Tiên chúa về trời năm 19 tuổi.

Về nguồn gốc hạ giới của Mẫu Liễu Hạnh, ghi chép của giáo sĩ phương Tây trong tiểu luận Opusculum de Sectic Apud Sineses at Tunkinenses (Tiểu luận về các tôn giáo ở Trung Quốc và ở Việt Nam Đàng Ngoài) ở thế kỷ XVIII cho rằng bà là một phụ nữ ở Đàng Ngoài, do sinh hoạt phóng túng mà bị giết, vứt xác xuống sông và người dân đã lập đền thờ bà. Tư liệu Hán Nôm Vân Cát Lê gia ngọc phả ghi rằng bà có dòng dõi hoàng tộc, là cháu của vua Lê, mất từ khi còn ít tuổi. Vì không có con nối dõi nên gia đình đã đem gia tài, vườn ruộng cúng cho dân làng để đặt hậu cho bà. Bản Tiên từ phả ký, một bản gia phả dòng họ Trần viết rằng tổ tiên Mẫu vốn họ Trần, vì tránh loạn đổi thành họ Lê, chọn đất tốt sinh cơ lập nghiệp ở An Thái...

Về lý do hiển thánh của Mẫu Liễu Hạnh, nữ sĩ Đoàn Thị Điểm viết rằng Liễu Hạnh dưới trần gian đi mây về gió, hóa phép để đùa cợt với người đời, khi thì biến thành người đẹp họa thơ thách đố với Trạng Bùng (Phùng Khắc Khoan) ở Lạng Sơn, lúc thì về Hồ Tây họp bạn văn chương với các danh sĩ. Lần thứ ba giáng trần ở Phố Cát, Thanh Hóa, Liễu Hạnh thường hiển linh, người lành được phúc, kẻ ác bị tai vạ. Nhân dân lập đền thờ phụng. Triều đình bấy giờ coi là yêu quái, nên sai quân cùng thuật sĩ đến trừ. Đền thờ bị phá tan, nhưng sau đó cả vùng phát sinh dịch bệnh. Cho là tiên chúa trừng phạt, người dân xin triều đình cho lập lại đền mới ở Phố Cát và được vua ban sắc phong “Mã hoàng công chúa”. Tiên chúa sau đó nhiều lần âm phù, giúp các đoàn quân tiêu trừ giặc giã nên được phong tặng là “Chế Thắng Hòa Diệu Đại Vương”. Về chi tiết này, ác tác phẩm viết vào đầu thế kỷ XX như Tiên Phả dịch lục của Kiều Oánh Mậu, truyện kể dân gian về Công chúa Liễu Hạnh của Nguyễn Đổng Chi, Sự phụng thờ các vị thánh bất tử của Nguyễn Văn Huyên, bản diễn nôm về Sòng Sơn đại chiến của Chu Mạnh Trinh trong Thanh Hoá quan phong…có viết thêm do Liễu Hạnh tác oai tác quái gây rối vùng Sòng Sơn nên nhà vua đã chỉ dụ tìm người có phép thuật cao để diệt trừ. Vì bị các ông Thánh của phái Nội Đạo lừa, thu mất phép bắt quyết nên Liễu Hạnh bị thua trong trận chiến Sòng Sơn. Từ trên cao, Đức Phật Thích Ca Mầu Ni đã xuống giải cứu cho Bà và từ đó Liễu Hạnh quy y Phật pháp.

Các nhà nghiên cứu khá đồng thuận rằng dựa trên một tín ngưỡng dân gian thờ nữ thần đã thành hình trong dân gian từ thế kỷ XVI, XVII mà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm đã hư cấu để tạo nên câu chuyện về thần nữ ở Vân Cát, phản ánh quan điểm của bản thân tác giả về khát vọng giải phóng cho phụ nữ trong một xã hội bị trói buộc bởi các quan điểm Nho giáo. Nhưng phải sau sự nổi lên của phái Nội Đạo Tràng - một đạo phái phù thủy ở làng Yên Đồng, xã Quảng Hải, Quảng Xương, Thanh Hóa do Pháp sư Trần Toàn khởi xướng - thì phần “Sòng Sơn đại chiến” mới được các tác giả đời sau ghi thêm, một phần để lý giải hiện tượng Mẫu Liễu Hạnh hiển Thánh ở Sòng Sơn và sự tranh giành ảnh hưởng giữa đạo Tam Phủ (phát triển khá mạnh thời bấy giờ) và Nội Đạo Tràng (chỉ rộ một thời gian rồi tan rã), mặt khác cũng đề cao vai trò của Phật giáo với việc Liễu Hạnh quy y. Các nhà trí thức Nho học, do vậy, đã góp phần quan trọng trong việc san định thần tích thần phả cho nhân vật.

Sự xuất hiện của Mẫu Liễu Hạnh vào thế kỷ XVI được cho là làm phong phú hơn dòng tín ngưỡng thờ nữ thần vốn bắt rễ từ trong nền nông nghiệp gắn với thiên nhiên, gắn với những triết lý tín ngưỡng tôn thờ nữ thần của người Việt cổ. Có nhà nghiên cứu cho rằng nhân vật Mẫu Liễu Hạnh nổi lên như một sự đối trọng với Đức Mẹ Maria đã thâm nhập vào vùng Giao Thủy, Nam Định cùng với Thiên chúa Dòng Tên từ thế kỷ XVI. Tục đồng cốt vốn gặp phải sự phê phán của Nho giáo đã tìm được cách dung hợp với tín ngưỡng thờ nữ thần bản địa, kết hợp với ảnh hưởng của Đạo giáo và sự nổi lên của Mẫu Liễu Hạnh để hình thành nên đạo Tam Phủ, sau này còn được gọi là Tứ Phủ, hay Đạo Mẫu. Các nhà nghiên cứu ở thế kỷ XX như Đào Duy Anh, Nguyễn Văn Huyên, Ngô Đức Thịnh, Trần Lâm Biền…, đều xếp dạng tín ngưỡng thờ Chư vị mà Mẫu Liễu Hạnh là thần chủ vào dòng Đạo giáo dân gian, còn học giả Nguyễn Đăng Thục trong sách Lịch sử tư tưởng Việt Nam thì gọi tên đó là Đạo Nội –đạo giáo hình thành trong nước. …

Mẫu Liễu Hạnh được coi là vị thần chủ của hệ thống thờ chư vị Tam Phủ/Tứ Phủ, lấy hát văn và hầu bóng là nghi thức chính. Mẫu Liễu Hạnh được đồng nhất với Mẫu Thiên trong hệ thống thờ Tam Phủ (Thiên-Thoải-Thượng Ngàn), hay Mẫu Địa trong hệ thống thờ Tứ Phủ (Thiên-Địa-Thoải-Thượng Ngàn). Các vị Mẫu còn được coi đều là hóa thân của Mẫu Liễu Hạnh (tam vị nhất thể). Trong hệ thống thờ chư vị, trên Mẫu Liễu Hạnh là Ngọc Hoàng, dưới Mẫu Liễu Hạnh là một hệ thống các vị thần linh Quan, Chầu, Ông Hoàng, Cô, Cậu được lịch sử hóa, có tiểu sử gắn với lịch sử dân tộc.

Mẫu Liễu Hạnh được thờ cúng rộng rãi trên khắp cả nước từ bắc xuống nam theo bước chân di cư của người Việt ở Bắc Bộ, và ở cả các cộng đồng Việt kiều ở nước ngoài. Mẫu Liễu Hạnh được thờ trong đủ loại hình kiến trúc di tích đền, phủ, chùa, điện, miếu, trong đó có những di tích quan trọng với tín đồ của tín ngưỡng thờ Mẫu Liễu Hạnh như Phủ Tây Hồ, Đền Sòng…, nhưng đặc biệt nhất là quần thể kiến trúc nguy nga đồ sộ ở Phủ Giày, với di tích Phủ Vân, Phủ Tiên Hương, Lăng đá Mẫu Liễu và 8 di tích khác, được xây dựng vào thời nhà Nguyễn. Ở các địa phương khác, hệ thống ban thờ Mẫu Liễu Hạnh hay thờ Tam Toà Thánh Mẫu nói chung đã được tích hợp vào các di tích tôn giáo, như đền chùa quán, đặc biệt là các chùa thờ Phật, dựa trên truyền thuyết Mẫu đã quy y Phật.

Xoay quanh Mẫu Liễu Hạnh có cả một hệ thống lễ hội phong phú, mà tiêu biểu nhất là lễ hội Phủ Giày, được diễn ra vào tháng Ba âm lịch. “Tháng Tám giỗ Cha, tháng Ba giỗ Mẹ” là câu ca phổ biến của cư dân vùng đồng bằng Bắc Bộ, thể hiện tâm thức tôn vinh Cha-Mẹ gắn với Đức Thánh Trần và Mẫu Liễu Hạnh. Các hoạt động lễ hội trong các đền phủ gắn với Mẫu Liễu Hạnh cũng đặc trưng với các nghi thức kéo chữ, hát văn, hầu bóng…

Mẫu Liễu Hạnh là vị thánh nữ duy nhất được vinh danh trong hệ thống Tứ Bất Tử, và cũng là vị nữ thần có quyền năng cao nhất, được coi là “Mẫu Nghi thiên hạ” trong hệ thống nữ thần/mẫu thần của văn hóa Việt Nam.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Nguyễn Đăng Thục. Lịch sử tư tưởng Việt Nam. Nxb Tp. Hồ Chí Minh, 1992
  2. Phạm Quỳnh Phương. “Thờ Mẫu Liễu ở Phủ Giầy”. trong sách Đạo Mẫu ở Việt Nam (Ngô Đức Thịnh chủ biên). Nxb Văn hoá thông tin, Hà Nội, 1996 (tr.101-149)
  3. Đào Duy Anh. Việt Nam văn hoá sử cương. Nxb Văn hoá Thông tin, Hà Nội, 2000.
  4. Phạm Quỳnh Phương. Theo bước chân của Vân cát thần nữ. Tạp chí Văn hóa dân gian, số 4, 2001: 44-52
  5. Trần Văn Toàn. Tam Giáo chư vọng (1752) – một cuốn sách viết tay bàn về tôn giáo Việt Nam. Nghiên cứu Tôn giáo, số 1-2003.
  6. Toan Ánh, Nếp cũ Việt Nam (quyển thượng). Nxb Trẻ, thành phố Hồ Chí Minh, 2004
  7. Nguyễn Văn Huyên, Văn minh Việt Nam, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2005
  8. Ngô Đức Thịnh. Thánh Mẫu Liễu Hạnh: từ vị chúa đến thần chủ đạo Mẫu Việt Nam. Nghiên cứu Tôn giáo, số 10-2010, tr.30-40
  9. Chu Xuân Giao. Mẫu Liễu trong các tác phẩm thời kỳ đầu tiên của người phương Tây. Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 8/2015.
  10. Đặng Thế Đại. Hình tượng Mẫu Liễu qua cái nhìn văn hoá học. Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, sô 4, 2015, tr.79-87.