Mẫu Âu Cơ là nhân vật huyền thoại, biểu tượng người Mẹ của dân tộc Việt Nam và là một vị thần được thiêng hoá nằm trong hệ thống các thần linh của tín ngưỡng thờ Mẫu mà nhân dân thờ phụng ở nhiều nơi nhằm cầu mong sự chở che, bảo vệ và phù hộ để có một cuộc sống ấm no, bình an, hạnh phúc. Mẫu Âu Cơ, Quốc Mẫu Âu Cơ, Tổ Mẫu Âu Cơ, Mẹ Âu Cơ… đó là những danh xưng vừa tôn kính vừa gần gũi mà người dân Việt Nam dành tặng cho nhân vật Âu Cơ.
Ghi chép trong sách[sửa]
Sự xuất hiện của mẫu Âu Cơ, cuộc đời và công trạng của Mẫu đã được phác hoạ thông qua các câu chuyện truyền thuyết, cổ tích, qua các tư liệu thành văn, các văn bia và ngọc phả, sắc phong của các triều đại phong kiến Việt Nam. Sự phác hoạ này cho thấy, cuộc đời của mẫu Âu Cơ gắn liền với thời đại mở đất, mở nước đầu tiên của dân tộc Việt Nam. Lĩnh Nam chích quái (một tác phẩm có từ thời nhà Trần) được coi là văn bản sớm nhất ghi chép chuyện về Âu Cơ trong thiên Hồng Bàng thị truyện. Theo đó, xuất thân của mẫu Âu Cơ là người thường vô cùng xinh đẹp, con gái Đế Lai ở động Lăng Xương (nay là huyện Thanh Thuỷ, Phú Thọ). Khi Đế Lai đi săn, ông đã để Âu Cơ và các thị nữ ở lại nơi hành tại. Lạc Long Quân (tên là Sùng Lãm) đã được cha là Kinh Dương Vương dòng dõi thuỷ phủ cho truyền ngôi, khi qua đây thấy Âu Cơ xinh đẹp đã đem lòng yêu mến và Âu Cơ đã bằng lòng cùng Lạc Long Quân về sinh sống ở Long Đài. Những tư liệu thành văn của các triều đại phong kiến sau đó như Đại Việt sử kí toàn thư thời nhà Lê (thế kỉ XV) hay Khâm định Việt sử thông giám cương mục thời nhà Nguyễn (thế kì XIX) đã rút ngắn việc miêu tả cuộc gặp gỡ giữa Âu Cơ và Lạc Long Quân, thậm chí thay đổi thông tin, ví như, Lĩnh Nam chích quái miêu tả Âu Cơ bằng lòng theo Lạc Long Quân và không hề ghi bất cứ chữ nào về kết hôn, nhưng Đại Việt Sử kí toàn thư của Ngô Sĩ Liên lại ghi rằng Lạc Long Quân hỏi cưới Âu Cơ- một hành động có tính lễ nghi và hợp pháp. Xoay quanh câu chuyện về xuất thân và cuộc đời của mẫu Âu Cơ cũng có ý kiến ngược lại, mẫu Âu Cơ không phải người thường, mẫu Âu Cơ là Tiên nữ, con gái một vị thần núi chứ không phải con gái của Đế Lai. Quan điểm này tồn tại một cách phổ biến ở các truyền thuyết trong văn hoá Việt Nam hiện đại. Nói cách khác, đến truyền miệng phổ thông, mẫu Âu Cơ từ người thường đã trở thành tiên. Mặc dù có nhiều điểm khác nhau như vậy trong các tư liệu thành văn và tư liệu truyền miệng, nhưng tựu chung lại, có khá nhiều điểm cốt lõi vẫn thống nhất giữa các nguồn tư liệu khác nhau về mẫu Âu Cơ: là vợ của Lạc Long Quân, đẻ ra 100 trứng nở ra 100 con trai nhưng do dòng giống và môi trường sống khác nhau nên hai người đã chia tay, Âu Cơ đưa 50 con lên rừng khai sơn phá thạch, Lạc Long Quân đưa 50 con về biển, người con trai cả theo mẹ được phong làm vua Hùng. Sau khi đã cùng các con gây dựng cơ đồ, mẫu Âu Cơ hoá vào ngày 25 tháng chạp.
Công lao to lớn của mẫu Âu Cơ được muôn đời sau truyền lại và được ghi vào sử sách trước hết bởi Người đã sinh ra vua Hùng –vị vua lập quốc Văn Lang, đóng đô ở Phong Châu (Phú Thọ ngày nay), truyền đời nối dõi 18 đời và 99 người con khác cũng là tổ tiên hoặc là chủ các vùng đất khác trong toàn cõi Việt Nam. Chính từ chi tiết này, mẫu Âu Cơ trở nên vĩ đại hơn bởi Người trở thành biểu tượng cho nguồn gốc dân tộc. Các mĩ từ đã được người xưa sáng tạo nên để dành tặng cho biểu tượng người mẹ đặc biệt này:Tổ Mẫu Âu Cơ (người mẹ đầu tiên của dân tộc), Quốc Mẫu Âu Cơ (người mẹ của cả đất nước, hoặc từ này cũng được dùng để gọi mẹ của các vua). Và để cho biểu tượng người Mẹ của dân tộc thêm đặc biệt hơn, vĩ đại hơn và đẹp đẽ hơn, dân gian đã huyền thoại hoá mẹ Âu Cơ bằng những chi tiết li kỳ, huyền ảo như sinh ra bọc trứng, nở ra trăm con trai. Ở vùng Hạ Hoà (Phú Thọ) còn lưu truyền phổ biến truyền thuyết dân gian trong đó nhấn mạnh chi tiết Âu Cơ là tiên nữ chuyên trồng dâu, dệt vải, nuôi tằm cho trời, nhân tiết đầu xuân du chơi, nhìn xuống hạ giới thì thấy động Lăng Xương bên bờ sông Đà có bãi dâu xanh tươi bát ngát liền bay xuống thưởng ngoạn và đã gặp Lạc Long Quân vốn thuộc giống Rồng trong khung cảnh lãng mạn này. Như vậy, với việc huyền thoại hoá, người Việt Nam đã xây dựng cho mình biểu tượng cha Rồng mẹ Tiên và Tiên- Rồng chính là dòng dõi của người Việt Nam.
Công lao to lớn nữa của mẫu Âu Cơ là đã cùng các con khai thiên phá thạch, kiến tạo nền nông nghiệp. Những chi tiết được ghi lại trong thần tích của đền thờ bà ở xã Hiền Lương (huyện Hạ Hoà, Phú Thọ) cho biết mẫu Âu Cơ đã kiếm giống lúa cho dân, chỉ cho mọi người biết đốt cây rẫy cỏ để trồng lúa nương (về sau Vua Hùng và con cháu vua Hùng dạy dân trồng lúa nước), bắc cầu qua khe suối, đào giếng Loan, giếng Phượng lấy nước sạch để ăn uống. Mẹ Âu Cơ cũng dạy dân trồng dâu nuôi tằm ở các bãi ven sông, dạy cho dân biết lá dâu là một loại thức ăn của tằm và phải có tằm mới có tơ lụa để mặc. mẫu Âu Cơ còn dạy dân trồng mía, sáng chế ra một loại bánh có tên là bánh uôi- loại bánh được làm bằng bột nếp giã kĩ, trộn với mật mía, nặn thành hình tròn, đồ trong chõ cho chín (còn gọi là bánh mật). Về phương diện này, mẫu Âu Cơ trở thành Tổ nghề nông tang của dân tộc Việt Nam.
Mẫu Âu Cơ trong đời sống văn hoá Việt Nam[sửa]
Mẫu Âu Cơ “đi vào” văn hoá Việt Nam một cách tự nhiên, trước hết là vào trong đời sống tín ngưỡng. Với tâm thức “cây có gốc mới nở cành xanh ngọn, nước có nguồn mới bể rộng sông sâu”, người dân Việt Nam đã thờ phụng mẫu Âu Cơ như thờ phụng cha mẹ trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, đồng thời cũng thờ cúng Người như một vị thần (Quốc Mẫu) trong hệ thống thần linh của tín ngưỡng thờ Mẫu. Được sự ủng hộ và sắc phong của các vương triều phong kiến (nhà Lê thế kỉ XV và nhà Nguyễn thế kỉ XIX) và đặc biệt năm 2017, Bộ Văn hoá, thể thao và Du lịch đã công nhận tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ là Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia thì tín ngưỡng này ngày càng phát triển và càng lan toả đi nhiều vùng trong cả nước, trong đó đền thờ chính của Mẫu là ở Hiền Lương (Hạ Hoà, Phú Thọ)- nơi Mẫu đã cùng với các con trai của mình chọn làm nơi sinh cơ lập ấp và cũng chính là nơi Mẫu hoá. Mẫu Âu Cơ cũng được thờ ở nhiều đền khác ở các miền quê Việt Nam như đền Mẫu Đầm Đa (Hoà Bình), cụm di tích đền-chùa- đình Minh Phú (huyện Trấn Yên,Yên Bái)…Âu Cơ cũng được phối thờ trong nhiều điện thờ Tứ phủ và đặc biệt là được phối thờ trong các cụm di tích liên quan đến việc phụng thờ các đời vua Hùng trong các nước.
Mẫu Âu Cơ được tưởng nhớ trong các lễ hội, trong đó lễ hội diễn ra to đẹp và trang trọng nhất là ở đền mẫu Âu Cơ ở Hiền Lương (Hạ Hoà- Phú Thọ). Hàng năm vào ngày lễ hội chính mùng 7 tháng giêng hàng vạn con cháu từ khắp mọi miền đất nước về đây dâng hương tưởng nhớ, tri ân và cầu mong mẫu Âu Cơ phù hộ cho một cuộc sống ấm no, bình an và hạnh phúc. Phương diện tín ngưỡng, lễ hội cho thấy, mẫu Âu Cơ đã được các triều đình phong kiến và dân gian thiêng hoá thành một vị Mẫu thần. Từ sinh 100 con đến dạy dân làm nông nghiệp gây dựng cuộc sống, đến được thờ phụng và được người dân mong cầu sự phù hộ, mẫu Âu Cơ đã làm trọn chức năng của một người mẹ trần gian và người mẹ tâm linh đó là: sinh thành, dưỡng dục, bảo ban, che chở và phù hộ. mẫu Âu Cơ đi vào văn học, “sống mãi” trong các câu chuyện truyền thuyết và cổ tích. mẫu Âu Cơ đi vào đời sống thường ngày, đường phố, nhà hát, vở diễn, bài hát…được đặt tên Âu Cơ. mẫu Âu Cơ trở thành nguồn cảm hứng bất tận trong âm nhạc. Trong khi một số nhân vật khác khi đi vào đời sống văn hoá đặc biệt là đời sống tâm linh đã trở thành một biểu tượng đa nghĩa và có sự thay đổi về quyền năng thì mẫu Âu Cơ trong mọi bối cảnh văn hoá, tâm linh vẫn vẹn nguyên là một biểu tượng về nguồn gốc và nòi giống dân tộc, là người Mẹ đầu tiên, là Quốc Mẫu của con cháu Việt Nam. Biểu tượng mẫu Âu Cơ có giá trị to lớn trong việc hiệu triệu và cố kết cộng đồng, có sức truyền cảm hứng về niềm tự hào về dòng dõi con Rồng cháu Tiên, con Lạc cháu Hồng, từ đó hun đúc lòng yêu con người, yêu quê hương đất nước, tinh thần đoàn kết của con người Việt Nam.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Nguyễn Minh San, Tiếp cận tín ngưỡng dân dã Việt Nam, Nxb Văn hoá Dân tộc, Hà Nội, 1998.
- Vũ Ngọc Khánh, Mai Ngọc Chúc, Phạm Hồng Hà, Nữ thần và Thánh Mẫu Việt Nam, Nxb Thanh Niên, Hà Nội, 2002.
- Đặng Đình Thuận, Lễ hội đền Mẫu Âu Cơ- Hiền Lương- Hà Hoà, in trong Lễ hội truyền thống vùng đất tổ, Sở văn hoá thông tin Phú Thọ và Hội Văn nghệ dân gian,tr27-30, 2005.
- Phạm Bá Khiêm, Lễ hội đền Mẫu Âu Cơ, Văn hoá nghệ thuật, Số 4, tr47-55, 2007
- Đào Đăng Phượng, Đền Mẫu Âu Cơ- một giá trị văn hoá trường tồn, Tạp chí Khoa học đại học Sài Gòn, Số 16 (41), tr14-17, 2016.
- Vũ Hồng Vận, Phạm Duy Hoàng, Tín ngưỡng thờ Mẫu trong sinh hoạt tinh thần của người Việt Nam, Nxb Công an nhân dân, thành phố Hồ Chí Minh, 2018