Mục từ này cần được bình duyệt
Mạng lưới báo chí của công an nhân dân Việt Nam

Mạng lưới báo chí của công an nhân dân Việt Nam bao gồm toàn bộ các cơ quan báo chí của Bộ Công an và của Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Sau khi chính quyền dân chủ nhân dân mới được thành lập (19.8.1945), để đáp ứng yêu cầu cấp thiết về công tác giáo dục chính trị, tư tưởng và công tác tuyên truyền trong lực lượng công an, lãnh đạo Nha công an Việt Nam lúc đó đã quyết định xuất bản tờ báo Công an mới. Báo Công an mới ra mỗi tháng 2 số, phát hành vào ngày 01 và 15. Số 1 phát hành ngày 01 tháng 01 năm 1946, bán rộng rãi trên toàn quốc, dày 16 trang, số 2 tăng lên 20 trang, khuôn khổ 20×25 cm, mỗi kỳ 3.000 bản. Số 4 báo Công an mới vừa in xong, chưa kịp phát hành thì cuộc Kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ đêm 19 tháng 12 năm 1946, Nha công an Việt Nam phải đóng gói mọi tài liệu chuyển lên Việt Bắc.

Tại căn cứ địa Việt Bắc, Nha Công an cho xuất bản tờ nội san Rèn luyện. Số 1 Nội san Rèn luyện ra ngày 21 tháng 02 năm 1948. Sau 4 số đầu, nội san Rèn luyện xuất bản bằng hình thức đánh máy (mỗi tháng một số), từ số thứ 5 nội san Rèn luyện được xuất bản bằng hình thức in đá, mỗi số 200 tờ sau nâng lên 500 tờ, phát hành đến các sở, ty, khu công an.

Thời gian này ở công an các khu, tỉnh cũng ra báo để tuyên truyền, trao đổi kinh nghiệm công tác: Công an Nam Định ra tờ "Luyện tiến", Công an Cao Bằng ra tờ "Kiến thiết", Công an Sơn Tây ra tờ "Cố gắng", Công an Bắc Giang ra tờ "Tiến", Công an Tuyên Quang ra tờ "Trau dồi", Công an Khu XII xuất bản tờ "Bạn dân",…Nhận được số báo Tết do Công an Khu XII gửi biếu, ngày 11 tháng 3 năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho Công an Khu XII nêu 6 Điều về "tư cách người công an cách mệnh", đặt nền tảng tư tưởng cho công tác xây dựng lực lượng Công an nhân dân sau này.

Tháng 01 năm 1951, Rèn luyện đã đặt chi nhánh xuất bản báo tại Công an Nam Bộ và Công an Liên khu IV để báo đến tay bạn đọc kịp thời, giảm công vận chuyển của giao liên. Tháng 02 năm 1951, Rèn luyện được in bằng máy in typo, số lượng in đã lên 1.200 - 1.500 bản mỗi kỳ và được phát đến cán bộ, chiến sĩ công an ở các đồn, trạm. Thời gian này, Bộ Nội vụ đã ra quyết định công nhận nội san Rèn luyện là “cơ quan nghiên cứu kỹ thuật, huấn luyện, giáo dục cán bộ và hướng dẫn công tác công an, là tờ báo chính thức của lực lượng công an”.

Hoà bình lập lại trên miền Bắc được hơn hai năm, Bộ Công an quyết định ra tờ báo nội bộ của toàn lực lượng công an, lấy tên là Nội san Công an nhân dân (CAND). Nội san phát hành mỗi tháng 2 kỳ, 8 trang, khổ 26×38 cm, số đầu ra 15 tháng 7 năm 1957.

Cuối năm 1960, Bộ Công an chỉ đạo Nội san CAND tăng cường phần nghiên cứu lý luận, hướng dẫn nghiệp vụ. Việc duy trì khổ to với Nội san CAND không còn thích hợp nên đổi sang khổ nhỏ 13×19cm.

Để phục vụ công tác tổng kết, trao đổi kinh nghiệm về các mặt công tác nghiệp vụ, lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo Cục Tuyên huấn ra ấn phẩm chuyên sâu bàn về các mặt công tác nghiệp vụ của ngành. Theo hướng chỉ đạo đó, sau một thời gian chuẩn bị, ngày 30 tháng 6 năm 1964, Nội san CAND đã xuất bản, phát hành với nội dung chuyên đề “Bàn về chống gián điệp ẩn nấp”.

Ngày 15 tháng 6 năm 1965, khi giặc Mỹ gây ra cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân ở miền Bắc, để đáp ứng tình hình nhiệm vụ mới, Bộ chủ trương tách lực lượng làm Nội san CAND, thành lập hai cơ quan báo chí với nhiệm vụ khác nhau. Một số cán bộ của Nội san chuyển sang Ban chỉ huy CAND vũ trang để cùng với số cán bộ của tờ Tin Công an vũ trang ra tuần báo CAND, với nhiệm vụ chính là tuyên truyền phổ cập và cổ động phong trào. Một số ở lại Bộ để xuất bản Tạp chí CAND với nhiệm vụ chính là nghiên cứu, lý luận và hướng dẫn nghiệp vụ. Tuần báo CAND ra số đầu ngày 20 tháng 11 năm 1965, kế tiếp số cuối cùng của tờ Tin Công an vũ trang. Báo dày 8 trang, khổ 26×38 cm .

Cùng thời gian này, vào 19h00 ngày 24 tháng 12 năm 1965, trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, "tờ báo nói" của lực lượng công an do Ban Biên tập phát thanh Vì an ninh Tổ quốc phụ trách đã phát chương trình đầu tiên và sau đó nhanh chóng trở thành người bạn thân thiết của bạn nghe đài khắp mọi miền Tổ quốc với các tiết mục: "Chiến sĩ an ninh kể chuyện", "Lũy thép biên phòng", "Nói chuyện pháp luật".

Tạp chí CAND dù mới ra đời cũng đã xây dựng được những chuyên mục có giá trị lý luận, tổng kết thực tiễn sâu sắc, như chuyên mục: "Biết địch để đánh địch", "Thủ đoạn tình báo", "Nghiên cứu nghiệp vụ",...Tuy nhiên, do một số khó khăn, cả về lực lượng viết và giấy in, tháng 4.1971, Tạp chí phải tạm ngừng xuất bản . Sau 4 năm tạm dừng xuất bản (từ tháng 4.1971 đến 4.1975), Tạp chí Nghiên cứu Khoa học công an được xuất bản trở lại. Số đầu ra ngay sau ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Năm 1976, các địa phương Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng cũng ra bản tin nội bộ thuộc lực lượng công an nhân dân. Sớm nhất là Bản tin Thi đua của Công an TP. Hồ Chí Minh, lưu hành nội bộ, định kỳ hai tuần/một số, 6 trang, khổ 21×33cm in Roneo, số đầu tiên ra ngày 15 tháng 6 năm 1976. Từ số thứ 9, ra ngày 10 tháng 9 năm 1976, Bản tin Thi đua chuyển thành khổ 33×43 cm, in typo, mỗi số 1.000 bản.

Tháng 01 năm 1977, Đặc san Công an Thành phố Hồ Chí Minh xuân Bính Tý cũng là số 1 Báo Công an Thành phố Hồ Chí Minh (CATPHCM) chính thức xuất bản với 16 trang, vẫn lưu hành nội bộ. Ngày 02 tháng 9 năm 1986, Báo CATPHCM phát hành công khai, ra hằng tuần, khổ 27×39 cm. Chỉ số phát hành của báo tăng nhanh từ 128.000 bản/kỳ năm 1986 lên trung bình 638.000 bản/kỳ năm 1993. Tới tháng 6.2016, Báo phát hành 6 kỳ/tuần từ thứ 2 đến thứ 7. Trước đó, ngày 15.6.2015, Báo đã có tờ Điện tử CATPHCM (congan.com.vn) viết tắt là CAO.

Từ khi Báo CATPHCM ra đời, lần lượt các đồng chí đã đảm nhiệm cương vị Tổng biên tập là Đại tá Nguyễn Anh Linh (1979 - 1992), Trung tá Huỳnh Bá Thành (1992 - 1993), Trung tá Hà Phi Long (1993 - 1997), Đại tá Đặng Xuân Dũng (1997 -2013), Đại tá Trần Trọng Dũng (2014 - 3.2019). Đồng chí Mai Văn Em phụ trách từ tháng 3 đến thàng 5.2019. Từ tháng 6.2019 là Thiếu tướng Trần Đức Tài. Từ tháng 3.2021, báo CATPHCM sáp nhập vào Báo Công an nhân dân, trở thành ấn phẩm của báo CAND. Báo CATPHCM đã được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Chiến công hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba.

Ở Hà Nội, Báo An ninh Thủ đô (ANTĐ), tiền thân là Bản tin nội bộ An ninh Thủ đô, thuộc Phòng Công tác chính trị Công an Thành phố Hà Nội, xuất bản 2 kỳ/tháng; số đầu ra ngày 15.8.1976, in typo. Trưởng Ban Biên tập ba năm đầu tiên là Nguyễn Hữu Thanh. Từ năm 1979 đến 1989 là Phạm Văn Yến. Sau khi ra được 259 số, ANTĐ chính thức chuyển thành tuần báo 8 trang, khổ 29×42 cm. Số 1 bộ mới (260) ra ngày Chủ nhật 07.4.1985. Cũng trong năm này Báo được phát hành công khai với giá bán lẻ 4 hào/tờ. Năm 1989, Báo An ninh Thủ đô tách khỏi Phòng Công tác Chính trị, chính thức trở thành đơn vị Báo chí của Công an thành phố Hà Nội.

Năm 1995 - Trung tá Đào Lê Bình được bổ nhiệm Tổng biên tập, Báo ANTĐ bắt đầu thời kỳ cải tiến, đổi mới mạnh mẽ, đến 2004 trở thành tờ báo đầu tiên của lực lượng Công an nhân dân ra hằng ngày, 16 trang, sau tăng lên 20 rồi 24 trang/kỳ, phát hành đạt 6 - 7 vạn bản/kỳ ở cả Hà Nội, các tỉnh lân cận và TP. Hồ Chí Minh.

Ngày 26 tháng 6 năm 2007, Báo Điện tử ANTĐ chính thức ra mắt. Năm 2010, Báo ANTĐ bắt đầu phát sóng Chương trình Truyền hình An ninh - ATV. Từ 15.9.2015, Đại tá Đào Lê Bình nghỉ hưu, Tổng Biên tập là Nguyễn Thanh Bình. Từ tháng 3.2021, Báo ANTĐ sáp nhập vào Báo CAND, trở thành ấn phẩm của báo CAND. Trong gần 45 năm xây dựng và phát triển, Báo ANTĐ đã được tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Chiến công hạng Nhất (2001), Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì (2016), Huân chương Chiến công hạng Ba (2015), Huân chương Lao động hạng Nhì (2010), Huân chương Quân công hạng Ba (2006) và Huân chương Lao động hạng Ba (1997).

Báo Công an Nghệ An tiền thân là bản tin nội bộ An ninh Nghệ Tĩnh, ra số đầu 19.5.1984, 8 trang, khổ 29×42cm, mỗi tháng một kỳ.

Sau 13 số mang tính thử nghiệm, ngày 19.8.1985, Báo chính thức có tên Công an Nghệ Tĩnh, Tổng biên tập là Lê Văn Khiêu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ Tĩnh. Tháng 4/1989, Tổng biên tập là Cao Đăng Nghĩa. Tháng 5.1989, báo tăng lên 2 kỳ/tháng.

Năm 1991, Tỉnh Nghệ Tĩnh tách thành hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, tờ Công an Nghệ Tĩnh được đổi tên thành Công an Nghệ An (CANA), xuất bản 3 kỳ/tháng. Từ 1996 báo ra hằng tuần.

Năm 1998, Tổng biên tập là Nguyễn Văn Thanh. Năm 2003, Báo tăng từ 8 lên 12 trang. Tháng 10.2005, Báo xuất bản 2 kỳ/tuần. Từ tháng 7.2010 Báo phát hành 3 kỳ/tuần.

Báo Điện tử CANA chính thức ra mắt 01.4.2016, trước đó là trang tin điện tử. Từ 2015, Báo Điện tử CANA tích hợp trang Truyền hình An ninh Nghệ An vào hệ thống.

Từ 01 tháng 3 năm 2021, báo CANA ngừng xuất bản theo Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025 của Chính phủ. Báo CANA đã vinh dự được tặng Huân chương Chiến công hạng Ba, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì. Báo An ninh Hải Phòng (ANHP) ra số đầu ngày 12 tháng 6 năm 1991, khổ 29×42 cm, mỗi tháng 1 kỳ. Phó Giám đốc Công an thành phố kiêm Tổng biên tập là Đại tá Trần Đồn. Từ tháng 9 năm 1991 Báo ra 2 kỳ/tháng, sau ra tuần báo. Năm 1996, Phó Giám đốc Công an thành phố kiêm Tổng Biên tập là Đại tá Trần Bá Thiều. Ngày 15 tháng 9 năm 1998, Báo tăng lên 2 kỳ/tuần. Tháng 12 năm 2000, Tổng Biên tập là Thượng tá Nguyễn Bách Khải. Tháng 01.2006 Báo xuất bản 3 kỳ/tuần, tháng 10.2007 tăng lên 5 kỳ/tuần.

Ngày 01 tháng 10 năm 2008, Báo ANHP khai trương Trang thông tin điện tử và từ 6 năm 2010, ANHP phát hành 6 số/tuần, 12 trang ở Hải Phòng và một số tỉnh Duyên hải Bắc Bộ. Tháng 10.2016, Thượng tá Nguyễn Thu Hồng làm Tổng biên tập. Ngày 02 tháng 8 năm 2017, ANHP ra bộ mới 16 trang và chính thức khai trương Báo Điện tử ANHP.

Cuối tháng 02 năm 2021, Báo ANHP ra số cuối và ngừng xuất bản từ 01 tháng 3 năm 2021 theo Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025 của Chính phủ. Báo ANHP được Đảng, Nhà nước tặng Huân chương Bảo vệ tổ quốc hạng Nhì (2016), Huân chương Quân công hạng Ba (1996).

Báo Công an Thành phố Đà Nẵng (CATpĐN) tiền thân là nội san Công an Quảng Nam - Đà Nẵng, ra từ đầu năm 1976 mỗi tháng 1 kỳ, số lượng in 2.000 bản, dày 50 - 60 trang, in roneo, khổ 20×25 cm. Lãnh đạo chung của Báo từ 1976 đến 1978 là Hoàng Văn Lai và từ 1978 đến 1986 là Trần Văn Đán, Uỷ viên Ban Thường vụ tỉnh ủy, Trưởng Ty công an. Lãnh đạo trực tiếp là đồng chí Hoàng Quốc Dân, Phó Ty Công an Quảng Nam - Đà Nẵng.

Ngày 17 tháng 8 năm 1987, Báo Công an Quảng Nam - Đà Nẵng chính thức ra đời, phát hành hằng tuần, 8 trang, bán rộng rãi ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Từ 01.7.1996, Báo phát hành 2 kỳ/tuần.

Ngày 01 tháng 4 năm 1997, sau khi tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng chia tách thành hai đơn vị hành chính, Báo đổi tên thành CATpĐN. Từ 01 tháng 01 năm 2007, Báo phát hành 6 kỳ/tuần và ra phiên bản điện tử với tên miền www.cand.com.vn. Tháng 01.2009, Báo tăng từ 12 trang lên 16 trang nội dung, phát hành ở cả TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Năm 2012, CATpĐN tăng từ 16 lên 20 trang nội dung. Tổng Biên tập Báo CATpĐN các giai đoạn: Trần Hơn (1987 - 1989), Phan Truật (1989 - 1992), Lê Mạnh Hùng, Quyền Tổng Biên tập từ 1992 rồi Tổng Biên tập từ 1995 - 4.2011, Nguyễn Đức Dũng (5.2011 - 7.2015), Nguyễn Hải Thuận (7.2015 – 11.2018), Nguyễn Quang Sang, Phó Tổng Biên tập phụ trách Báo từ 11 năm 2018 đến cuối tháng 02 năm 2021 khi báo ngừng xuất bản theo Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025 của Chính phủ. Năm 2007, Báo CATpĐN được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất.

Trong mạng lưới báo chí của Công an nhân dân Việt Nam, Trung tâm Phát thanh, Truyền hình, Điện ảnh Công an nhân dân ra đời sau cùng, thành lập tháng 12.2009 gồm 5 phòng với 78 cán bộ, chiến sĩ. Năm 2011, thực hiện Đề án xây dựng kênh truyền hình Công an nhân dân, tổ chức bộ máy của Trung tâm gồm 11 phòng, ban và cơ quan đại diện ở phía Nam. Giám đốc là Thiếu tướng Dương Như Hồng.

Từ khi khai trương phát sóng ngày 11 tháng 12 năm 2011, kênh Truyền hình Công an nhân dân không ngừng phát triển, lớn mạnh, là một trong 10 kênh thông tin truyền thông thiết yếu của quốc gia. Website ANTV tuy ra đời chưa lâu đã trở thành trang thông tin điện tử mạnh. Năm 2012, Truyền hình Công an nhân dân được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Nhì.

Riêng Phát thanh Vì an ninh Tổ quốc, ra đời từ 1965 liên tục nâng cao chất lượng chương trình phát sóng. Từ 2012 đến nay đã phát mới nhiều chương trình thời sự với thời lượng 60 phút/ngày và phát mới 5 chuyên mục trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. An ninh Thủ đô, 40 năm báo An ninh Thủ đô xuất bản số đầu (15.8.1976 – 15.8.2016) và đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì.
  2. Báo Công an TP. Hồ Chí Minh, 40 năm lớn lên cùng thành phố thân yêu (15.6.1976 – 15.6.2016), Nxb. Văn hoá - Văn nghệ, TP. Hồ Chí Minh, 2016 (lưu hành nội bộ).
  3. Báo Công an nhân dân 70 năm rèn luyện và trưởng thành, Nxb Công an nhân dân, 2016.
  4. Báo Công an Thành phố Đà Nẵng, Công an Thành phố Đà Nẵng 25 năm đồng hành cuộc sống (17.8.1987 – 17.8.2012), Nxb Đà Nẵng, 2012.
  5. Bộ Công an, Tổng cục Xây dựng lực lượng Công an nhân dân, Tạp chí Công an nhân dân 50 năm những chặng đường phát triển (1964-2014), Hà Nội 6.2014.
  6. Công an thành phố Hải Phòng, An ninh Hải Phòng 25 năm xây dựng và phát triển, 2016 (lưu hành nội bộ).
  7. Mai Hậu, Báo Điện tử Công an Nghệ An 12 năm hình thành và phát triển, 7:32, 20.5.2019. Báo Điện tử Công an Nghệ An.
  8. Thế Khoa, Khai trương Báo An ninh Hải Phòng điện tử và ra mắt bộ mới 16 trang, Báo An ninh Hải Phòng, 03.8.2017.
  9. Thân Lai, Báo Công an TP. Đà Nẵng kỷ niệm 30 năm thành lập, Báo Công an nhân dân điện tử, 08:20, 13.8.2017.
  10. Dạ Miên, 40 năm Chương trình phát thanh "Vì an ninh Tổ quốc": Một chặng đường đáng ghi nhận, Báo Công an nhân dân, 24.12.2005.
  11. Thông tin về việc sắp xếp báo chí trong lực lượng công an nhân dân (CAO, 15.01.2021, 11:40).
  12. Tổng cục Chính trị công an nhân dân, Tổng cục chính trị công an nhân dân 35 năm xây dựng và phát triển (1981-2016), NXB Công an nhân dân, 2016.