Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Mạng bưu chính

Mạng bưu chính (tiếng Anh Postal Network) là hệ thống cơ sở khai thác bưu gửi, điểm phục vụ bưu chính được kết nối bằng các tuyến vận chuyển và tuyến phát để cung ứng dịch vụ bưu chính.

Thành phần chính[sửa]

Hai thành phần cơ bản của mạng bưu chính là mạng bưu cục và mạng vận chuyển. Mạng bưu cục là biểu hiện của số lượng, chủng loại, điểm đặt của các cơ sở khai thác bưu gửi, các điểm phục vụ (gọi chung là bưu cục / nút mạng) và mối quan hệ nghiệp vụ giữa chúng. Tại cơ sở khai thác, bưu gửi được phân loại, định tuyến, đóng chuyển đến các cơ sở khai thác khác, hoặc đến bưu cục phát. Điểm phục vụ gồm: bưu cục, kiốt, đại lý, thùng thư công cộng và hình thức khác để chấp nhận hoặc phát bưu gửi. Mạng vận chuyển là tập hợp các tuyến vận chuyển (cg: tuyến đường thư) làm nhiệm vụ kết nối giữa các cơ sở khai thác và các điểm phục vụ thuộc một mạng bưu cục nhất định.

Mạng bưu chính được tổ chức theo mô hình bức xạ với một hay nhiều cấp, mô hình điểm nối điểm, hoặc mô hình hỗn hợp – là kết hợp giữa mô hình bức xạ và mô hình điểm nối điểm. (Hình 1).

Tập tin:Mạng bưu chính theo mô hình mạng bức xạ và mô hình điểm nối điểm.png
Mạng bưu chính theo mô hình mạng bức xạ và mô hình điểm nối điểm

Trong mô hình bức xạ một cấp, một bưu cục làm đầu mối và các bưu cục khác làm vệ tinh cho nó. Trong mô hình bức xạ nhiều cấp, một bưu cục làm nhiệm vụ đầu mối, một số bưu cục khác làm vệ tinh cho nó, tiếp theo các bưu cục vệ tinh này lại làm đầu mối và có các bưu cục vệ tinh ở cấp thấp hơn. Bưu gửi trong mô hình mạng bức xạ được thu gom và tập trung đến bưu cục đầu mối, sau đó được chuyển đến các bưu cục khác hoặc chuyển xuống bưu cục phát. Trong mô hình điểm nối điểm, bưu gửi được trao đổi trực tiếp giữa bưu cục nhận gửi và bưu cục phát mà không qua bất kỳ bưu cục trung gian nào.

Lịch sử phát triển[sửa]

Trên thế giới[sửa]

Lịch sử bưu chính thế giới ghi nhận hoạt động thư tín đã có từ thời cổ đại và là đặc quyền của giới vua chúa. Người lính truyền tin chiến thắng từ Marathon về Aten vào năm 490 trước Công nguyên là người bưu tá đầu tiên trong lịch sử. Theo thời gian, các cơ sở tôn giáo và các trường đại học đã phát triển hệ thống trao đổi thư tín riêng của mình, rồi cuối cùng là các cá nhân được phép sử dụng sứ giả để trao đổi thông tin với nhau. Nhiều trạm chuyển tiếp được thiết lập dọc theo các tuyến vận chuyển thư tín để tăng tốc độ giao nhận trên một khoảng cách dài, mạng bưu chính trong mỗi lãnh thổ được hình thành từ đó.

Khi thương mại phát triển và sự di cư tăng lên thì phạm vi trao đổi thư, tài liệu và hàng hóa (gọi chung là bưu phẩm) ngày càng mở rộng, từ quốc gia này sang quốc gia khác. Trong thế kỷ XVII và XVIII, ngành bưu chính mỗi quốc gia muốn chuyển phát được một bưu phẩm ra khỏi biên giới của mình và gửi đến đúng địa chỉ ở bất kỳ đâu trên thế giới đều phải dựa vào hàng trăm hiệp định song phương khác nhau. Đến thế kỷ XIX, mạng lưới các hiệp định song phương đã trở nên phức tạp gây cản trở sự phát triển của ngành thương mại, và một trật tự rõ ràng, đơn giản trong chuyển phát bưu chính quốc tế là đòi hỏi cấp bách. Sau rất nhiều nỗ lực và thảo luận tại các hội nghị quốc tế thì vào ngày 9.10.1874 tại Thụy Sĩ, hiệp ước Bern được ký kết với sự ra đời của Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU) đã góp phần giải quyết tình trạng này. Hiệp ước Bern đã tạo ra một “lãnh thổ bưu chính duy nhất” để trao đổi thư từ giữa các quốc gia thành viên, theo đó mạng bưu chính quốc tế được Chính phủ các quốc gia thành viên ký kết và công nhận. Tại mỗi quốc gia thành viên sẽ có một “nhà khai thác được chỉ định” thực hiện việc khai thác các dịch vụ bưu chính quốc tế và thực hiện các nghĩa vụ theo quy định của UPU trên lãnh thổ quốc gia đó. Ngoài mạng bưu chính quốc tế được vận hành bởi UPU, mỗi quốc gia có thể thành lập các liên minh bưu chính khu vực và thỏa thuận các hiệp định riêng về dịch vụ bưu chính quốc tế. Các doanh nghiệp bưu chính không đảm nhiệm vai trò là nhà khai thác được chỉ định có thể tự tổ chức mạng bưu chính của riêng mình, hoặc tham gia mạng bưu chính do liên minh bưu chính thế giới hoặc liên minh bưu chính khu vực để tạo nên một hệ thống mạng bưu cục và mạng vận chuyển dày đặc nhằm đáp ứng nhu cầu của người sử dụng dịch vụ ở mọi nơi trên thế giới …

Tại Việt Nam[sửa]

Từ đời nhà Hồ đến đời nhà Lê, nhà Mạc và nhà Nguyễn sau này, việc giao thông liên lạc đều theo chế độ dịch trạm, tổ chức phu chạy trạm để truyền chiếu chỉ, sắc chỉ, chỉ dụ của vua tới các trấn, tỉnh, châu trong cả nước. Thời nhà Nguyễn, thông tin cùng với vận chuyển được xác định là những yếu tố quan trọng hàng đầu để quản lý một đất nước rộng lớn và nhiều biến động. Nhà Nguyễn đã tổ chức một hệ thống trạm ngựa (dịch trạm) dày đặc khắp đất nước và quy định: “Cứ trong khoảng cách từ 20 đến chừng 36 dặm thì đặt một dịch trạm. Mỗi dịch trạm biên chế có từ 30 đến chừng 100 người gọi là Phụ trạm, phụ trách là một Dịch thừa. Mỗi trạm được cấp bốn con ngựa để thi hành công vụ”. Hệ thống dịch trạm dưới thời nhà Nguyễn được cho là mạng thông tin bưu chính hoàn thiện nhất trong các triều đại phong kiến ở Việt Nam.

Từ cuối Thế kỷ mười chín đến trước tháng 8.1945, hệ thống thông tin liên lạc do người Pháp quản lý. Hai chữ bưu điện cũng xuất hiện từ thời kỳ này, khi có những người phu chạy bộ đưa thư (bưu chính), và những nhà dây thép đầu tiên (điện tín) ra đời. Năm 1930 khi Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời, hệ thống thông tin liên lạc phục vụ cách mạng còn nghèo nàn và phải hoạt động trong bí mật. Năm 1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào đã ra nghị quyết "Lập Ban giao thông chuyên môn". Sau Cách mạng tháng Tám (1945), mạng bưu chính Việt Nam được chính quyền quản lý và phát triển. Từ một mạng bưu chính chủ yếu phục vụ Đảng và Nhà nước, đến việc thành lập doanh nghiệp nhà nước về bưu chính, phân định mạng bưu chính công cộng và mạng bưu chính khác, cùng với sự tham gia thị trường của các doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài, và đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân, các mạng bưu chính tại Việt Nam ngày càng được hoàn thiện.

Doanh nghiệp bưu chính lựa chọn giữa các mô hình tổ chức mạng để tìm ra phương án tối ưu dựa trên chi phí khai thác và chi phí vận chuyển. Chi phí khai thác dựa trên các tính toán về số lần khai thác tối đa, chi phí vận chuyển dựa trên khoảng cách. Thường thì mô hình bức xạ và mô hình hỗn hợp có số lần khai thác tối đa lớn, do đó chi phí khai thác cao. Ngược lại, mô hình điểm nối điểm có chi phí khai thác thấp nhưng chi phí vận chuyển cao.

Định hướng phát triển trong tương lai[sửa]

Toàn cầu[sửa]

Trong tương lai, hội tụ công nghệ sẽ là yếu tố được đánh giá là có tác động mạnh nhất đến sự phát triển của mạng bưu chính. Hội tụ công nghệ, cụ thể là làn sóng thứ hai của số hóa với dữ liệu lớn và phân tích, Internet vạn vật, đám mây, thực tại ảo. v.v. sẽ có tác động to lớn đến cấu trúc và cách thức vận hành mạng bưu chính. Dữ liệu lớn, robot và tối ưu hóa phân tích dữ liệu theo khu vực địa lý sẽ được ứng dụng trong qui trình thu gom, phân loại, và vận chuyển bưu gửi. Công nghệ xe tự động (cg. vận tải không người lái) có thể sẽ làm thay đổi đáng kể các quy tắc vận hành mạng bưu chính. Nếu công nghệ xe tự động diễn ra như mong đợi thì chi phí lao động sẽ không còn là vấn đề lớn, theo đó chi phí cho vận chuyển bưu gửi có thể giảm xuống một nửa so với hiện nay. Thay vì kết hợp càng nhiều bưu gửi càng tốt trong một chiếc xe tải lớn, các doanh nghiệp bưu chính có thể lựa chọn xe tải nhỏ hơn cho các tuyến đường ngắn hơn, và trực tiếp từ điểm đầu đến điểm cuối để tiết kiệm các chi phí vận chuyển nhân công trong suốt tuyến đường. Khi công nghệ xe tự động phát triển một bước xa hơn thì việc vận hành mạng bưu chính sẽ tiến tới mô hình điểm nối điểm với dòng chảy liên tục. Nếu như mô hình bức xạ đòi hỏi một lịch trình nhận gửi, thu gom và tập kết nghiêm ngặt để đảm bảo bưu gửi không trễ giờ khai thác, thì mô hình điểm nối điểm mang lại sự linh hoạt để có một dòng chảy bưu gửi liên tục hơn. Bên cạnh đó, tại công đoạn giao hàng chặng cuối có thể áp dụng công nghệ mới (vd: các tủ đặc biệt ở phía trước nhà của người nhận, hoặc trong thùng xe ô tô của khách hàng mà bưu tá có thể mở bằng một mã điện tử), và như vậy thì khái niệm “điểm phục vụ bưu chính” sẽ được mở rộng, tăng lên nhiều về số lượng và chấp nhận các điểm phục vụ di động là những chiếc xe ô tô cá nhân, điều này làm cho tỷ lệ giao hàng thành công tăng lên vì nó bãi bỏ tình trạng phát thất bại do người nhận đi vắng.

Tại Việt Nam[sửa]

Theo quy định của Luật Bưu chính (2010), mạng bưu chính công cộng là mạng bưu chính do Nhà nước đầu tư và giao cho doanh nghiệp được chỉ định quản lý, khai thác. mạng bưu chính công cộng được xây dựng và phát triển theo quy hoạch được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Tại quyết định 41/2011/QĐ-TTg, Chính phủ chỉ định Tổng công ty Bưu chính Việt Nam (nay là Tổng công ty Bưu điện Việt Nam - VNPOST) là doanh nghiệp thực hiện duy trì, quản lý mạng bưu chính công cộng.

Mạng bưu chính công cộng của Việt Nam bao gồm các thành phần:

  • Hệ thống các điểm phục vụ gồm: bưu cục, điểm Bưu điện - Văn hóa xã, thùng thư công cộng và các hình thức khác dùng để chấp nhận thư cơ bản

.

  • Các cơ sở khai thác gồm: bưu cục khai thác bưu chính quốc tế, liên tỉnh, nội tỉnh được kết nối bằng các tuyến vận chuyển và tuyến phát.

Chính phủ cũng quy định quy mô mạng bưu chính công cộng phải đáp ứng yêu cầu của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng dịch vụ bưu chính công ích, dịch vụ công ích trong hoạt động phát hành báo chí do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Đỗ Bang (chủ biên), Tổ chức bộ máy nhà nước triều Nguyễn (1802-1884), Nxb Thuận Hóa, Huế, 1997.
  2. Bộ Thông tin và Truyền thông, Thông tư số 20/2016/TT-BTTTTT ngày 31/8/2016.
  3. Chính phủ, Quyết định số 41/2011/QĐ-TTg ngày 03/8/2011.
  4. Quốc hội, Luật Bưu chính - luật số: 49/2010/QH12, 2010.