Mương- phai- lái- lín là hệ thống tưới tiêu cổ truyền trong canh tác ruộng nước của người Thái ở các vùng lòng chảo Tây Bắc và miền núi vùng Thanh – Nghệ của Việt Nam. Phai, trong tiếng Thái, là đập ngăn nước, mương là đường dẫn nước từ miệng phai vào các cánh đồng, lái là đập nhỏ được đắp trong các con mương để đưa nước từ mương vào các thửa ruộng và lín là hệ thống máng bằng tre, bương có chức năng dẫn nước từ các nguồn nước (suối, khe, cọn nước) vào các khu vực cần tưới tiêu. Tuy mỗi cấu phần có chức năng riêng, song các nhà nghiên cứu thường gộp chúng thành một cụm từ chung theo cách nói văn vần khi nói đến hệ thống dẫn thuỷ nhập điền mang dấu ấn đặc trưng tộc người này.
Khó xác định mốc thời gian cụ thể về sự xuất hiện của mương- phai- lái- lín, song nhiều nhà nghiên cứu cho rằng sự ra đời của nó gắn liền với lịch sử canh tác ruộng nước hàng trăm năm của các cộng đồng trong các khu vực thung lũng lòng chảo. mương- phai- lái- lín, vì vậy, trở thành đặc trưng văn hoá, được nhắc đến trong tục ngữ, đã đi vào thi ca và có mặt trong hệ thống nghi lễ của tộc người.
Mương- phai- lái- lín là kỹ thuật dẫn thuỷ nhập điền trong canh tác ruộng nước phù hợp với địa hình không bằng phẳng của các khu vực miền núi. Để đưa được nguồn nước từ hệ thống các con suối lớn nhỏ chảy ở các địa hình thấp vào cánh đồng, các phai được xây dựng ở các vị trí đầu cánh đồng để dâng nguồn nước cao lên. Dẫn nguồn nước từ phai vào ruộng là các con mương lớn và nhỏ khác nhau. Lái, tức những đập nhỏ, được đắp trong các con mương lớn, có chức năng dâng cao mực nước từ mương lớn và mương nhỏ và từ mương vào các triền ruộng hay các thửa ruộng trong cánh đồng.
Về mặt kỹ thuật, hệ thống mương- phai- lái- lín được thiết kế và xây dựng nhằm điều tiết nguồn nước và phân bón tự nhiên có trong nước hài hoà nhất có thể cho tất cả các cánh đồng. Khung phai, vì vậy, được xây dựng chắc chắn, song thân phai không bị bịt kín và được làm bằng tre, gỗ, rơm, rạ và đất sét. Do vậy, vào mùa khô, khi lượng nước trên các con suối ít, nước và nguồn phân bón tự nhiên vẫn có thể chảy qua thân phai, và vì vậy các hệ thống phai ở cuối nguồn vẫn có đủ lượng nước cần thiết đảm bảo cho việc tưới tiêu. Vào mùa mưa, mỗi khi có lũ đến, nước sẽ cuốn trôi phần rơm, rạ dùng để ngăn nước nên những thửa ruộng nằm ở phần trên các con phai không bị ngập lụt. Tương tự như vậy, lái được tạo nên bởi các cọc tre, gỗ nhỏ, cắm cách nhau khoảng từ 20-30cm. Thân lái là các phên đan bằng tre, nứa và rơm rạ. Phần thân lái được bịt kín ở mức độ vừa đủ để có thể dâng nước lên cao vừa tạo khoảng hở nhất định để một lưu lượng nước và nguồn phân bón tự nhiên có sẵn trong dòng nước có thể chảy qua. Ở các khu vực có địa hình bằng phẳng, mương được thiết kế với số lượng nhiều nhất có thể và mặt mương không được để thấp hơn mặt ruộng được để đảm bảo tất cả các thửa ruộng đều có thể được được cung cấp nước và phân bón tự nhiên trực tiếp từ mương. Lín là giải pháp kỹ thuật dẫn thuỷ nhập điền tối ưu ở khu vực địa hình không bằng phẳng không thể xây dựng hệ thống mương - phai. Đó là một dạng mương được làm bằng thân tre, luồng (bổ đôi, đục bỏ mắt bên trong để không gian cho dòng chảy). Các thân tre, luồng được đặt trên các trụ đỡ, nối liền với nhau, tạo thành những con mương dài, để dẫn nước từ nguồn nước nằm độ dốc cao hoặc từ guồng (cọn nước) đặt dọc theo các con suối.
Là cư dân có nguồn sống chính dựa vào canh tác ruộng nước nên việc xây dựng và bảo vệ mương- phai- lái- lín được các cộng đồng người Thái ưu tiên hàng đầu. Người Thái có câu “po tai, phai lở” [vỡ phai như mất cha] để chỉ tầm quan trọng của hệ thống tưới tiêu này. Trước đây, dưới thể chế tổ chức xã hội bản – mường, mỗi cộng đồng sẽ có một chức danh xã hội chuyên phụ trách việc trông coi mương phai, được phân ruộng và một số bổng lộc khác. Để bảo vệ hệ thống tưới tiêu này, người dân thiêng hoá các khu vực xây dựng phai. Đây được coi là nơi trú ngụ của chủ nước (tô ngược) và vì vậy là khu vực thiêng, không được vi phạm. Hàng năm dân làng phải tổ chức lễ cúng tại các khu vực này để cầu mong có nguồn nước dồi dào, mùa màng tốt tươi. Luật tục Thái cũng đưa ra những hình phạt cụ thể đối với các hành vi làm ảnh hưởng đến hệ thống mương, phai của cộng đồng.
Trong khoảng 20 năm trở lại đây, nhằm hiện đại hoá nông nghiệp - nông thôn, nhiều hệ thống mương - phai truyền thống của người Thái được thay thế bằng các hệ thống mương, phai mới bằng xi măng và bê tông, cốt thép. Qua thời gian hệ thống mương phai mới này đã bộc lộ rõ nhiều hạn chế và ở một số nơi đã để lại nhiều hệ quả xã hội và kinh tế không mong đợi.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Cầm Trọng, Người Thái ở Tây Bắc Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1978.
- Cầm Trọng, Mấy vấn đề về lịch sử kinh tế- xã hội cổ đại người Thái ở Tây Bắc Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1987.
- Hoàng Cầm, Từ sự thất bại của vụ ba, suy nghĩ về tri thức địa phương trong canh tác nông nghiệp của người Thái, Tạp chí Văn hoá dân gian, số 4, 2008, Hà Nội, 2008.
- Vi Văn An, Tri thức dân gian của người Thái trong sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước, Tạp chí Dân tộc học, Hà Nội, số 1/2008, tr.15-24-9.
- Vi Văn An, Người Thái ở miền Tây Nghệ An, Nxb. Thế Giới, Hà Nội, 2017.