Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Mũ tai bèo

Mũ tai bèo là mũ mềm may bằng vải có vành rộng, trang bị cho Quân giải phóng Miền nam Việt Nam.

Xuất hiện từ trong Kháng chiến chống Mỹ, được sử dụng phổ biến trong quân đội, là một trong những biểu tượng về "Anh Giải phóng quân", nhiều người thường gọi Quân giải phóng Miền nam Việt Nam là quân Mũ tai bèo. Lúc đầu, chiếc mũ được gọi là "chiếc mũ quân giải phóng", sau đó, được bộ đội gọi là "Chiếc mũ tai bèo”. Mũ tai bèo lần đầu tiên xuất hiện ở một đơn vị vũ trang trong đêm Đồng Khởi ở Bến Tre, dần dần được đông đảo chiến sĩ Giải phóng quân ưa thích sử dụng và sau đó chính thức nằm trong trang phục của các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam. Mũ có hình giống tai bèo, thường may bằng vải kaki hoặc vải dù, là những loại vải bền, dễ sản xuất hàng loạt, nhanh khô nên thích hợp với thời tiết ẩm thấp, mưa nhiều. Mũ có dây buộc xuống cằm giúp cố định khi đội, các lỗ thoáng giúp thoát khí, có vành rộng. Mũ có ưu điểm gọn, nhẹ, mềm, dễ sử dụng và cất giữ. Màu mũ giống với màu lá cây nên có tác dụng ngụy trang tốt. Thời kì Kháng chiến chống Pháp , hình ảnh của Bộ đội cụ Hồ được tô đậm cùng với tấm áo trấn thủ. Đến thời kì Kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hình ảnh người chiến sĩ Giải phóng quân kiên cường, dũng cảm ở miền Nam nổi bật với áo sơ mi, quần âu vải xanh lá cây, giày vải và chiếc Mũ tai bèo.

Hình ảnh những chiến sĩ quân giải phóng, đầu đội Mũ tai bèo xung trận làm nên những chiến thắng vang dội ở Ấp Bắc, Bình Giã, Núi Thành, Bông Trang, Bầu Bàng, Vạn Tường... khiến quân địch vô cùng khiếp sợ. Những chiến công hiển hách nối tiếp nhau của các chiến sĩ giải phóng đã nâng chiếc Mũ tai bèo thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng CM. Chiếc Mũ tai bèo đã được bạn bè năm châu dành cho một tình cảm trân trọng đặc biệt, xem đó là biểu tượng của tinh thần chiến đấu kiên cường, dũng cảm và ý chí quyết chiến, quyết thắng của nhân dân Việt Nam.

Không chỉ dùng để che nắng, mũ còn chứa đựng nhiều giá trị đặc biệt khác. Với những người ra trận thuở ấy, chiếc Mũ tai bèo không đơn thuần chỉ là một bóng mát che đầu, nó còn chứa đựng tình cảm của những người mẹ, người chị nơi hậu phương, một chỗ dựa tinh thần không gì thay thế được. Bạn bè quốc tế đến thăm các chiến trường trong Kháng chiến chống Mỹ thường trang bị cho mình chiếc Mũ tai bèo để hòa mình vào và hiểu thêm về lịch sử đấu tranh hào hùng của nhân dân Việt Nam. Ngày nay, Mũ tai bèo vẫn được sử dụng và trở thành nét đặc trưng của các thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện trong các hoạt động xã hội.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Tổng cục Hậu cần, Lịch sử Hậu Cần Quân đội nhân dân Việt Nam, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 1995
  2. Tổng cục Hậu cần, Lịch sử Quân nhu Quân đội nhân dân Việt Nam, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 1998
  3. Trung tâm Từ điển Bách khoa quân sự, Từ điển Bách khoa quân sự, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2005
  4. Trung tâm Từ điển Bách khoa quân sự, Từ điển Thuật ngữ quân sự, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2007
  5. Tổng cục Hậu cần, Từ điển Hậu cần quân sự, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2009
  6. Tổng cục Hậu cần, Tạp chí hậu cần quân đội, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2010