Múa sạp là điệu múa dân gian phổ biến ở các dân tộc vùng Tây Bắc Việt Nam (như người Thái, Mường, Khơ Mú) cũng như ở nhiều nước châu Á khác (như ở Trung Quốc, Ấn Độ, Lào, Thái Lan, Campuchia, Philippins, Malaysia). Ở mỗi dân tộc, múa sạp có các tên gọi khác nhau. Ở Việt Nam, người Khơ Mú gọi là “tệ khơ liệp”, người Thái ở Quỳ Hợp, Nghệ An gọi là “tặp xạc”. Còn ở các nước khác, người Philippines gọi là tikling còn người Ấn Độ gọi là Cheraw.
Các nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa dù chưa xác định được thời điểm ra đời của múa sạp, nhưng đã đưa ra những giả thuyết cho rằng múa sạp xuất phát từ điệu mùa dân gian “xé cắp” (múa cạm bẫy) của người Thái. Hoặc có người cho rằng, múa sạp cũng có thể bắt nguồn từ trò “tung loòng” (trò chơi nhảy chày) của các cô gái Thái trong lúc nghỉ ngơi khi giã gạo.
Ở các cộng đồng dân tộc ở Việt Nam, múa sạp thường được tổ chức vào những ngày hội, lễ tết, như lễ cầu mùa, lễ cầu mưa, hay trong ngày tết truyền thống của từng dân tộc.
Cách gọi múa sạp trong tiếng Việt mô tả khái quát cách dàn dựng phổ biến và cơ bản của điệu múa và loại hình sinh hoạt này. Trong múa sạp, sạp là đạo cụ chính bao gồm hai cây tre nứa làm đà và khoảng bốn cặp tre nứa khác xếp vuông góc với hay cây đà dùng để đập làm nhịp. Các cây tre nứa này vừa là đạo cụ, vừa là nhạc cụ tạo tiếng nhịp cho người tham gia nhảy múa. Bốn cặp tre nứa được tám người ngồi hai bên gõ nhịp xuống hai cây đà bên dưới để tạo tiếng nhịp để các cặp nam nữ dắt tay nhau bước vào múa sạp. Những người tham gia nhảy nhịp chân và lựa khoảng trống theo nhịp này. Trong cách múa sạp truyền thống, cách cặp nhảy cần cân đối gồm một nam một nữ nắm thay nhau nhảy nhịp nhàng di chuyển từ đầu đến hết sạp nhảy.
Là một loại hình múa sinh hoạt đơn giản, mang tính cộng đồng cao, múa sạp có sức lan tỏa lớn, trở thành sinh hoạt văn hóa được ưa thích, thậm chí thành một sinh hoạt văn hóa truyền thống ở nhiều cộng đồng khác trong cả nước.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ 1954, múa sạp trở thành hoạt động văn hóa quần chúng trung tâm thể hiện sự đoàn kết giữa bộ đội và dân bản người Thái vùng Điện Biên. Sau chiến dịch này, múa sạp như một loại hình sinh hoạt văn hóa quần chúng hiệu quả đã nhanh chóng lản tỏa xuống miền xuôi, trở thành một hình thức giao lưu văn hóa tập thể phổ biến. Trong chiến tranh, các đoàn văn công cũng sử dụng múa sạp như một hình thức giao lưu văn hóa để thắt chặt quan hệ quân dân với cộng đồng ở khu vực Trường Sơn – Tây Nguyên theo đường hành quân vào chiến trường miền Nam.
Trong quá trình giao lưu tiếp xúc đó, dân tộc Cơ Tu ở vùng miền núi tỉnh Quảng Nam (thôn Pà Vả, xã Tà Bhing, huyện Nam Giang) không chỉ coi múa sạp như một hoạt động văn hóa quần chúng mà còn thực hành loại múa này trong các sinh hoạt văn hóa của cộng đồng. Họ cũng thực hiện một số thay đổi và biến tấu để múa sạp phù hợp với văn hóa Cơ Tu, chẳng hạn tăng số lượng cặp tre từ 4 lên 5 cặp, tăng đội múa lên 16 người gồm 8 nam, 8 nữ, và cải biên lại điệu nhảy theo ngôn ngữ âm nhạc dân tộc mình. Từ đó múa sạp trở thành một sinh hoạt văn hóa trong các sinh hoạt cộng đồng của người Cơ Tu.
Trong những năm trở lại đây múa sạp được nhiều tỉnh miền núi phía Bắc nhìn nhận như một di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc của các tộc người ở đây. Chẳng hạn tỉnh Điện Biên đã có chính sách đầu tư để tổ chức truyền dạy và thực hành nghệ thuật múa sạp, nhân rộng mô hình nghệ thuật múa sạp trong chính sách chung bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc phục vụ phát triển du lịch. Ở vùng cao tỉnh Quảng Nam, cộng đồng người Cơ Tu cũng khôi phục và phát triển điệu múa sạp này trong chương trình phục hồi các giá trị văn hóa Cơ Tu nhằm xây dựng sản phẩm du lịch.
Múa sạp là loại hình sinh hoạt văn hóa dễ tổ chức và thu hút được nhiều người cùng tham dự. Do đó dù bắt nguồn từ các tỉnh vùng núi phía Bắc, nhưng tới nay múa sạp đã ngày càng trở nên phổ biến ở các vùng miền, trong các sinh hoạt giao lưu văn hóa quần chúng cũng như các hoạt động du lịch cộng đồng.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Lệ Cung, Múa sạp từ múa dân gian đưa lên sân khấu chuyên nghiệp, Tạp chí Văn hóa dân gian, Hà Nội, 1982, tr.70–71.
- Tạ Đức, Cội nguồn và sự phát triển của điệu múa sạp, Tạp chí Văn hóa dân gian, số 2, Hà Nội, 1982, tr.55–57.
- Chí Thanh, Di sản múa dân gian vùng Tây Bắc, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 1998.