Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Mô tả và truy cập tài nguyên

Mô tả và truy cập tài nguyên (tiếng Anh Resource Description and Access - RDA) là các quy định dùng để mô tả các đơn vị dữ liệu trong các danh mục (catalog). RDA được thiết kế trên nền tảng kỹ thuật số, bao gồm các quy tắc và hướng dẫn về tạo lập, lưu trữ và truy cập thông tin về các tài nguyên dữ liệu đa dạng trong các thư viện, bảo tàng và các cơ sở lưu trữ. Siêu dữ liệu của RDA được tạo lập theo các mô hình chuẩn hóa đa quốc gia. RDA là kết quả hợp tác giữa Mỹ, Canada, Anh, Germany và được phát triển nhằm nâng cấp bộ chuẩn các Quy tắc lập danh mục Anh-Mỹ phiên bản 2 (Anglo-American Cataloguing Rules, viết tắt là AACR2).

Được thiết kế trên cơ sở AACR2, RDA định hướng tới các bộ chuẩn của các Hiệp hội Thư viện, danh mục và lưu trữ Quốc tế.

Cải tiến của RDA[sửa]

Các điểm cải tiến của RDA so với phiên bản AACR2 bao gồm:

  • Khắc phục tính hướng tiếng Anh so với AACR2. Hướng vào nhu cầu của người dùng dựa trên các nguyên lý quốc tế chung về danh mục. Các đơn vị tham gia có thể bổ sung thêm các mô tả về ngôn ngữ truy cập và hiển thị, dịch chéo, lịch, hệ đếm của dân tộc, kể cả các quốc ngữ của các dân tộc và quốc gia.
  • Dễ sử dụng, dễ tương tác trên nền web. RDA có các khuôn dạng và giao diện đơn giản kèm theo các hướng dẫn để người sử dụng có thể "kéo - thả" nội dung vào các khuôn định sẵn.
  • Tương thích với các nguyên lý, mô hình và chuẩn quốc tế.
  • Mở rộng lĩnh vực cho phù hợp với nhu cầu của các thư viện, trung tâm học liệu và lưu trữ hiện nay, như cho phép quản lý các tài nguyên phi văn bản, không phải là ấn phẩm.
  • RDA bổ sung thêm hướng dẫn về bản quyền dữ liệu trước đó chưa được đề cập trong phiên bản AACR2. RDA có chức năng nạp thông tin chỉ dẫn tới các thư viện nguồn cung cấp các tài liệu hiện có.
  • RDA bổ sung thêm nhiều thể loại mới như kiểu nội dung, kiểu phương tiện, phương thức phát hành, …
  • Tương thích với các phương thức mã hóa được sử dụng rộng rãi như MODS, Dublin Core, ONIX và MARC.
  • Từ vựng được kiểm soát (được hiểu là từ dành riêng cho hệ thống RDA): RDA có nhiều từ vựng được kiểm soát. Chỉ có số ít từ vựng đóng (vd., kiểu nội dung, kiểu phương tiện, loại hình vận chuyển, phương thức phát hành). Hầu hết các từ vựng còn lại đều là mở theo nghĩa người sử dụng có thể thay bằng thuật ngữ riêng, nếu thấy phù hợp, hoặc cung cấp thuật ngữ mới cho bảng từ vựng của hệ thống, hoặc cả hai.
  • RDA được tổ chức rất khác so với AACR2. Thay vì tách riêng các chương cho các lớp ấn phẩm, RDA dựa trên nguyên tắc do Hiệp hội Thư viện Quốc tế đề xuất về yêu cầu chức năng cho hồ sơ thư mục. Nguyên tắc này được vận dụng rộng rãi trong các bộ tìm kiếm thông tin trên Internet hiện nay.

Cấu trúc[sửa]

RDA có cấu trúc như sau:

1. Phần chung bao gồm:

  • Thư mục
  • Nhập môn
  • Các hướng dẫn chính

2. Các thực thể và thuộc tính gồm hai nhóm:

  • Nhóm 1: Chương 1-7
  • Nhóm 2: Chương 8-16

3. Các khái niệm liên quan: Chương 17-22, 24-32

4. Phụ lục

5. Các thuật ngữ viết tắt

6. Chú giải

7. Chỉ mục

RDA Toolkit[sửa]

RDA Toolkit là bộ công cụ tích hợp, hoạt động trực tuyến trên nền web. RDA Toolkit trợ giúp người dùng tương tác trực tiếp với các nguồn tư liệu và tài nguyên trong các bộ danh mục, kể cả các nguồn tư liệu và tài nguyên của chính RDA. RDA Toolkit trợ giúp việc mô tả tài nguyên và truy nhập tài nguyên thông qua các chức năng và tuân thủ các chính sách dưới đây:

  • Tổ chức hướng dẫn hoạt động duyệt và tìm kiếm thông qua một bộ duyệt tiên tiến trên các ngôn ngữ Anh, Pháp và Đức.
  • Quy trình làm việc và các thủ tục lập tài liệu do người đăng ký tạo lập có thể được chia sẻ cho các thành viên trong cùng một tổ chức hoặc với cộng đồng của người đó.
  • Cho phép lập tương ứng giữa các lược đồ của RDA với các lược đồ của các hệ thống khác.
  • Có thể duyệt nội dung của hệ thống RDA theo mục lục hoặc theo nhóm các phần tử.
  • Bảo lưu toàn bộ thuật ngữ của AACR2
  • Tuân thủ các tuyên bố về chính sách của các hiệp hội Thư viện Quốc tế và quốc gia Australia, Anh, Germany, Thư viện Âm nhạc.

Quá trình phát triền[sửa]

Chuẩn AACR được công bố năm 1978 sau đó được nâng cấp thành AACR2 rồi AACR3 nhằm đáp ứng các nhu cầu mới của lĩnh vực thư viện, danh mục và lưu trữ quốc tế. Tháng sáu năm 2010, AACR3 được chính thức đổi tên thành RDA (Resource Description & Access, mô tả và truy cập tài nguyên).

Chuẩn RDA có thể được dùng làm cơ sở để thiết kế các hệ thống quản lý thư viện, các trung tâm học liệu, trung tâm tư liệu, cơ sở lưu trữ, bảo tàng. Theo chuẩn này, các cơ sở có thể dễ dàng trao đổi tài nguyên dùng chung.

Sự phát triển của RDA phụ thuộc chủ yếu vào hai yếu tố:

  • Sự tuyên truyền và quảng bá của các hiệp hội thư viện và lưu trữ quốc tế và quốc gia.
  • Sự mở rộng các tính năng của RDA.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Adeleke A.A., and R. Olorunsola (2007). Cataloguing and classification online: the experience of Redeemer’s University Library. The Eletronic Journal online, 2007: 725-732.
  2. Salman Haider (2020). Resource Description and Access, Encyclopædia Britannica.
  3. Fotis Lazarinis, Cataloguing and Classification, Elsevier Ltd., 2014.