Mã bưu chính (tiếng Anh postal code) là tập hợp ký tự dùng để thể hiện một địa chỉ hoặc một cụm địa chỉ theo những nguyên tắc xác định nhằm giúp cho việc khai thác, chia chọn và phát bưu gửi được thuận lợi, nhanh chóng và chính xác. Mã bưu chính thường được gán cho một khu vực địa lý cụ thể nhưng đôi khi cũng được gán cho các địa chỉ riêng lẻ, hoặc cho các tổ chức có khối lượng lớn bưu gửi được gửi đến (vd.: cơ quan chính phủ, công ty thương mại lớn). Trường hợp đặc biệt, một địa chỉ hư cấu cũng được gán mã bưu chính (vd.: đối với các bức thư gửi cho ông già Noel, thông tin ghi ở phần dành cho người nhận là “Santa” hoặc “Father Christmas” kèm theo mã bưu chính được quy định riêng cho địa chỉ này).
Cấu trúc[sửa]
Tùy theo lựa chọn của mỗi quốc gia trên thế giới, mã bưu chính được cấu trúc bởi tập hợp các loại ký tự sau:
- Chữ số Ả Rập từ "0" đến "9"
- Chữ cái của bảng chữ cái La tinh cơ bản
- Dấu cách, dấu gạch ngang.
Nguyên tắc xây dựng mã bưu chính[sửa]
Một số nguyên tắc khi xây dựng mã bưu chính gồm:
Đảm bảo tính khép kín: mọi khu vực địa lý đều được gán mã bưu chính;
Đảm bảo tính duy nhất: hai khu vực địa lý hoặc hai tổ chức khác nhau không có mã bưu chính giống nhau;
Phải có hệ thống mã dự phòng: quy hoạch hệ thống mã bưu chính phải tính đến sự biến động của các khu vực dân cư trong tương lai, sao cho khi phát sinh thêm các khu vực dân cư mới, hệ thống mã cũ không bị xáo trộn;
Phải phù hợp với công nghệ khai thác bưu chính: vì mục đích chính của việc áp dụng mã bưu chính là để phục vụ cho việc tự động hóa khai thác nên cấu trúc mã bưu chính phải phù hợp cho việc nhận diện địa chỉ trên bưu gửi bằng máy móc. (vd.: mã bưu chính phải đảm bảo số lượng và loại ký tự phù hợp để đầu đọc mã vạch có thể nhận diện được).
Lịch sử hình thành và phát triển[sửa]
Hình thức đầu tiên của mã bưu chính được xuất hiện ở Luân Đôn vào năm 1857. Khi đó, thủ đô Luân Đôn được chia thành các quận, được biểu thị bằng các vị trí trên la bàn (vd.: 'N' là phía Bắc, 'S' là phía Nam…). Đến năm 1916, trong Chiến tranh thế giới lần thứ Nhất, các số được thêm vào các quận để phân chia chúng cụ thể hơn (thành NW1, SW2…), điều này giúp cho việc phân loại những bức thư được nhanh và chính xác hơn.
Đến khoảng những năm 1930, ý tưởng mở rộng việc đánh số địa chỉ bưu chính đến tất cả các khu vực ngoài thành phố lớn, bao gồm cả các thị trấn nhỏ và vùng nông thôn đã xuất hiện, và đây là tiền đề của mã bưu chính như chúng ta hình dung hiện nay. Mã bưu chính hiện đại được Ukraina giới thiệu lần đầu tiên vào tháng 12 năm 1932 và chỉ tồn tại ở quốc gia này cho đến năm 1939. Một số quốc gia triển khai sớm mã bưu chính gồm: Đức (1941), Singapore (1950), Argentina (1958), Mỹ (1963) … Tính đến nay (năm 2020), theo thống kê của Liên minh Bưu chính Thế giới, có 191 quốc gia thành viên đóng góp vào cơ sở dữ liệu mã bưu chính thế giới, và có khoảng 130 quốc gia sử dụng mã bưu chính như một phần bắt buộc của hệ thống địa chỉ bưu chính.
Lợi ích[sửa]
Mã bưu chính đem lại lợi ích cho người sử dụng dịch vụ bưu chính, các doanh nghiệp bưu chính cũng như đối với các cơ quan quản lý Nhà nước.
Đối với người sử dụng dịch vụ bưu chính, mã bưu chính mang lại những lợi ích sau:
- Bưu gửi được vận chuyển và phát được nhanh chóng, chính xác và an toàn;
- Giảm số lượng bưu gửi không phát được;
Đối với tổ chức, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ, mã bưu chính mang lại những lợi ích sau:
- Tạo thuận lợi và đảm bảo chính xác trong việc chia chọn, phân hướng bưu gửi, từ đó rút ngắn thời gian khai thác;
- Thuận lợi cho việc ứng dụng các phần mềm quản lý và khai thác bưu chính, giúp đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ, cung cấp thông tin cho hoạch định và tổ chức các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
- Tăng cường khả năng đáp ứng các nhu cầu đặc biệt của người sử dụng dịch vụ bưu chính.
Trong tương lai, mã bưu chính có thể được sử dụng mạnh mẽ hơn cả ở trong và ngoài lĩnh vực bưu chính. Thứ nhất, mã bưu chính là cơ sở quan trọng để số hóa toàn bộ địa chỉ bưu chính, khi địa chỉ bưu chính được chuyển đổi từ dạng chữ viết sang dạng số sẽ giảm bớt chi phí và nâng cao độ chính xác cho việc nhận dạng địa chỉ bằng máy móc thay cho con người. Thứ hai, mã bưu chính là nền tảng cho việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về địa chỉ bưu chính, mở ra khả năng ứng dụng rộng rãi trong quản lý nhà nước và cho các doanh nghiệp nói chung, đặc biệt là các doanh nghiệp thương mại điện tử (vd.: các cơ quan quản lý nhà nước sử dụng mã bưu chính để quy hoạch hệ thống kho vận, giảm chi phí phân phối trong nền kinh tế; các doanh nghiệp dựa vào mã bưu chính để xác định nhu cầu sử dụng hàng hóa theo khu vực địa lý, từ đó triển khai các hoạt động marketing phù hợp). Thứ ba, mã bưu chính sẽ hỗ trợ chương trình tìm kiếm cứu nạn, xây dựng bản đồ số gắn với mã bưu chính.
Tại Việt Nam[sửa]
Mã bưu chính Việt Nam (cg. mã bưu chính quốc gia) được ban hành theo quyết định số 2475/QĐ-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông, gồm tập hợp năm ký tự số, cụ thể như sau (Hình 1):
- Ký tự đầu tiên xác định mã vùng
- Hai ký tự đầu tiên xác định tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
- Ba hoặc bốn ký tự đầu tiên xác định quận, huyện và đơn vị hành chính tương đương
- Năm ký tự xác định đối tượng gán mã bưu chính quốc gia.
Vd.: Với địa chỉ nhận thông thường (theo đơn vị hành chính) là phường Nghĩa Đô quận Cầu Giấy thành phố Hà Nội sẽ có mã 11307, trong đó theo Danh bạ Mã bưu chính quốc gia thì “11” là mã bưu chính của “Hà Nội”, “113” là mã bưu chính của “quận Cầu giấy” và “11307” là mã bưu chính của phường Nghĩa Đô. Với địa chỉ nhận là điểm phục vụ bưu chính - bưu cục Mỹ Luông huyện Chợ Mới tỉnh An Giang sẽ có mà là 90215, trong đó theo Danh bạ Mã bưu chính quốc gia thì “90” là mã bưu chính của “An Giang”, “902” là mã bưu chính của “huyện Chợ Mới” và “90251” là mã bưu chính của bưu cục Mỹ Luông.
Có thể tra cứu mã bưu chính trên nhiều trang thông tin điện tử.
Mã bưu chính được thể hiện trên bưu gửi theo một số nguyên tắc sau:
- Địa chỉ người sử dụng dịch vụ bưu chính (người gửi và người nhận) phải được thể hiện rõ ràng trên bưu gửi hoặc trên các ấn phẩm, tài liệu liên quan
- Mã bưu chính là một thành tố không thể thiếu trong địa chỉ người sử dụng dịch vụ bưu chính, được ghi tiếp theo sau tên tỉnh/thành phố và được phân cách với tên tỉnh/thành phố ít nhất một ký tự trống
- Mã bưu chính phải được in hoặc viết tay rõ ràng, dễ đọc
- Đối với bưu gửi có ô dành riêng cho mã bưu chính ở phần ghi địa chỉ người gửi, người nhận thì ghi rõ mã bưu chính, trong đó mỗi ô chỉ ghi một chữ số và các chữ số phải được ghi rõ ràng, dễ đọc, không gạch xóa.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Bài giảng Công nghệ Bưu chính, 2010.
- Thông tư số 07/2017/TT-BTTTT ngày 23/6/2017 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định về Mã bưu chính quốc gia.
- Quyết định số 2475/QĐ-BTTTT ngày 29/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về việc ban hành Mã bưu chính quốc gia.
- The Independent, A short history of the postcode, Published on 1 January 2005. Accessed April 1, 2020.
- Ukrainian Philatelic and Numismatic Society, The First Postal (ZIP) Code in the World, Published on 20 April 2009. Accessed April 1, 2020.