Luật viễn thông quy định về hoạt động viễn thông, bao gồm đầu tư, kinh doanh viễn thông; viễn thông công ích; quản lý viễn thông; xây dựng công trình viễn thông; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động viễn thông.
Luật viễn thông (LVT) được Quốc hội Nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ sáu thông qua ngày 23.11.2009, có hiệu lực thi hành từ ngày 01.7.2010. Luật gồm mười chương, sáu mươi ba điều.
Chương 1. Những quy định chung, gồm mười hai điều (từ Điều 1 đến Điều 12), quy định về phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; chính sách của Nhà nước về viễn thông; bảo đảm an toàn cơ sở hạ tầng viễn thông và an ninh thông tin; bảo đảm bí mật thông tin; thông tin ưu tiên truyền qua mạng viễn thông; quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia; trách nhiệm quản lý nhà nước về viễn thông; cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông; thanh tra chuyên ngành về viễn thông; các hành vi bị cấm trong hoạt động viễn thông.
Chương 2. Kinh doanh viễn thông, gồm bảy điều (từ Điều 13 đến Điều 19), quy định về hình thức kinh doanh viễn thông; quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp viễn thông; quyền, nghĩa vụ của đại lý dịch vụ viễn thông; quyền, nghĩa vụ của người sử dụng dịch vụ viễn thông và thuê bao viễn thông; sở hữu, đầu tư, cạnh tranh trong kinh doanh dịch vụ viễn thông.
Chương 3. Viễn thông công ích, gồm ba điều (từ Điều 20 đến Điều 22), quy định về hoạt động viễn thông công ích; quản lý hoạt động viễn thông công ích; quỹ dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam.
Chương 4. Thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ viễn thông, gồm mười một điều (từ Điều 23 đến Điều 33), quy định về: thiết bị đầu cuối thuê bao, mạng nội bộ; thiết lập mạng viễn thông; cung cấp dịch vụ viễn thông; từ chối cung cấp dịch vụ viễn thông; ngừng kinh doanh dịch vụ viễn thông; liên lạc nghiệp vụ; dịch vụ viễn thông khẩn cấp; dịch vụ trợ giúp tra cứu số thuê bao điện thoại cố định; dịch vụ báo hỏng thuê bao điện thoại cố định; lập hóa đơn và thanh toán giá cước dịch vụ viễn thông; hoàn trả giá cước và bồi thường thiệt hại.
Chương 5. Cấp giấy phép viễn thông, gồm tám điều (từ Điều 34 đến Điều 41), quy định về giấy phép viễn thông, nguyên tắc cấp giấy phép viễn thông; điều kiện cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông; điều kiện cấp giấy phép nghiệp vụ viễn thông; điều kiện gia hạn, sửa đổi, bổ sung, cấp mới giấy phép viễn thông; thu hồi giấy phép viễn thông; miễn giấy phép viễn thông; phí quyền hoạt động viễn thông.
Chương 6. Kết nối và chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông, gồm bốn điều (từ Điều 42 đến Điều 45), quy định về nguyên tắc kết nối viễn thông; kết nối mạng viễn thông công cộng; kết nối mạng viễn thông dùng riêng; chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông.
Chương 7. Tài nguyên viễn thông, gồm năm điều (từ Điều 46 đến Điều 50), quy định về quản lý tài nguyên viễn thông; quy hoạch kho số viễn thông, tài nguyên Internet; phân bổ, sử dụng, hoàn trả, chuyển nhượng, thu hồi kho số viễn thông, tài nguyên Internet.
Chương 8. Quản lý tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng và giá cước viễn thông, gồm sáu điều (từ Điều 51 đến Điều 56), quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật viễn thông; quản lý tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật viễn thông, chất lượng mạng và dịch vụ viễn thông; giá cước viễn thông; nguyên tắc, căn cứ xác định giá cước viễn thông; quản lý giá cước viễn thông.
Chương 9. Công trình viễn thông,gồm năm điều (từ Điều 57 đến Điều 61), quy định về quy hoạch công trình viễn thông; đất sử dụng cho công trình viễn thông; thiết kế, xây dựng công trình viễn thông; sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật; quản lý công trình viễn thông.
Chương 10. Điều khoản thi hành, gồm hai điều (Điều 62, Điều 63), quy định về hiệu lực thi hành; quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành.
LVT là căn cứ pháp lý cho hoạt động viễn thông; bảo đảm quy hoạch, xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông bền vững; đảm bảo nhu cầu thông tin thiết yếu của người dân và gắn bó chặt chẽ với các hoạt động kinh tế xã hội; đảm bảo quyền, lợi ích của người sử dụng viễn thông; đảm bảo phổ cập dịch vụ viễn thông ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và thực hiện các nhiệm vụ công ích do Nhà nước giao.
LVT là căn cứ để thực thi quản lý nhà nước hiệu quả trong lĩnh vực viễn thông; đẩy mạnh cải cách hành chính trong quản lý hoạt động viễn thông; tăng hiệu quả sử dụng và quản lý kho số viễn thông, tài nguyên Internet; là công cụ phục vụ trực tiếp sự chỉ đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp, quan hệ mật thiết với an ninh quốc phòng.
LVT thúc đẩy hình thành một thị trường viễn thông mở cửa cạnh tranh, bình đẳng, đúng pháp luật, phù hợp thông lệ quốc tế và cam kết của Việt Nam trong Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), đồng thời giữ vững vai trò kiểm soát, điều tiết của nhà nước trong hoạt động viễn thông.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Luật Viễn thông, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009.
- Lê Minh Toàn, Quản lý nhà nước về bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin (dùng cho đào tạo cán bộ quản lý và quản trị kinh doanh), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012.
- Lưu Thanh Mai, Đổi mới hoạch định chiến lược để nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp viễn thông trong thời kỳ hội nhập, tạp chí Kinh tế và Dự báo,2018, số 17, tr.30-32.
- Bách Nguyễn, Sửa đổi quy định hướng dẫn thi hành Luật Viễn thông: VCCI đề nghị bỏ yêu cầu doanh nghiệp phải cam kết vốn đầu tư, báo Pháp luật,ngày 12.02.2019.
- Thu Hà, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ đề xuất bỏ quy định quản lý giá trung bình dịch vụ viễn thông, Báo điện tử Chính phủ Nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ngày 13.3.2019, http://baochinhphu.vn/Chinh-sach-va-cuoc-song/Bo-TTTT-se-de-xuat-bo-quy-dinh-quan-ly-gia-trung-binh-dich-vu-vien-thong/361162.vgp, truy cập ngày 14.10.2020.