Luật thư viện quy định về thành lập, hoạt động thư viện; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động thư viện; quản lý nhà nước về thư viện.
LTV áp dụng với cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động thư viện hoặc có liên quan đến hoạt động thư viện trên lãnh thổ Nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
LTV được Quốc hội Nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ tám thông qua ngày 21 tháng 11 năm 2019, có hiệu lực thi hành từ ngày 01.7.2020. Luật gồm sáu chương, năm mươi hai điều.
Chương 1. Những quy định chung, gồm tám điều (từ Điều 1 đến Điều 8), quy định về phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; chức năng, nhiệm vụ của thư viện; chính sách của Nhà nước về phát triển sự nghiệp thư viện; xã hội hóa trong hoạt động thư viện; tài nguyên thông tin hạn chế sử dụng trong thư viện; các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thư viện.
Chương 2. Thành lập thư viện, gồm mười lăm điều (từ Điều 9 đến Điều 23), chia thành hai mục. Mục 1. Mạng lưới thư viện, gồm chín điều (từ Điều 9 đến Điều 17), quy định về các loại thư viện; Thư viện Quốc gia Việt Nam; thư viện công cộng; thư viện chuyên ngành; thư viện lực lượng vũ trang nhân dân; thư viện đại học; thư viện cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở giáo dục khác; thư viện cộng đồng và thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng; thư viện của tổ chức, cá nhân nước ngoài có phục vụ người Việt Nam. Mục 2. Thành lập, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể thư viện, gồm sáu điều (từ Điều 18 đến Điều 23), quy định về điều kiện thành lập thư viện; thành lập thư viện công lập; thành lập thư viện ngoài công lập; sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể thư viện; đình chỉ, chấm dứt hoạt động thư viện; thông báo việc thành lập, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể, chấm dứt hoạt động thư viện. Chương 3. Hoạt động thư viện, gồm mười bốn điều (từ Điều 24 đến Điều 37), quy định về nguyên tắc hoạt động thư viện; xây dựng tài nguyên thông tin; xử lý tài nguyên thông tin và tổ chức hệ thống tra cứu thông tin; bảo quản tài nguyên thông tin; tạo lập, cung cấp sản phẩm thông tin thư viện và dịch vụ thư viện; liên thông thư viện; phát triển văn hóa đọc; phát triển thư viện số; hiện đại hóa thư viện; truyền thông thư viện; phối hợp giữa thư viện với cơ quan, tổ chức; nguồn tài chính của thư viện; hợp tác quốc tế về thư viện; đánh giá hoạt động thư viện. Chương 4. Quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động thư viện, gồm mười điều (từ Điều 38 đến Điều 47), chia thành hai mục. Mục 1. Quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của thư viện, người làm công tác thư viện, người sử dụng thư viện, gồm bảy điều (từ Điều 38 đến Điều 44), quy định về quyền của thư viện; trách nhiệm của thư viện; quyền và nghĩa vụ của người làm công tác thư viện; quyền và nghĩa vụ của người sử dụng thư viện; quyền của người sử dụng thư viện đặc thù. Mục 2. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, gồm ba điều (từ Điều 45 đến Điều 47), quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân thành lập thư viện; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trực tiếp quản lý thư viện; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Chương 5. Trách nhiệm quản lý nhà nước về thư viện, gồm ba điều (từ Điều 48 đến Điều 50), quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước về thư viện của Chính phủ; của Bộ, cơ quan ngang Bộ; của Ủy ban Nhân dân các cấp.
Chương 6. Điều khoản thi hành, gồm hai điều (Điều 51, Điều 52), quy định về hiệu lực thi hành; điều khoản chuyển tiếp.
LTV tạo hành lang pháp lý để phát triển sự nghiệp thư viện, phát triển văn hóa đọc, tạo môi trường học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập, nâng cao dân trí; bảo đảm quyền tiếp cận thông tin, lợi ích hưởng thụ văn hóa và học tập suốt đời của nhân dân, trong đó có các đối tượng đặc biệt như trẻ em, người cao tuổi, thương binh, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số,…
LTV là cơ sở để kiện toàn, phát triển hệ thống thư viện của đất nước, ưu tiên đầu tư cho Thư viện Quốc gia Việt Nam, chú trọng thư viện cấp tỉnh và thư viện có vai trò quan trọng; tạo điều kiện thuận lợi để kiện toàn, củng cố thư viện công lập, phát triển thư viện ngoài công lập, tạo hành lang pháp lý cho việc thúc đẩy người dân tham gia vào hoạt động thư viện với tư cách là chủ thể thành lập thư viện, khuyến khích hội nhập quốc tế trong hoạt động thư viện.
LTV là căn cứ pháp lý để hiện đại hóa hệ thống thư viện trong cả nước, đặc biệt, chú trọng phát triển thư viện số; chú trọng bảo quản và phát huy giá trị tài liệu cổ, quý hiếm, các bộ sưu tập tài liệu có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học,…
LTV là căn cứ pháp lý để tổ chức liên thông thư viện trong nước và nước ngoài, xây dựng và phát triển tài nguyên thông tin dùng chung, liên kết phát triển các dịch vụ thư viện, phát huy tối đa nguồn tài nguyên thông tin phục vụ phát triển văn hóa, phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng, phát triển đất nước,… LTV là cơ sở pháp lý để thực hiện quản lý nhà nước về thư viện thống nhất trong cả nước, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc chuẩn hóa hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ thư viện, bảo đảm nguyên tắc lấy người sử dụng làm trung tâm, tạo cơ hội cho người dân tiếp cận và hưởng thụ các giá trị văn hóa, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Pháp lệnh Thư viện, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001.
- Nguyễn Thị Lan Thanh, Quản lý nguồn nhân lực trong cơ quan thông tin thư viện hiện đại, tạp chíVăn hóa nghệ thuật, 2016, số 11 (389), tr.67-69.
- Quỳnh Hoa, Cần thiết ban hành Luật Thư viện, tạo khung pháp lý mới để phát triển văn hóa đọc, báo Tin tức (Thông tấn xã Việt Nam), ngày 11.6.2019, https://baotintuc.vn/chinh-tri/can-thiet-ban-hanh-luat-thu-vien-tao-khung-phap-ly-moi-de-phat-trien-van-hoa-doc-20190611184318837.htm, truy cập ngày 15.10.2020.
- Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Luật Thư viện, Hà Nội, 21/11/2019.
- Bùi Thị Phượng, Vai trò của thư viện trong việc phát triển nguồn tài liệu truy cập mở, tạp chí Văn hóa nghệ thuật,2020, số 3 (429), tr.58-60.
- Phạm Thế Khang, Hành trình 20 năm từ Pháp lệnh đến Luật Thư viện, tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, 2020, số 7 (433), tr.101-105.
- Lê Tùng Sơn, Trần Ngọc Mai, Các chính sách đảm bảo quyền tiếp cận và hưởng thụ các giá trị văn hóa của người dân trong Luật Thư viện năm 2019, tạp chíVăn hóa Nghệ thuật, 2020, tháng 8, số 435, tr.30-33.