Luật quảng cáo quy định về hoạt động quảng cáo; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động quảng cáo; quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo.
Luật Quảng cáo (LQC) được Quốc hội Nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ ba thông qua ngày 21.6.2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 01.01.2013. Luật gồm năm chương, bốn mươi ba điều.
Chương 1. Những quy định chung, gồm mười một điều (từ Điều 1 đến Điều 11), quy định về phạm vi điều chỉnh; giải thích từ ngữ; chính sách của Nhà nước đối với hoạt động quảng cáo; nội dung quản lý nhà nước, trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo; hợp đồng dịch vụ quảng cáo; sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo; hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo; hội đồng thẩm định sản phẩm quảng cáo; tổ chức nghề nghiệp về quảng cáo; xử lý vi phạm trong hoạt động quảng cáo.
Chương 2. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong hoạt động quảng cáo, gồm năm điều (từ Điều 12 đến Điều 16), quy định về quyền và nghĩa vụ của người quảng cáo; quyền và nghĩa vụ của người kinh doanh dịch vụ quảng cáo; quyền và nghĩa vụ của người phát hành quảng cáo; quyền và nghĩa vụ của người cho thuê địa điểm, phương tiện quảng cáo; quyền và nghĩa vụ của người tiếp nhận quảng cáo. Chương 3. Hoạt động quảng cáo, gồm hai mươi hai điều (từ Điều 17 đến Điều 38), chia làm sáu mục:
Mục 1. Phương tiện quảng cáo; yêu cầu về nội dung, điều kiện quảng cáo, gồm bốn điều (từ Điều 17 đến Điều 20), quy định về phương tiện quảng cáo; tiếng nói, chữ viết trong quảng cáo; yêu cầu đối với nội dung quảng cáo; điều kiện quảng cáo.
Mục 2. Quảng cáo trên báo chí, phương tiện điện tử, thiết bị đầu cuối và các thiết bị viễn thông khác, gồm bốn điều (từ Điều 21 đến Điều 24), quy định về quảng cáo trên báo in; trên báo nói, báo hình; trên báo điện tử và trang thông tin điện tử; trên phương tiện điện tử, thiết bị đầu cuối và các thiết bị viễn thông khác.
Mục 3. Quảng cáo trên các sản phẩm in, bản ghi âm, ghi hình và các thiết bị công nghệ khác, gồm hai điều (Điều 25, Điều 26).
Mục 4. Quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng rôn, biển hiệu, hộp đèn, màn hình chuyên quảng cáo và phương tiện giao thông, gồm tám điều (từ Điều 27 đến Điều 34), quy định về quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng rôn; trên màn hình chuyên quảng cáo; hồ sơ thông báo, trình tự thông báo sản phẩm quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng rôn; cấp giấy phép xây dựng công trình quảng cáo; quảng cáo trên phương tiện giao thông; quảng cáo bằng loa phóng thanh và hình thức tương tự; biển hiệu của tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Mục 5. Quảng cáo trong chương trình văn hóa, thể thao, hội nghị, hội thảo, hội chợ, triển lãm, tổ chức sự kiện, đoàn người thực hiện quảng cáo, vật thể quảng cáo, gồm hai điều (Điều 35, Điều 36). Mục 6. Quy hoạch quảng cáo ngoài trời, gồm hai điều (Điều 37, Điều 38), quy định về nội dung và nguyên tắc quy hoạch quảng cáo ngoài trời; trách nhiệm xây dựng và chỉ đạo thực hiện quy hoạch quảng cáo ngoài trời.
Chương 4. Quảng cáo có yếu tố nước ngoài, gồm ba điều (từ Điều 39 đến Điều 41), quy định về quảng cáo của tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam; hợp tác, đầu tư với nước ngoài trong hoạt động quảng cáo; văn phòng đại diện của doanh nghiệp quảng cáo nước ngoài tại Việt Nam.
Chương 5. Điều khoản thi hành, gồm hai điều (Điều 42, Điều 43), quy định về hiệu lực thi hành; quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành.
LQC là cơ sở pháp lý đảm bảo cho hoạt động quảng cáo được tiến hành hiệu quả, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.
LQC là căn cứ pháp lý để Nhà nước quản lý hoạt động quảng cáo một cách hiệu quả, phù hợp tình hình thực tiễn và cam kết quốc tế; đảm bảo sự thống nhất quản lý nhà nước đối với hoạt động quảng cáo trong điều kiện nước ta có nhiều văn bản pháp luật cùng tham gia điều chỉnh hoạt động quảng cáo, Chính phủ có vai trò thống nhất quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo, các bộ, cơ quan ngang bộ, ủy ban nhân dân các cấp có vai trò phân cấp, phối hợp trong quản lý hoạt động quảng cáo.
LQC là căn cứ pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích của tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện quảng cáo; khuyến khích tổ chức, cá nhân áp dụng công nghệ tiên tiến vào thiết kế, xây dựng, phát triển những quảng cáo có chất lượng.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Chính phủ, Nghị định 181/2013/NĐ-CP ngày 14.11.2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo năm 2012.
- Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Luật Quảng cáo năm 2012 và văn bản hướng dẫn thi hành, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2014.
- Ngô Thị Thu Hà, Hoạt động quảng cáo và những vấn đề đặt ra dưới góc độ pháp luật cạnh tranh, tạp chí Tài chính, số 6.2014.
- Nguyễn Ngọc Anh, Quá trình phát triển của pháp luật Việt Nam về quản lý nhà nước đối với hoạt động quảng cáo thương mại, tạp chí Luật học, 2015, số 2, tr.3-10.
- Chính phủ, Nghị định 28/2017/NĐ-CP ngày 20.3.2017 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực văn, hóa thể thao, du lịch và quảng cáo.
- Nguyễn Thị Lan Hương, Pháp luật về quảng cáo: những bất cập và kiến nghị hoàn thiện, tạp chí Nghiên cứu lập pháp,số 10 (362), tháng 5.2018.
- Phạm Thu Hằng, Quảng cáo trên báo điện tử theo pháp luật Việt Nam: Một số vướng mắc và giải pháp hoàn thiện, tạp chí Dân chủ và Pháp luật(Bộ Tư pháp), 2019, số 7 (328), tr. 43-48.