Mục từ này cần được bình duyệt
Luật ngôn ngữ

(language law, language act)

Luật trình bày về mặt pháp lí những luận điểm cơ bản của chính sách ngôn ngữ và công cuộc xây dựng ngôn ngữ do nhà nước chính thức tiến hành, kiến định các quy chế về ngôn ngữ, sự phân bố chức năng giữa các ngôn ngữ; đồng thời đảm bảo gìn giữ, phát triển các ngôn ngữ, các quyền ngôn ngữ của toàn xã hội, của các dân tộc và của cá thể.

Liên quan đến LNN là khái niệm về các ngôn ngữ trong một quốc gia được sử dụng trong bộ luật, trong đó đáng chú ý là hai khái niệm “ngôn ngữ quốc gia” (national language) và “ngôn ngữ chính thức” (official language). Theo đó, năm 1953, văn kiện của Liên Hợp Quốc đề nghị phân biệt hai khái niệm này: Ngôn ngữ quốc gia (national language) là ngôn ngữ có chức năng củng cố tính chỉnh thể hóa hành xử trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế xã hội và văn hóa của một quốc gia thống nhất, là biểu trưng của quốc gia. Ngôn ngữ chính thức (official language) là ngôn ngữ của quản lí quốc gia, trình tự pháp luật và tố tụng.

LNN của của mỗi quốc gia được xây dựng trên cơ sở đặc điểm cảnh huống ngôn ngữ của nước đó, gắn với truyền thống ngôn ngữ văn hoá, nguyên tắc dân chủ của thể chế quốc gia.

LNN tập trung vào các nội dung: Quy định quyền lợi và nghĩa vụ của công dân trong sử dụng ngôn ngữ; Quy định việc sử dụng ngôn ngữ quốc gia trong các cơ quan hành chính nhà nước, trong giáo dục, thông tin đại chúng; Quy định về phạm vi sử dụng ngôn ngữ dân tộc thiểu số, bảo tồn và phát huy ngôn ngữ dân tộc thiểu số; Quy định về việc sử dụng ngôn ngữ nước ngoài (ngoại ngữ); Bảo hộ của nhà nước và pháp luật đối với ngôn ngữ.

Mặc dù đối tượng của LNN là các ngôn ngữ trong một quốc gia, nhưng thực tế cho thấy, các LNN đều tập trung vào ngôn ngữ thực hiện chức năng ngôn ngữ quốc gia  tức là ngôn ngữ quốc gia và/hay ngôn ngữ chính thức. Điều này thể hiện ngay ở tên của các bộ luật. Ví dụ: “LNN văn tự thông dụng quốc gia” của nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa (2001), “LNN chính thức” của nước Cộng hòa Adecbaizan (1992; 2002), “LNN nhà nước” của Liên bang Nga (2005), “LNN chính thức” của Latvia,v.v. Nói một cách khác, ngôn ngữ quốc gia (hay quốc ngữ) và/hay ngôn ngữ chính thức là sứ mệnh của LNN.

Mặc dù vậy, đối với quốc gia đa ngữ, trong LNN không thể không nhắc đến ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số và ngoại ngữ (ngôn ngữ nước ngoài/ tiếng nước ngoài). Các ngôn ngữ này được LNN đề cập một cách ngắn gọn, có thể là một điều khoản riêng, cũng có thể chỉ là một nội dung có liên quan đến ngôn ngữ quốc gia, ngôn ngữ chính thức. Chẳng hạn, đối với ngôn ngữ các dân tộc thiểu số, tại điểm 2 của Điều 2 LNN Ba Lan có ghi “Đạo luật không ảnh hưởng đến (…) các quyền lợi của người dân tộc thiểu số trong quốc gia và cộng đồng dân tộc sử dụng ngôn ngữ địa phương”. Đối với ngoại ngữ, “LNN văn tự thông dụng nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” quy định: “(…) các trường hợp cần sử dụng ngôn ngữ văn tự nước ngoài trong các xuất bản phẩm tiếng Hán bắt buộc phải có phần chú thích bằng ngôn ngữ văn tự thông dụng quốc gia” (Điều 11); “(….) Các trường hợp cần sử dụng tiếng nước ngoài để phát thanh phải được cơ quan quản lí phát thanh truyền hình của Quốc vụ viện phê chuẩn”; “Do yêu cầu công việc, các biển hiệu, quảng cáo, thông báo, biển báo nếu đồng thời sử dụng cả chữ nước ngoài và chữ Hán thì chữ Hán phải là chữ Hán quy phạm” (Điều 13).

Tập trung vào ngôn ngữ quốc gia, ngôn ngữ chính thức, LNN hướng tới địa vị của ngôn ngữ quốc gia, của ngôn ngữ chính thức, quyền ngôn ngữ của công dân và việc sử dụng ngôn ngữ trong giao tiếp chính thức. Các nội dung này được cụ thể hóa trong luật, thường gồm:

- Quy định về tên gọi đối với ngôn ngữ quốc gia, ngôn ngữ chính thức. Cho tới nay, hầu hết các bộ LNN đều sử dụng tên quốc gia làm tên ngôn ngữ.

- Quy định về chức năng, phạm vi sử dụng của ngôn ngữ quốc gia, ngôn ngữ chính thức: tập trung vào luật hoá giao tiếp công cộng mang tính chính thức mà không luật hóa các vấn đề về giao tiếp cá nhân.

Giao tiếp công cộng được nhắc đến như: Trong hoạt động của các cơ quan quyền lực nhà nước từ trung ương đến địa phương; Trong các cơ quan lập pháp, trong toà án, cơ quan tư pháp; Trong lực lượng vũ trang; Trong giáo dục; Trong hoạt động của các cơ quan phát thanh truyền hình; Trong các ấn phẩm như tạp chí, sách báo,..; Trong quảng cáo, các lĩnh vực dịch vụ; Sử dụng trên nhãn hàng hoá; Tên riêng, trong đó bao gồm cả các đối tượng địa lí, biển chỉ đường; Trong kí hợp đồng lao động; Trong thư từ trao đổi quốc tế; Trong hoạt động công chứng; Trong chứng minh thư, hộ chiếu và tất cả những thông tin liên quan (sổ công việc, bằng tốt nghiệp, giấy khai sinh, giấy kết hôn, chứng từ,..); Trong các lễ hội chính thức và các hoạt động được thực hiện bởi lãnh đạo nhà nước, chính quyền địa phương.

- Quy định về việc bảo vệ và phát triển ngôn ngữ quốc gia, ngôn ngữ chính thức, như: Đảm bảo cho ngôn ngữ quốc gia, ngôn ngữ chính thức thực hiện tốt được chức năng, phạm vi sử dụng; Có biện pháp và tạo mọi điều kiện để ngôn ngữ quốc gia, ngôn ngữ chính thức phát triển, chuẩn hoá và hiện đại hoá; Thành lập các cơ quan, tổ chức để giám sát việc thực hiện LNN trong đó có việc quản lí, chỉ đạo việc chuẩn hoá ngôn ngữ quốc gia, ngôn ngữ chính thức.

- Quy định về về việc xử phạt đối với các hành vi vi phạm LNN: Các bộ luật ngôn ngữ đều có điều khoản về việc việc xử phạt đối với các hành vi vi phạm LNN. Thường có hai loại xử phạt cho hai loại vi phạm: loại vi phạm ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, đến sự đoàn kết dân tộc và loại vi phạm mang tính cá nhân.

Loại vi phạm ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, đến sự đoàn kết dân tộc, đến hợp đồng kinh tế,… đến quyền con nguời về ngôn ngữ thì mức độ xử phạt như các bộ luật khác. Loại vi phạm mang tính cá nhân trong sử dụng ngôn ngữ thì nghiêng về “khuyên bảo”, “nhắc nhở”, mức cao nhất là phải cải chính, phê bình, cảnh cáo. Đây là điểm khác với các bộ luật khác.

Không chỉ dừng lại ở nội dung ngôn ngữ, LNN còn hướng đích đến các vấn đề của quốc gia có liên quan đến ngôn ngữ như:

- Về văn hóa, luật hóa đối với ngôn ngữ quốc gia, ngôn ngữ chính thức chính là nhằm góp phần vào bảo vệ và phát triển văn hóa.

- Về lợi ích dân tộc quốc gia, các bộ luật đều khẳng định rằng, ngôn ngữ có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc và hợp nhất về dân tộc, vì thế, cần phải luật hóa để góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia, chủ quyền dân tộc.

- Về quyền công dân đối với ngôn ngữ, các bộ luật đều khẳng định, LNN bảo vệ và phát huy quyền ngôn ngữ của người dân.

Tài liệu tham khảo

1. A.N Baskakov, Xây dựng luật ngôn ngữ ở Liên bang Nga trong Cảnh huống và chính sách ngôn ngữ ở các quốc gia đa dân tộc”, Hà Nội, 1997, tr.14-26.

2. Nguyễn Văn Khang, Kế hoạch hoá ngôn ngữ- Ngôn ngữ học xã hội vĩ mô, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2003.

3. Nguyễn Văn Khang,Những vấn đề về luật ngôn ngữ và kinh nghiệm xây dựng luật ngôn ngữ của một số quốc gia, Ngôn ngữ và Đời sống số 8+9,2012.

4. Nguyễn Văn Khang, Chính sách ngôn ngữ và lập pháp ngôn ngữ ở Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, 2014.

5. Mellinkoff, David, The language of the Law, Boston/Toronto: Little, Brown and Company, 1963.

6. Bowers. Frederick, Linguistic aspects of Lesgilative Expretion, Vancouver: Vancouver Community College, 1989.

7. Bernard Spolsky, Language Policy, Cambridge University Express, 2004.

8. Wu weiping, 语言与 法律 (Ngôn ngữ và pháp luật; Language and the Law), Nxb Giáo dục ngoại ngữ Thượng Hải, 2004 (bản tiếng Hán).

9. Amy B.M, James W.Tllefson, Language Policy Culture and Identity in Asian Context, Lawrence Erlbaum Associates, London, 2007.