Mục từ này cần được bình duyệt
Luật lao động

, ngành luật độc lập trong hệ thống pháp luật Việt Nam, bao gồm tổng thể các quy phạm pháp luật điều chỉnh quan hệ lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động thuê mướn có trả công lao động và những quan hệ xã hội khác có liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động.

Về phương diện lịch sử, LLĐ ra đời gắn liền với cách mạng công nghiệp khi mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động thay đổi từ quy mônhỏ, lẻ sang cấp độ nhà máy quy mô lớn. Người lao động tìm kiếm điều kiện làm việc tốt hơn với sự tham gia của tập thể lao động thông qua tổ chức đại diện, người sử dụng lao động tìm kiếm một lực lượng lao động dễ dự đoán hơn, linh hoạt hơn và ít tốn kém hơn. Tính chất của mối quan hệ lao động đã thay đổi, các xung đột và bất đồng trong quan hệ lao động không chỉ là cá nhân mà ngày càng mang tính xã hội sâu sắc và tác động đến tất cả các phương diện kinh tế, chính trị, xã hội. Do đó, quan hệ lao động là sự tham gia và tương tác của ba chủ thể: Nhà nước – giới chủ - giới thợ. LLĐ xuất hiện để điều chỉnh các mối quan hệ xã hội này nhằm đảm bảo cho nó diễn ra ổn định, hài hòa trong hòa bình công nghiệp.

Về phạm vi điều chỉnh của LLĐ cũng có những cách tiếp cận khác nhau. Tuy nhiên, phổ biến trên thế giới phạm vi điều chỉnh của LLĐ bao gồm hai nhóm quan hệ chính: 1) Tiêu chuẩn lao động và 2) Quan hệ lao động. Trong đó, quy định tiêu chuẩn lao động chủ yếu nhằm giải quyết mối quan hệ giữa nhà nước với các bên của quan hệ lao động thuộc phạm trù luật công và được điều chỉnh bằng phương pháp mệnh lệnh, hành chính. Quy định về quan hệ lao động là khung khổ pháp lý để điều chỉnh mối quan hệ giữa các bên của quan hệ lao động với nhau, thuộc phạm trù luật tư và được điều chỉnh chủ yếu bằng phương pháp thoả thuận.

Quan hệ lao động do LLĐ điều chỉnh là quan hệ lao động cá nhân và quan hệ lao động tập thể. LLĐ nghiên cứu các vấn đề pháp lý của các mối quan hệ lao động trên như: Điều kiện chủ thể, hình thức pháp lý, nội dung quan hệ, giải quyết tranh chấp lao động, đình công trong quá trình xác lập,thực hiện, chấm dứt quan hệ lao động. Các nội dung pháp lý nói trên được nghiên cứu trên cơ sở tuân thủ các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản của ILO. Các quan hệ liên quan đến quan hệ lao động lao động là các quan hệ trực tiếp hoặc gián tiếp nảy sinh, xuất hiện gắn liền với quan hệ lao động.

Luật lao động không phải là một ngành luật hoàn toàn độc lập, riêng rẽ mà nói có mối liên hệ mật thiết với Luật An sinh xã hội, Luật Dân sự, Luật Tố tụng dân sự nhằm điều chỉnh toàn diện các mối quan hệ lao động và các quan hệ liên quan đến quan hệ lao động.

Tài liệu tham khảo:

1. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật lao động Việt Nam, Nhà xuất bản CAND, Hà Nội, 2013

2. Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, Giáo trình Luật lao động, Nhà xuất bản Hồng Đức, 2013

3. Bộ luật Lao động năm 2019, Bộ luật số: 45/2019/QH14