Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Liệt sĩ

Liệt sĩ , là người hi sinh (hoặc chết do vết thương cũ tái phát) vì làm nhiệm vụ cách mạng, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ tổ quốc, bảo vệ tài sản nhà nước, tính mạng và tài sản của nhân dân.

Do phải tiến hành nhiều cuộc chiến tranh ác liệt kéo dài như: kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), kháng chiến chống đế quốc Mỹ (1954-1975), chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam (1977-1979) và chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc (1978-1979); làm nhiệm vụ quốc tế giúp nhân dân Trung Quốc (1949), nhân dân Lào (1945-1954, 1960-1975) và nhân dân Campuchia (1945-1954, 1970-1975, 1979-1989), nên nhiều cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đã anh dũng hi sinh trên khắp các chiến trường. Việt Nam có trên một triệu liệt sĩ đã hi sinh; tỉnh có nhiều Liệt sĩ hi sinh nhất là tỉnh Quảng Nam (65.000 người), riêng gia đình mẹ Nguyễn Thị Thứ có chồng, chín con đẻ, một con rể, hai cháu ngoại là Liệt sĩ. Liệt sĩ đầu tiên của Quân đội nhân dânViệt Nam là Hoàng Văn Nhủng, hi sinh trong trận đánh đồn Đồng Mu (Bảo Lạc, Cao Bằng) vào đêm 4, rạng sáng ngày 5.2.1954. Liệt sĩ có quân hàm cao nhất: Trung tướng Nguyễn Bình, hi sinh 9.1951; Trung tướng Đào Trọng Lịch, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam hi sinh 5.1998, khi đi công tác tại Lào.

Với truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn quan tâm đến công tác chính sách thương binh, Liệt sĩ. Ngày 16.2.1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chính thức ký Sắc lệnh số 20/SL quy định chế độ hưu bổng, thương tật và tiền tuất tử sĩ. Đây là văn bản pháp quy đầu tiên Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa đối với thương binh và gia đình Liệt sĩ. Tháng 6.1947, đại biểu Tổng bộ Việt Minh, các tổ chức đoàn thể và một số địa phương họp tại Đại Từ (Bắc Thái) đã chọn ngày 27.7 là ngày “Thương binh toàn quốc”. Từ đó hàng năm cứ vào dịp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều gửi thư, quà thăm hỏi, động viên, nhắc nhở mọi người phải biết ơn và hết lòng giúp đỡ thương binh, gia đình Liệt sĩ. Từ tháng 7.1955, Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đổi “Ngày Thương binh toàn quốc” thành “Ngày Thương binh, Liệt sĩ” để ghi nhận những hi sinh lớn lao của đồng bào, chiến sĩ cả nước. Thân nhân gia đình Liệt sĩ được chính phủ tặng bằng Tổ quốc ghi công, được hưởng quyền lợi theo chế độ, chính sách quy định. Hiện cả nước có 9.637 công trình ghi công Liệt sĩ, bao gồm đài tưởng niệm, nhà bia ghi tên Liệt sĩ, nghĩa trang Liệt sĩ. Nhiều công trình trở thành công trình văn hóa, có giá trị về mỹ thuật, giáo dục truyền thống: Nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên), Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn (Gio Linh, Quảng Trị), Nghĩa trang liệt sĩ Đường 9 (Đông Hà, Quảng Trị), Đền liệt sĩ Bến Dược (Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh), Khu tưởng niệm liệt sĩ thanh niên xung phong tại ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh), Truông Bồn (Nghệ An), Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên (Hà Giang), Nghĩa trang liệt sĩ Hàng Dương (Côn Đảo, Bà Rịa Vùng Tàu), Nghĩa trang liệt sĩ Quốc tế Việt - Lào (Anh Sơn, Nghệ An)...

Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, việc quan tâm chăm sóc người có công với cách mạng nói chung, gia đình liệt sĩ nói riêng là trách nhiệm của các cấp, các ngành, tổ chức chính trị - xã hội và của mọi người, của thế hệ hôm nay và mai sau. (758 chữ)

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Từ điển bách khoa việt Nam 4 tập, bản điện tử.
  2. Bộ Quốc phòng - Trung tâm từ điển Bách khoa quân sự, Từ điển bách khoa quân sự Việt nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004.
  3. Từ điển Thuật ngữ quân sự, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2007.
  4. Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, 2020, Điều 14, 15, 16.
  5. Một số báo internet.