Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Liên minh chống Pháp (1792-1815)

Liên minh chống Pháp (1792-1815) tên gọi của 7 lần liên minh của các nước châu Âu chống nước Pháp cách mạng và sự mở rộng ảnh hưởng của Hoàng đế Napoleon. Hầu hết các quốc gia trong liên minh theo chế độ phong kiến, lo sợ sự lan rộng tư tưởng tiến bộ của nước Pháp và dẫn đến bùng nổ đấu tranh cách mạng ở châu Âu. Hai nước tư bản Anh và Hà Lan không muốn nước Pháp tư bản ở châu Âu được hình thành, phát triển và đe dọa địa vị của họ.

Bảy lần liên minh cụ thể qua các năm: 1792 - 1797, 1798 - 1803, 1805, 1806 - 1807, 1809, 1813 - 1814 và 1815. Pháp giành được thắng lợi trước 5 liên minh ban đầu trong giai đoạn 1792 - 1810. Sau thất bại trong chiến dịch tại Nga năm 1812, Napoleon và Pháp thua trước hai liên minh lần 6 và 7.

Liên minh lần 1 (1792 -1797) thành lập tháng 5.1792 sau khi Hội đồng Lập pháp nước Pháp tuyên bố chiến tranh với hoàng đế Đức Francis II. Liên minh bao gồm Áo, Phổ (1792), Anh và Hà Lan (2.1793), Tây Ban Nha (3.1793), Bồ Đào Nha, vương quốc Sicilies và Sardinia, Naples, Tuscany. Pháp giành chiến thắng ban đầu ở Valmy và Jemmapes năm 1792, nhưng gặp bất lợi năm 1793 - 1794. Tháng 2.1795, Tuscany rút khỏi liên minh, sau đó lần lượt là Phổ (tháng 4), Hà Lan (tháng 5), Tây Ban Nha (tháng 8). Năm 1796, hai vương quốc Italy là Piedmont và Sardinia rời liên minh; Áo bị buộc ra khỏi liên minh tháng 10.1797. Chỉ có duy nhất Anh đơn độc chống lại nước Pháp năm 1797. Kết thúc, Pháp chiếm được Bỉ, tả ngạn sông Rhine, Savoy, vùng Nice, và thiết lập ảnh hưởng đối với các nhà nước mới ở Bắc Italy.

Liên minh lần 2 (1798 - 1802) gồm Anh, Nga (9.1798 - 3.1799), Ottoman, Áo (3.1799), Napoli và Thụy Sỹ, cùng một số vương quốc Đức. Ban đầu Pháp thất bại ở Italy, giành thắng lợi trước liên quân Áo - Nga (9.1799) và Anh - Nga (10.1799). Pháp xâm lược Ai Cập đầu năm 1800 và đánh bại Áo tại trận Marengo. Vua của xứ Naples ký hiệp ước hòa bình Florence với Pháp năm 1801. Nga, Ottoman ký hiệp ước Paris ngày 8 và 9.10.1801. Anh ký hiệp ước Amiens (25.3.1802), trả lại Pháp toàn bộ thuộc địa.

Liên minh lần 3 (1805) bắt đầu một giai đoạn mới trong các liên minh chống Pháp: chống lại sự mở rộng của Hoàng đế Napoleon Bonaparte. Tháng 5.1803, quan hệ Anh-Pháp đổ vỡ. Anh tìm kiếm liên minh từ các cường quốc bị Pháp chèn ép. Liên minh bao gồm Anh, Nga, Áo, Naples và Thụy Điển. Tháng 9.1805: Pháp tấn công Nam Đức, giam cầm và buộc quân Áo tại Ulm phải đầu hàng, chiếm Vienna (11.1805). Liên minh Áo-Nga thảm bại tại Austerlitz tháng 12.1805. Ngược lại, Pháp-Tây Ban Nha bại trận hải quân nổi tiếng tại Trafalgar (21.10.1805), buộc phải từ bỏ âm mưu xâm lược Anh. Áo ký với Pháp Hiệp ước Pressburg (26.12.1805), chấp nhận ra khỏi Đức. Liên minh chỉ còn Anh, Nga, Thụy Điển và người Napoli tiếp tục chống Pháp.

Liên minh lần 4 (1806-1807) thành lập khi Phổ từ chối tái cấu trúc nước Đức như Napoleon sắp xếp và tham gia với các nước còn lại của Liên minh lần 3 (tháng 10.1806). Chiến tranh nổ ra tại hai chiến trường chính: Phổ và Nga. Phổ thất bại 3 trận liên tiếp tại Saalfeld, Jena và Auerstedt. Pháp tiến vào Berlin chỉ sau 19 ngày chiến tranh. Năm 1807, Pháp liên tiếp đánh thắng Nga tại Ba Lan, Friedland (14.2). Nga phải ký hòa ước Tilsit (7.7.1807), dẫn đến hình thành liên minh Pháp-Nga. Thụy Điển ký hòa ước với Pháp tháng 4.1807, để lại Anh và Naples tiếp tục chống Pháp.

Liên minh lần 5 (tháng 4.1809) thành lập với hai nước là Anh và Áo sau khi Pháp thất bại tại Tây Ban Nha năm 1808. Pháp giành được thắng lợi trước Áo tại Eckmuhl (22.4) và Wagram (tháng 7.1809), buộc Áo phải ký hiệp ước Vienna (14.10), chấp nhận mất đất cho Pháp và đồng minh (Tyrol, Salsburg, một phần Ba Lan, Trieste, Dalmatia) và bồi thường chiến phí để được hòa bình. Anh tiếp tục đơn độc chống Pháp.

Liên minh lần 6 (1813 - 1814) gồm Anh, Áo, Phổ (tháng 2.1813), Áo, Thụy Điển (8.1813), Bavaria, và nhiều vương quốc Đức (tháng 10). Liên minh Pháp - Nga từ 1807 tan vỡ khi Nga hoàng từ chối phong tỏa lục địa như yêu cầu của Napoleon, dẫn đến cuộc chiến tranh năm 1812. Ban đầu Pháp giành thắng lợi trước Liên minh tại Lutzen, Bautzen, Dresden. Pháp thất bại thảm hại tại Leipzig (tháng 10.1813) – trận đánh Liên quốc gia giữa một bên là Pháp – Italy – Napoli – Sachsen - công quốc Warszawa và một bên là Nga - Áo - Phổ - Thụy Điển. Pháp bị đuổi khỏi Đức, thất bại nhiều trận khác tại bán đảo Iberia. Bốn nước Anh, Nga, Áo, Phổ ký Hiệp ước Chaumont quyết định không giảng hòa với Pháp, quyết tâm đánh bại Napoleon. Liên quân chiếm Paris tháng 3.1814, Napoleon phải thoái vị, nhường ngôi cho Louis XVII. Lần đầu tiên Liên minh chống Pháp giành được thắng lợi cuối cùng.

Liên minh lần 7 (1815) thành lập khi các nước đang họp ở Vienna bàn về tương lai của châu Âu. Napoleon trốn khỏi đảo Elba và tập hợp quân đội nhằm khôi phục quyền lực. Là Liên minh chống Pháp to lớn nhất, gồm Anh, Áo, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Phổ, Nga, Thụy Điển, Hà Lan, Saxony, Bavaria, Baden, Wurttemberg, Phần Lan, Naples và một loạt vương quốc Đức. Mỗi nước huy động 150.000 quân tham gia liên minh. Bốn nước chủ chốt Anh, Nga, Áo, Phổ ký hiệp ước Vienna, khẳng định quyết tâm đánh bại Napoleon. Trận đánh tiêu biểu Waterloo (18.6.1815) chấm dứt hành trình 100 ngày giành lại quyền lực của Napoleon. Ngày 22.6, ông bị buộc phải thoái vị lần 2, bị đi đày ở đảo Saint Helena. Ngày 6.7, liên quân tiến vào Paris. Hiệp ước Paris được ký kết (20.11.1815) cắt Savoy, Nice cho các nước Liên minh. Là liên minh chống Pháp cuối cùng khi Napoleon bị đánh bại và không còn khả năng tấn công các quốc gia châu Âu khác.

Liên minh chống Pháp và các cuộc chiến tranh đi kèm (1792 - 1815) là một trong những dấu ấn lịch sử tiêu biểu nhất trong sự phát triển của châu Âu cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX. Chiến tranh Napoleon đã gieo mầm dân chủ, cộng hòa của cách mạng Pháp đến các nước châu Âu lục địa. Liên minh chống Pháp không chỉ chống lại sự lan rộng của cách mạng mà còn chống lại sự hình thành và phát triển của một cường quốc hàng đầu thế giới ở châu Âu.


Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. M.C. Thoral (Godfrey Rogers translated), From Valmy to Waterloo: France at War, 1792-1815 (Từ Valmy đến Waterloo: Nước Pháp trong chiến tranh, 1792-1815), New York, 2011.
  2. I.D. Salavrakos, “A Reassessment of the British and Allied Economic and Military Mobilization in the Revolutionary and Napoleonic Wars (1792-1815)” (Nhìn lại về việc huy động sức mạnh kinh tế và quân sự của nước Anh và Liên minh trong thời kỳ cách mạng và chiến tranh Napoleon 1792-1815), Res Militatis, 7 (2017), pp. 1-27.
  3. A. Mikaberidze, The Napoleonic Wars: A Global History (Chiến tranh Napoleon: Lịch sử toàn cầu), Oxford, 2020.