Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Liên minh Châu Âu

Liên minh Châu Âu là liên minh chính trị và kinh tế bao gồm 27 quốc gia ở thành viên châu Âu, cg. Liên hiệp châu Âu (tiếng Anh: European Union) (vt. EU), được thành lập ngày 1.11.1993 bằng việc các nước tham gia ký Hiệp ước Maastricht nhằm đảm bảo duy trì hòa bình ở châu Âu và thúc đẩy tiến bộ kinh tế xã hội, đồng thời tiến tới nhất thể hóa.

EU một tổ chức kinh tế, chính trị lớn và quan trọng hàng đầu thế giới, với 1/5 nước là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc, 3/7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) và 3/20 nước trong nhóm G20. Tính cho tới thời điểm năm 2020, Eu có diên tích là 4.143.600 km2 với dân số là 437.9 triệu người.

Lịch sử của ý tưởng nhất thể hóa châu Âu có từ thời cổ đại và mô hình này đã nhiều lần được thử nghiệm trong tiến trình phát triển lịch sử của châu Âu thông qua các cuộc chiến tranh sáp nhập lãnh thổ hoặc chiến tranh tôn giáo. Tuy nhiên, phải cho đến sau Chiến tranh thế giới thứ Hai, ý tưởng hình thành một châu Âu thống nhất trong hòa bình mới chính thức được ra đời. Chiến tranh thế giới thứ Hai kết thúc đã đưa tới sự thay đổi lớn trong tương quan lực lượng trên thế giới. Sự lớn mạnh vượt trội của Mỹ và Liên Xô cùng với cuộc chiến tranh Lạnh bắt đầu từ năm 1947 đã khiến châu Âu, vốn kiệt quệ và chia rẽ sau chiến tranh, phải tìm cho mình một hướng đi trong trật tự thế giới mới. Ý tưởng ban đầu của các nước muốn hình thành một tổ chức chung của châu Âu là nhằm ngăn chặn nguy cơ chiến tranh trong nội bộ châu Âu, liên kết thương mại và thị trường chung nhằm khôi phục lại địa vị của châu Âu, đồng thời thúc đấy liên kết Đông-Tây ở châu Âu.

Năm 1950, Pháp chính thức đưa ra kế hoạch thành lập Cộng đồng châu Âu dựa trên dựa trên sự liên kết phụ trách chung trong lĩnh vực than và thép ở Tây Đức và ở Pháp. Ngày 18.4.1951, Cộng đồng than thép châu Âu chính thức ra đời gồm 6 nước Tây Đức, Pháp, Italia, Bỉ, Hà lan, Luxembourg với mục tiêu về kinh tế là bãi bỏ hàng rào thuế quan giữa các nước thành viên trong lĩnh vực than-thép, xây dựng một khái niệm “tự do cạnh tranh” trong lĩnh vực này với mục đích xây dựng một châu Âu độc lập về kinh tế; về chính trị là nhằm chấm dứt sự bất đồng về nguyên liệu chiến lược giữa Pháp và Đức, thiết lập một châu Âu hòa bình và là bước đầu tiên để nhất thể hóa châu Âu. Trên nền tảng của Cộng đồng than thép châu Âu, quá trình hình thành EU phát triển nhanh chóng. Năm 1957, Công đồng kinh tế châu Âu ra đời (EEC) thông qua việc ký Hiệp ước Roma nhằm nhất thể hóa kinh tế, xóa bỏ hàng rào thuế quan, xây dựng chính sách chung trong lĩnh vực nông nghiệp và tiến tới thành lập nhà nước liên bang. Năm 1967, Cộng đồng châu Âu (EC) ra đời với sự hợp nhất của EEC, Cộng đồng Than Thép và Tổ chức năng lượng nguyên tử Châu Âu. Sau khi EU chính thức ra đời năm 1993, quá trình nhất thể hóa trên các mặt diễn ra mạnh mẽ hơn.

Năm 1985, Thỏa thuận châu Âu không biên giới (Schengen) được ký kết và hoàn thiện bởi Công ước Schengen ký năm 1990. Đây được coi là một trong những thành công nhất trong quá trình nhất thể hóa châu Âu, là biểu tượng của tự do châu Âu. Hiệp ước Schengen có 26 thành viên tham gia, trong đó có 22 nước trên tổng số 27 thành viên của Liên minh châu Âu và 4 nước liên kết (Iceland (1999), Na Uy (1999), Thụy Sĩ (2008) và Liechtenstein (2011).

Năm 1999 đồng tiền chung châu Âu (EURO) ra đời và hiện đang được sử dụng chính thức trong 18 quốc gia thành viên EU và 6 nước và lãnh thổ không thuộc EU, tạo thành khu vực Eurozone, được điều phối bởi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thành lập năm 1998 và trụ sở đặt tại Frankfurt (Đức).

Ngày 1.7.2013 EU đạt mốc 28 thành viên, bao gồm: Đức, Áo, Bỉ, Bulgaria, Síp, Croatia, Đan Mạch, Tây Ban Nha, Estonia, Phần Lan, Pháp, Hy Lạp, Hungaria, Ireland, Italia, Latvia, Lithuania, Luxembourg, Malta, Hà Lan, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Anh, Séc, Slovakia, Slovenia và Thụy Điển. Ngày 31.1.2020, nước Anh rời khỏi châu Âu (Brexit) và EU còn lại 27 thành viên.

EU hiện nay là nền kinh tế lớn nhất thế giới và là thực thể chính trị đặc thù với liên kết sâu và rộng. Hệ thống chính trị của EU vận hành dựa trên hai hiệp ước “Hiệp ước về Liên minh châu Âu” và “Hiệp ước về phương thức làm việc của Liên minh châu Âu”. EU được vận hành bởi năm định chế chính: Hội đồng châu Âu, Hội đồng Bộ Trưởng, Nghị viện châu Âu, Ủy ban châu Âu và Tòa Công lý châu Âu.

Mục tiêu và các giá trị của EU là thúc đẩy hòa bình và phúc lợi xã hội; đảm bảo tự do, an ninh và nhà nước pháp quyền; không tồn tại biên giới nội khối; hòa nhập, khoan dung, đoàn kết và không phân biệt đối xử đối với các quốc gia thành viên. EU cũng đấu tranh cho bình đẳng và sử dụng nguyên tắc bình đẳng là một trong những cơ sở để hội nhập châu Âu.

Ngày 28.11.1990, Việt Nam và EU chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Năm 1996, EU chính thức mở Phái đoàn Đại diện thường trực tại Hà Nội. Kể từ đó đến nay, quan hệ hai bên đã đi vào khuôn khổ, phát triển nhanh chóng cả về chiều rộng và chiều sâu. EU trở thành một trong các đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế, thương mại, đầu tư, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Các hiệp định quan trọng giữa Việt Nam và EU được ký kết: Hiệp định Hiệp định Đối tác và hợp tác toàn diện Việt Nam-EU (PCA) (2010), có hiệu lực từ năm 2016; Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVIPA) (2020) đã mở ra một chương mới trong quan hệ Việt Nam-EU.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Jacques Sapir, La fin de l'euro-libéralisme (Kết cục của chủ nghĩa tự do châu âu), Seuil, Paris, 2006.
  2. Christian Saint-Étienne, La Fin de l'euro (Kết cục của đồng euro), Bourin Éditeur, 2009.
  3. Christine Kaddous & Fabrice Picod, Union européenne: Recueil de textes (Liên minh châu Âu : Tuyển tập văn bản), Lexisnexis Edition, 2012.
  4. Eurozone recession fears fade as growth picks up (Lo ngại suy thoái khu vực đồng euro giảm dần cùng với tăng trưởng kinh tế), https://www.washingtonpost.com/business/ eurozone-economy-picks-up-in-q1-growth-doubles-to-04percent/