Liên hiệp Quốc tế khoa học Địa chất (International union of geological sciences - IUGS) là tổ chức nghề nghiệp phi chính trị, phi chính phủ và phi lợi nhuận của các nhà địa chất trên thế giới. Đây là một trong những tổ chức khoa học lớn nhất thế giới. Kể từ khi thành lập, Liên hiệp Quốc tế khoa học Địa chất đã có sự phát triển nhanh chóng về số lượng thành viên, phạm vi khoa học, uy tín quốc tế và là một trong những tổ chức thành viên lớn nhất của Hội đồng Khoa học Quốc tế (ISC).
Sứ mạng của Liên hiệp Quốc tế khoa học Địa chất là nhằm thúc đẩy sự phát triển của khoa học Trái đất bằng cách hỗ trợ các hoạt động khoa học trên quy mô lớn liên quan đến toàn bộ hệ thống Trái đất. Áp dụng các kết quả nghiên cứu địa chất cùng với kết quả nghiên cứu khác để bảo tồn môi trường tự nhiên của Trái đất, sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên một cách thông minh nhằm cải thiện sự thịnh vượng của các quốc gia và chất lượng cuộc sống của con người. Liên hiệp Quốc tế khoa học Địa chất thúc đẩy đối thoại và trao đổi về khoa học Trái đất trên thế giới thông qua các dự án và hội thảo quốc tế, tài trợ cho các hội nghị chuyên đề và các chuyến đi thực tế khoa học, xuất bản các ấn phẩm. Liên hiệp Quốc tế khoa học Địa chất quan tâm giải quyết các lĩnh vực từ nghiên cứu cơ bản đến ứng dụng cho kinh tế và công nghiệp, từ các vấn đề khoa học, môi trường, xã hội đến giáo dục và phát triển.
Lĩnh vực ưu tiên của Liên hiệp Quốc tế khoa học Địa chất:
- năng cao hiểu biết về các quá trình địa chất diễn ra trên Trái đất
- khuyến khích xây dựng và thử nghiệm các khái niệm, mô hình, phương pháp luận mới trong địa chất
- nghiên cứu các vấn đề kinh tế, môi trường cần đến kiến thức địa chất
- thúc đẩy sự đồng thuận quốc tế về danh pháp, phân loại trong địa tầng, thạch học, kiến tạo
- tạo cơ chế tạo thuận lợi cho hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, trao đổi về địa chất
- cải tiến công tác xuất bản, phổ biến và sử dụng thông tin địa chất trên phạm vi quốc tế
- khuyến khích các mối quan hệ mới trong các khoa học liên quan đến địa chất trên quy mô thế giới
- thu hút sinh viên có năng lực và các nhà nghiên cứu tâm huyết với khoa học địa chất, thúc đẩy giáo dục xuất sắc cho sinh viên địa chất
- nâng cao nhận thức của các nhà khoa học toàn thế giới về những chương trình đang được thực hiện trong lĩnh vực địa chất ở mỗi quốc gia
- thúc đẩy sự hiểu biết của công chúng về Trái đất, môi trường Trái đất trong không gian
- nâng cao hơn nữa phúc lợi công cộng bằng cách đảm bảo địa chất có đóng góp thích hợp vào chính sách công mang tính chất quốc tế.
Liên hiệp Quốc tế khoa học Địa chất được thành lập vào tháng 3 năm 1961 để đáp ứng nhu cầu điều phối lâu dài các chương trình nghiên cứu địa chất quốc tế. Hiện nay, Liên hiệp Quốc tế khoa học Địa chất có 121 quốc gia thành viên và vùng lãnh thổ với trên 1 triệu nhà khoa học Trái đất tham gia. Ngoài ra, có khoảng 60 tổ chức quốc tế chuyên ngành khoa học Trái đất liên kết với Liên hiệp Quốc tế khoa học Địa chất.
Liên hiệp Quốc tế khoa học Địa chất được điều hành bởi một ban lãnh đạo được bầu chọn gồm một chủ tịch, một thủ quỹ, một tổng thư ký, chủ tịch và tổng thư ký tiền nhiệm, hai phó chủ tịch và bốn ủy viên cùng các ban chức năng. Liên hiệp Quốc tế khoa học Địa chất có cơ cấu gồm bảy ủy ban: Giáo dục, Đào tạo và chuyển giao Công nghệ Khoa học Trái đất (COGE), Di sản Địa chất (ICG), Lịch sử các khoa học Địa chất (INHIGEO), Thông tin Địa học (CGI), Địa tầng Quốc tế (ICS), Nền Địa hóa toàn cầu (GGB); Kiến tạo và Địa chất cấu trúc (TECTASK); hai chương trình Quốc tế: Chương trình Khoa học Địa chất Quốc tế (IGCP1) và Thạch quyển Quốc tế, hai nhóm nhiệm vụ: Địa chất Đồng vị và Địa niên biểu (TGIG), Đá magma xâm nhập (TGIR); và một tổ chức liên kết: Đại hội Địa chất Quốc tế (IGC2). Địa chất pháp y là sáng kiến mới của Liên hiệp Quốc tế khoa học Địa chất.
Liên hiệp Quốc tế khoa học Địa chất xuất bản tạp chí khoa học “Episodes” và các sách trong lĩnh vực khoa học Trái đất.
Tổng hội Địa chất Việt Nam là thành viên của Liên hiệp Quốc tế khoa học Địa chất từ năm 1989.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- IUGS Brochure (A more detailed explanation of the IUGS, version 2019).
- http://www.iugs.org (truy cập 26/8/2021).
- http://www.wikipedia.org/wiki/International_Union_of_Geological_Sciences
(truy cập ngày 26/8/2021).