Liên Bang Malay liên bang do thực dân Anh lập nên vào năm 1948, gồm 11 bang thuộc khu vực Malay thuộc Anh (British Malaya) cũ. Liên bang giành được độc lập vào năm 1957 và đến năm 1963 sáp nhập với Singapore, Bắc Borneo, Sarawak để hình thành Liên bang Malaysia (Federation of Malaysia).
Sau Chiến tranh thế giới lần thứ Nhất (1914 - 1918), thực dân Anh đã đưa quân trở lại bán đảo Malay với lý do giải giáp quân đội Nhật, nhưng thực chất là nhằm thiết lập lại chế độ cai trị thực dân đối với nhân dân Mã Lai. Trong bối cảnh đó, phong trào đấu tranh giành độc lập của nhân dân Mã Lai nổi lên mạnh mẽ, gây nhiều thiệt hại cho thực dân Anh. Để đối phó lại, thực dân Anh một mặt thi hành chính sách khủng bố, đàn áp phong trào đấu tranh, mặt khác thoả hiệp, mua chuộc tầng lớp quý tộc bản địa.
Ngày 1.4.1946, Anh thành lập Liên hiệp Malay (Malayan Union), đặt toàn bộ các bang thuộc khối các Bang Malay liên bang (Federated Malay States), Bang Malay ngoài liên bang (Unfederated Malay States) và 2 bang Penang, Malacca thuộc Khu định cư Eo biển (Straits Settlements) dưới sự quản lý của một chính quyền thực dân duy nhất. Các Hồi vương phải từ bỏ quyền lực chính trị của mình, chỉ giữ lại quyền lực về tôn giáo. Một toà án tối cao được thành lập đặt dưới sự kiểm soát của một chánh án người Anh.
Sự ra đời của Liên hiệp Malay vấp phải sự phản đối quyết liệt của những người Malay bản địa. Sự chống đối tập trung vào việc các Hồi vương đã phê chuẩn việc thành lập Liên hiệp, quyền lực của các Hồi vương bị suy giảm nghiêm trọng và đặc biệt là việc trao quyền công dân cho những người nhập cư. Trước sự đấu tranh của nhân dân Mã Lai, ngày 1.2.1948, Liên hiệp Malay bị giải thể và thay vào đó Liên bang Malay (Federation of Malay) ra đời. Giống như Liên hiệp Malay, Liên bang Malay cũng gồm 11 bang, trong đó 9 tiểu quốc Hồi giáo là các bang bảo hộ của Anh; Penang và Malacca là các lãnh thổ thuộc địa. Singapore tiếp tục nằm ngoài Liên bang.
Đứng đầu chính phủ của Liên bang là một Cao ủy người Anh. Viên Cao ủy này có quyền hành pháp, được sự cố vấn và trợ giúp của Hội đồng hành pháp và Hội đồng Lập pháp liên bang. Hội đồng hành pháp liên bang gồm 14 thành viên, trong đó có 7 thành viên chính thức và 7 thành viên phi chính thức. Hội đồng lập pháp gồm Cao ủy Anh với vị thế Chủ tịch hội đồng, 14 thành viên chính thức (bao gồm 3 thành viên mặc định gồm Bộ trưởng chính, Bộ tài chính và Tổng chưởng lý; 11 thành viên bang và khu định cư) và 50 thành viên phi chính thức, đại diện cho các khu định cư eo biển, giới thương gia và tất cả các sắc tộc. Nguyên thủ các bang, thủ hiến của hội đồng bang và hai đại diện từ các khu định cư eo biển trở thành các thành viên phi chính thức của Hội đồng. Ngoài ra, Hội đồng còn gồm đại diện của các nhóm sắc tộc: 28 đại diện của người Mã Lai, 14 đại diện của người Hoa, 14 đại diện của Ấn Độ và 14 đại diện của người châu Âu.
Các điều kiện quyền công dân của Liên bang Malay được quy định chặt chẽ, tuân thủ các điều kiện sau:
Thứ nhất, là thần dân của các Hồi vương của bất kỳ bang nào, thạo tiếng Mã Lai và tuân theo các truyền thống Mã Lai trong sinh hoạt thường nhật;
Thứ hai, là công dân Anh được sinh ra tại Penang hoặc Malacca, sinh sống liên tục 15 năm tại Liên bang;
Thứ ba, công dân Anh sinh ra tại Liên bang, có cha sinh ra hoặc sống liên tục 15 năm tại Liên bang;
Thứ tư, bất kỳ ai sinh ra tại Liên bang, thông thạo tiếng Mã Lai và tuân theo truyền thống Malay trong sinh hoạt thường nhật;
Thứ năm, bất kỳ ai sinh ra tại Liên bang có cha mẹ sinh ra và sống liên tục 15 năm tại Liên bang;
Đối với các trường hợp nhập tịch (theo đơn) phải đảm bảo một trong hai điều kiện sau: Là người sinh ra và sống ít nhất từ 8 đến 12 năm tại Liên bang trước khi nộp đơn; Hoặc, sống tại Liên bang ít nhất 15 năm trong số 20 năm trước khi nộp đơn. Những người này cần có đạo đức tốt, tuyên thệ trung thành và làm rõ lý do họ sống trong Liên bang, thành thạo tiếng Mã Lai hoặc tiếng Anh.
Sự ra đời của Liên bang Malay chỉ đáp ứng được một phần nguyện vọng của người dân Mã Lai. Những người dân tộc chủ nghĩa Mã Lai dưới sự lãnh đạo của Tổ chức dân tộc Mã Lai thống nhất (United Malays National Organisation) đấu trành một nền độc lập hoàn toàn cho Liên bang do người Mã Lai làm chủ. Những người Cộng sản, chủ yếu là người Hoa, do Đảng Cộng sản Malay (Malayan Communist Party) lãnh đạo cũng đòi đuổi người Anh ra khỏi Liên bang, nhưng kêu gọi sự bình đẳng cho tất cả các sắc tộc.
Trước tình trạng xung đột sắc tộc, tháng 6.1948, Anh ban bố “tình trạng khẩn cấp”, ngăn cấm hoạt động của các tổ chức dân tộc, công đoàn Mã Lai, giải tán Đảng Cộng sản Mã Lai. Đến năm 1953, liên minh ba đảng được thành lập, bao gồm Hiệp hội Ấn Độ ở Mã Lai, Tổ chức dân tộc Mã Lai thống nhất và Hiệp hội Hoa Kiều ở Mã Lai. Phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân diễn ra liên tục khiến chính phủ Anh phải tiến hành đàm phán với đoàn đại biểu chính phủ Liên bang Malay. Ngày 31.3.1957, Liên bang Malay tuyên bố độc lập. Ngày 31.8.1957, Anh ký với Liên bang một hiệp ước phòng thủ chung. Trên danh nghĩa Liên bang Malay là một quốc gia độc lập, nhưng thực tế nền kinh tế vẫn phụ thuộc vào Anh. Một số ngành kinh tế chủ yếu như sản xuất cao su, khai thác thiếc, ngân hàng, ngoại thương vẫn do Anh nắm giữ.
Ngày 16.9.1963, Liên bang Malay hợp nhất với Singapore, Bắc Borneo và Sarawak thành Liên bang Malaysia. Năm 1965, Singapore tách ra khỏi Malaysia để trở thành một quốc gia độc lập.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- D. G. E. Hall, Bùi Thanh Sơn, Nguyễn Thái Yên Hương, Hoàng Anh Tuấn, Nguyễn Vũ Tùng, Đoàn Thắng dịch, Lịch sử Đông Nam Á, Hà Nội, 1997.
- Vũ Dương Ninh, Nguyễn Văn Hồng, Đại cương lịch sử thế giới cận đại tập 2, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 1997.
- Phan Ngọc Liên (chủ biên), Nghiêm Đình Vỳ, Đinh Ngọc Bảo, Trần Thị Vinh, Lược sử Đông Nam Á, Hà Nội, 1999.
- Vũ Dương Ninh, Nguyễn Văn Hồng, Lịch sử thế giới cận đại, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2000.
- Richard Winstedt, Malaya and its History, Hutchinson University Library, London, 1962.