Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Leonardo da Vinci
Leonardo da Vinci(1452 - 1519)
Mona Lisa

Leonardo da Vinci (1452 - 1519) là hoạ sĩ, nhà điêu khắc, kiến trúc sư và kỹ sư thiên tài người Italy và là nhân vật tiêu biểu cho lý tưởng nhân văn thời Phục hưng.

Leonardo da Vinci, tên khai sinh đầy đủ là "Lionardo di ser Piero da Vinci", tiếng Italia nghĩa là "Leonardo, (con trai) của (Mes) Ser Piero đến từ Vinci”, sinh vào ngày 15.4.1452. Ông là con trai của công chứng viên ở Firenze tên là Ser Piero và mẹ là cô gái phục vụ trong quán rượu ở thị trấn Vinci tên là Catarina. Khi Leonardo da Vinci lên năm tuổi thì mẹ mất, ông được đưa lên thành phố sống với ông nội. Ngay từ nhỏ, Leonardo da Vinci đã biểu lộ rõ tư chất thông minh và lòng say mê học tập.

Năm 14 tuổi, Leonardo da Vinci đến học tại nhà hoạ sĩ nổi tiếng đương thời André Verrochio ở Florence, và ông đã ở lại cho đến năm 1477. Verrochio vừa là hoạ sĩ, nhà điêu khắc, vừa thông thạo nhiều ngành khoa học kỹ thuật. Do ảnh hưởng của Thầy, Leonardo da Vinci không chỉ học về hội hoạ và điêu khắc mà còn say mê nhiều môn khoa học khác. Ông là một thiên tài nghệ thuật, nhưng ông cũng nắm vững kiến thức khoa học, toán học và công nghệ của thời đại của mình. Trí tò mò của Leonardo da Vinci là vô hạn. Ông thông thạo về khí động học, giải phẫu người, sinh học, sinh lý học, thủy động lực học, cơ học, khoáng vật học, địa chất và nhiều môn khoa học khác.

Để kiếm sống và trải nghiệm những thử thách mới, năm 1482, ông rời Florence đến phục vụ Công tước Milan. Ông đã dành mười bảy năm ở Milan, chỉ rời đi sau khi Công tước Ludovico Sforza mất quyền lực vào năm 1499. Chính trong những năm này, Leonardo da Vinci đã đạt đến tầm cao mới của thành tựu khoa học và nghệ thuật.

Từ năm 1485 đến năm 1490, Leonardo da Vinci đã thực hiện các nghiên cứu về nhiều chủ đề, bao gồm tự nhiên, máy bay, hình học, cơ khí, xây dựng thành phố, kênh đào và kiến trúc (thiết kế mọi thứ từ nhà thờ đến pháo đài). Ngoài ra, ông còn nghiên cứu thiết kế cho các loại vũ khí tiên tiến như xe tăng, các thiết bị chiến đấu khác nhau và thậm chí cả tàu ngầm. Cũng trong thời kỳ này, Leonardo da Vinci đã đưa ra những nghiên cứu giải phẫu đầu tiên của mình. Xưởng ở Milan của ông có rất nhiều học sinh và sinh viên học việc. Thật không may, sở thích của Leonardo da Vinci quá rộng và ông thường bị các đối tượng mới hấp dẫn đến mức ông thường bỏ dở các dự án. Kết quả là ông chỉ hoàn thành khoảng sáu tác phẩm trong mười bảy năm này, trong đó "Trinh nữ trên đá" (The Virgin of the Rocks) (1483-1486), và “Bữa tối cuối cùng" (Last Super) (1495-1498) rất nổi tiếng, để lại hàng chục bức tranh và dự án chưa hoàn thành hoặc chưa thực hiện.

Ông dành phần lớn thời gian để nghiên cứu khoa học, bằng cách đi ra ngoài thiên nhiên và quan sát mọi thứ hoặc bằng cách nhốt mình trong xưởng để suy ngẫm về các chân lý phổ quát. Từ năm 1490 đến năm 1495, ông đã hình thành thói quen ghi chép quá trình học của mình vào những cuốn sổ tay được minh họa tỉ mỉ. Tác phẩm của ông bao gồm bốn chủ đề chính: hội họa, kiến trúc, các yếu tố cơ học và giải phẫu con người. Những nghiên cứu và bản phác thảo này đã được thu thập thành nhiều bộ và bản thảo khác nhau, hiện được các bảo tàng và cá nhân thu thập.

Sau khi Ludovico Sforza mất quyền lực vào năm 1499, Leonardo da Vinci tìm kiếm một người bảo trợ mới. Trong mười sáu năm tiếp theo, Leonardo da Vinci đã làm việc và đi khắp Italia cho một số ông chủ, bao gồm cả Cesare Borgia - con của Giáo hoàng Alexander VI. Ông đã đi du lịch trong một năm với quân đội của Borgia với tư cách là một kỹ sư quân sự và thậm chí đã gặp Niccolo Machiavelli, tác giả của "The Prince". Leonardo da Vinci đã thiết kế một cây cầu để bắc qua "Sừng Vàng" (Golden Horn) ở Constantinople, Thổ Nhĩ Kỳ trong thời kỳ này và nhận được một khoản thù lao, với sự giúp đỡ của Machiavelli, để vẽ kiệt tác "Trận chiến Anghiari" (The Battle of Anghiari, không hoàn thành). Khoảng năm 1503 ông bắt đầu vẽ tác phẩm “Mona Lisa” nổi tiếng. Mùa đông năm 1507-1508, Leonardo da Vinci đến Florence, ở đó ông giúp nhà điêu khắc Giovanni Francesco Rustici thực hiện bức tượng đồng cho nhà thờ.

Ngưỡng mộ sự hào phóng của những người đỡ đầu ở Milan, Charles d’Amboise và vua Louis XII, Leonardo da Vinci hứng thú với nhiệm vụ trong lĩnh vực kiến trúc. Trong giai đoạn thứ hai ở Milan này, ông rất ít sáng tác tranh, trong khi hoạt động khoa học lại nở rộ.

Từ năm 1513 đến năm 1516, ông rời Milan đến làm việc tại Rome, cùng với hai học trò và hai trợ lí duy trì một xưởng và đảm nhận nhiều dự án cho Giáo hoàng Leo X. Ông tiếp tục nghiên cứu về giải phẫu và sinh lý học con người, nhưng Giáo hoàng cấm ông mổ xẻ tử thi, hạn chế sự tiến bộ của ông. Sau cái chết của người bảo trợ Giuliano de 'Medici vào tháng 3.1516, ông được vua Francis I phong tặng danh hiệu Họa sĩ, Kỹ sư và Kiến trúc sư hàng đầu của Nhà vua tại Pháp.

Người bảo trợ cuối cùng và có lẽ là hào phóng nhất của ông, vua Pháp Francis I đã cấp cho Leonardo da Vinci một ngôi nhà riêng và trang viên gần lâu đài hoàng gia ở Amboise. Mặc dù bị liệt tay phải nhưng Leonardo da Vinci (viết bằng tay trái) vẫn có thể vẽ và dạy học. Leonardo mất ngày 2.5.1519 tại Cloux, Pháp.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Đặng Đức An (chủ biên), Lại Bích Ngọc, Đại cương Lịch sử thế giới Trung đại, Tập 1, Phương Tây, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2009.
  2. Brinton Crane, Christopher John B, Wolff Robert Lee, Civilization in the West (Văn minh phương Tây), Prentice-Hall, Inc, Englewood Cliffs, New Jersy, USA, 1964.
  3. Dictionaire de langue francaise Encycloédie et Noms propres (Từ điển tiếng Pháp Bách khoa toàn thư và Danh từ riêng), Hachette, pour les oeuvres d’art, France, 1989.
  4. Leonardo da Vinci, https://www.britannica.com/biography/Leonardo-da-Vinci truy cập ngày 15 tháng 12 năm 2020.
  5. Da Vinci-The Renaissance man, https://www.mos.org/leonardo/biography truy cập ngày 15 tháng 12 năm 2020.