Latiphundia là những điền trang lớn ở La Mã sử dụng sức lao động của hàng nghìn nô lệ với phương thức sản xuất độc canh. Đây là hình thái sản xuất cơ bản của nền kinh tế La Mã. Muốn thiết lập Latiphundia phải có 2 yếu tố: chế độ sở hữu ruộng đất lớn của tư nhân và có đầy đủ nô lệ thực thụ.
Từ đầu thế kỷ thứ II TCN, La Mã mở rộng lãnh thổ, thu được nhiều đất đai từ các cộng đồng bị chinh phục. Một bộ phận đất đai đó được đem chia cho những người bình dân La Mã, còn đại bộ phận đem bán cho tư nhân. Quý tộc và thương nhân La Mã đã tung tiền, vàng ra mua số ruộng đất đó của nhà nước, biến thành tài sản tư hữu của mình để tiến hành kinh doan sản xuất nông nghiệp với quy mô lớn. Ngoài ra, tầng lớp quý tộc còn dựa vào uy thế của mình để lấn chiếm ruộng công, đất tư hữu của dân nghèo, dân lưu tán, binh sĩ tử trận. Cuối cùng, họ có trong tay những vùng đất rộng mênh mông. Trên cơ sở dó, các điền trang lớn, hay đại trại – Latiphundia đã xuất hiện.
Mỗi Latiphundia thuộc quyền sở hữu của một chủ nô. Chủ nô thông qua những viên quản lý thân tín của mình để điều hành, cai quản. Nô lệ làm việc trong các Latiphundia dưới sự cai quản bằng roi vọt của những viên quản lý.
Các Latiphundia đều lấy nông nghiệp làm hoạt động kinh tế chủ chốt. Tuyệt đại bộ phận các Latiphundia đều trồng nho, ô liu, còn việc trồng lúa mì thường không được coi trọng bằng, vì có thể nhập lúa mì từ ngoài vào với giá rẻ hơn. Các Latiphundia thường có các xưởng chế biến dầu ô liu, ép và làm rượu nho. Các Latiphundia ở Nam Italia, nơi có những đồng cỏ trù phú lại chủ yếu kinh doanh nghề chăn nuôi, còn ở đảo Sicily và Bắc Phi, các Latiphundia lại chuyên trồng ngũ cốc. Kinh tế Latiphundia mang tính chất hai mặt khá rõ rệt, một mặt, nó là nền kinh tế nông nghiệp trong khuôn khổ của nền kinh tế tự nhiên, đảm bảo việc cung cấp thỏa mãn cho các điền trang, mặt khác, sản phẩm của nó lại gắn bó chặt chẽ với hoạt động thủ công nghiệp, thương mại trong khuôn khổ của nền kinh tế hàng hóa. Từ cuối thế kỷ II, đầu thế kỷ III, một số ít Latiphundia trước đây vẫn trồng nho, ô liu đã bắt đầu chuyển sang trồng cây lương thực, thậm chí một số chủ nô cũng đã chia nhỏ điền trang rộng lớn của mình thành những mảnh đất nhỏ, cùng với công cụ sản xuất, giao cho nô lệ tự sản xuất. Những mầm mống đầu tiên của một phương thức canh tác mới trong nông nghiệp đã xuất hiện, tạo những tiền đề cho chế độ lệ nông ở giai đoạn sau hình thành, phát triển.
Các công cụ sản xuất dùng trong các Latiphundia vẫn là những công cụ thô sơ và cổ lỗ, hầu như không có sự cải tiến (vì chủ nô sợ nô lệ phá hoại công cụ sản xuất). Tuy nhiên, với phương châm: sử dụng tới mức tối đa sức lao động của nô lệ và chi phí tới mức tối thiểu cho người lao động, năng suất và hiệu quả kinh tế trong các Latiphundia vẫn không ngừng tăng lên, tạo bước tiến mạnh mẽ cho sự phát triển toàn diện của nền kinh tế La Mã trong suốt thời cộng hòa (từ thế kỷ IV TCN đến thế kỷ I). Tuy nhiên, ngay từ buổi ban đầu, kinh tế Latiphundia đã chứa đựng bên trong nó mâu thuẫn khó giải quyết: mâu thuẫn giữa quan hệ sản xuất chiếm nô và sự phát triển của sức sản xuất trong thời cổ đại.
Vận mệnh của nhà nước La Mã gắn liền với vận mệnh của những Latiphundia. Khi các Latiphundia phát triển cực thịnh thì cũng là lúc nhà nước La Mã, văn minh La Mã phát triển đến đỉnh cao của nó, ngược lại, khi các Latiphundia suy yếu và tan rã, đế quốc La Mã cũng đi vào giai đoạn khủng hoảng suy vong.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Chiêm Tế, Lịch sử thế giới cổ đại, tập 2, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2000.
- Lương Ninh (chủ biên), Trần Thị Vinh, Đặng Quang Minh, Nguyễn Gia Phu, Nghiêm Đình Vỳ, Lịch sử thế giới cổ đại, (Tái bản lần thứ tư), Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2000
- Lương Ninh (chủ biên), Nguyễn Gia Phu, Đinh Ngọc Bảo, Dương Duy Bằng, Lịch sử văn hóa thế giới cổ trung đại, tái bản lần thứ 3, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2003.
- Robert Payne, Ancient Rome (Rome cổ đại), Ibooks, New York, 2007.
- Edward Gibbon, The history of the decline and fall of the Roman Empire (All 6 Volumes) (Lịch sử suy yếu và sụp đổ của Đế chế Rome) (bộ 6 tập), E-artnow, tái bản lần thứ 2, 2016.
- https://www.britannica.com/topic/latifundium