Mục từ này cần được bình duyệt
Lao động và xã hội

Lao động và xã hội tạp chí, cơ quan ngôn luận của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, có chức năng tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực lao động, người có công và xã hội; phổ biến các mô hình điển hình, biểu dương người tốt, việc tốt; đấu tranh với những vi phạm, những biểu hiện tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực lao động...


Măng sét tạp chí Lao động và xã hội(Ảnh NTTG)


Tiền thân của tạp chí Lao động và Xã hội (LĐ&XH) là nội san Quản lý Lao động, ra số đầu tiên vào 15 tháng 10 năm 1968. Qua bốn lần đổi tên, từ nội san Quản lý Lao động (năm 1968) thành tập san Quản lý Lao động (năm 1969), rồi đến tạp chí Quản lý Lao động (năm 1984), và từ năm 1987 là tạp chí LĐ&XH.

Chặng đường trưởng thành của tạp chí LĐ&XH đã trải qua ba giai đoạn chính:

Giai đoạn nội san và tập san Quản lý Lao động (1968 - 1983): Tháng 10 năm 1968, sau hơn ba tháng chuẩn bị, tờ nội san Quản lý Lao động số 1 ra đời do Bộ trưởng Bộ Lao động Nguyễn Hữu Khiếu làm Chủ nhiệm, đồng chí Đỗ Phú Hoan, chuyên viên Vụ Tiền lương (là người đã có kinh nghiệm viết báo) làm Thư ký tòa soạn. Sau hai số đầu trong năm 1968 mang tên nội san, từ số 3 năm 1969, nội san Quản lý Lao động được đổi tên thành tập san Quản lý Lao động. Trong giai đoạn này, tập san đã góp phần làm sáng tỏ những chủ trương, quan điểm lớn của Đảng về công tác lao động, phổ biến kịp thời những chế độ, thể lệ về lao động và tiền lương của Nhà nước đến các cấp, các ngành; tập hợp và phổ biến rộng rãi kinh nghiệm công tác lao động trong nước và giới thiệu một số kinh nghiệm ở nước ngoài; góp phần vào việc giáo dục, bồi dưỡng nâng cao trình độ kiến thức về khoa học lao động cho cán bộ; đồng thời động viên, cổ vũ toàn ngành. Bằng nhiều hình thứckhi thì trực tiếp, khi thì gián tiếp, tập san đã góp phần tích cực vào việc đấu tranh chống những hiện tượng lệch lạc để bảo vệ chính sách, tăng cường công tác lao động ở các xí nghiệp, kiên trì quản lý và giương cao ngọn cờ quản lý.

Giai đoạn tạp chí Quản lý Lao động (1984 - 3.1987): Với chất lượng được nâng lên, từ tháng 01.1984, Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng đã nhất trí và Bộ trưởng Bộ Lao động đã quyết định chuyển tập san Quản lý Lao động thành tạp chí Quản lý lao động do đồng chí Đỗ Phú Hoan làm Tổng Biên tập. Trong giai đoạn này, Tạp chí tiếp tục góp phần làm sáng tỏ thêm những chủ trương, quan điểm lớn của Đảng về công tác lao động, phổ biến kịp thời những chế độ, chính sách về lao động, tiền lương, định mức lao động của Nhà nước đến các ngành, các cấp; tập hợp và phổ biến rộng rãi kinh nghiệm công tác lao động trong nước và giới thiệu một số kinh nghiệm của nước ngoài; góp phần vào việc giáo dục, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kiến thức khoa học về lao động cho các cán bộ quản lý kinh tế, quản lý lao động trong cả nước trong việc chăm lo, bảo vệ và sử dụng hợp lý sức lao động.

Giai đoạn hợp nhất với tạp chí Bảo trợ xã hội thành tạp chí Lao động và Xã hội (03.1987 đến nay): Sau khi Bộ Lao động và Bộ Thương binh và Xã hội sáp nhập thì tạp chí Quản lý Lao động hợp nhất với tạp chí Bảo trợ xã hội thành tạp chí Lao động và Xã hội (LĐ&XH), phát hành số 1 vào tháng 3.1987, đánh dấu một mốc mới trong quá trình xây dựng và phát triển của tạp chí. Sau khi hợp nhất, đồng chí Đỗ Phú Hoan tiếp tục làm Tổng Biên tập. Tạp chí mở rộng phạm vi tuyên truyền, từ lao động, việc làm, bảo hiểm xã hội đến công tác thương binh liệt sỹ và các lĩnh vực xã hội.

Hiện nay, tạp chí đã phản ánh rộng khắp và toàn diện tất cả các lĩnh vực quản lý của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, có nhiều bài viết sâu về lý luận, nghiệp vụ và tổng kết thực tiễn nhờ có nhiều tác giả có học hàm, học vị, cán bộ lãnh đạo quản lý cấp cao là các cộng tác viên thường xuyên. Tạp chí hoạt động với ấn phẩm chính là tạp chí in phát hành hai kỳ/tháng và tạp chí điện tử LĐ&XH(ra đời tháng 07.2011).

Với những thành tích xuất sắc trong suốt 50 năm qua, tạp chí Lao động và Xã hội đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Độc lập hạng Ba (năm 2008); Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba (các năm 1995, 1983, 1978); Huân chương lao động hạng Ba lần thứ 2 (năm 2018); bốn lần được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen (các năm 1996, 1998, 2003, 2013); nhiều năm liền được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tặng Cờ Thi đua đơn vị xuất sắc và Bằng khen.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Tạp chí Lao động và Xã hội: 50 năm - Một chặng đường, Tạp chí Người làm báo điện tửngày 19/10/2018
  2. Tạp chí Lao động và Xã hội đã làm tốt vai trò dẫn dắt thông tin về ngành, Tạp chí Lao động và xã hội online, ngày 26/1/2018.

http://laodongxahoi.net/tap-chi-lao-dong-va-xa-hoi-da-lam-tot-vai-tro-dan-dat-thong-tin-ve-nganh-1309052.html

  1. Báo Lao động và Xã hội: Tờ báo chuyên sâu về lĩnh vực An sinh - Xã hội, Dân sinh, ngày 21/6/2018.

https://baodansinh.vn/bao-lao-dong-va-xa-hoi-to-bao-chuyen-sau-ve-linh-vuc-an-sinh---xa-hoi-75460.htm 11.Báo Lao động và Xã hội cần tự đổi mới, tạo ra những đột phá, Dân sinh, ngày 16/2/2107 https://baodansinh.vn/bao-lao-dong-va-xa-hoi-can-tu-doi-moi-tao-ra-nhung-dot-pha-52576.htm 12.Nguyễn Thị Hà Giang (2017), Vấn đề quản lý các cơ quan báo chí của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hiện nay, Luận văn thạc sĩ báo chí học.