Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Lệnh động viên

Lệnh động viên là lệnh chuyển lực lượng vũ trang, nền kinh tế quốc dân, thể chế nhà nước, sinh hoạt xã hội sang trạng thái thời chiến.

Lệnh động viên là biện pháp hiệu quả nhất để bảo vệ đất nước khi chiến tranh diễn ra. Lệnh động viên sớm nhất được coi là của nước Pháp, ngày 23/8/1793 Công hội quốc dân Pháp đã ban bố “Lệnh tổng động viên toàn quốc”; chỉ trong vòng một thời gian ngắn động viên, tổ chức QĐ lên tới 42 vạn người. Trong chiến tranh thế giới lần thứ Hai, ngày 22/6/1941, phát xít Đức đã bất ngờ tiến công biên giới phía tây Liên Xô; ngay hôm đó Đoàn Chủ tịch Xô viết tối cao Liên Xô đã công bố Lệnh động viên, tuyên bố các vùng biên giới phía tây và một số nơi khác chuyển vào trạng thái thời chiến, sau đó công bố lệnh tổng động viên toàn quốc. Trong chiến tranh Trung Đông lần thứ Tư (1973), sau khi chiến tranh bùng nổ, trong vòng 15 phút, Israel đã phát trên đài phát thanh mệnh lệnh của Bộ Tư lệnh tối cao, tiến hành tổng động viên toàn quốc. Chỉ có cơ quan quyền lực cao nhất của nhà nước mới có quyền quyết định thực hiện động viên quốc phòng. Lệnh động viên do cơ quan quyền lực cao nhất của nhà nước quyết định thực hiện động viên quốc phòng. Lệnh động viên thường do nguyên thủ quốc gia (Tổng tư lệnh lực lượng vũ trang) hoặc người đứng đầu Chính phủ công bố. Thời gian công bố có thể là khi diễn ra tình trạng khẩn cấp về quốc phòng (trước chiến tranh) hoặc khi chiến tranh vừa bùng nổ. Nội dung Lệnh động viên thường gồm: tình hình quân sự, chính trị, nhiệm vụ, phạm vi, yêu cầu và thời gian bắt đầu động viên.

Cũng giống như hiến pháp của nhiều quốc gia, Hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng quy định về tình trạng chiến tranh, hòa bình và tình trạng khẩn cấp. Khoản 10, Điều 74 Hiến pháp 2013 quy định Ủy ban Thường vụ Quốc hội có quyền quyết định tổng động viên hay động viên cục bộ; ban bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp trong cả nước hoặc ở từng địa phương. Căn cứ vào nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước công bố, bãi bỏ tổng động viên hay động viên cục bộ; tình trạng chiến tranh hoặc tình trạng khẩn cấp về quốc phòng. Có Lệnh động viên cục bộ và lệnh tổng động viên; trường hợp huy động lực lượng dự bị động viên tăng cường cho lực lượng thường trực của Quân đội do chính phủ quy định. Căn cứ lệnh của chủ tịch nước, chính phủ quyết định huy động số lượng nguồn động viên; bộ trưởng Bộ Quốc phòng căn cứ quyết định của chính phủ lệnh huy động các đơn vị dự bị động viên; lệnh gọi nhập ngũ của quân nhân dự bị, lệnh điều động phương tiện kĩ thuật do cấp có thẩm quyền kí. Việc thông báo Lệnh động viên được tiến hành đồng thời theo hệ thống hành chính từ trung ương tới cơ sở; từ Bộ Quốc phòng tới cơ quan quân sự địa phương, đơn vị Quân đội (Bộ Quốc phòng thường kết hợp thông báo Lệnh động viên với lệnh chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu).

Lệnh tổng động viên được tiến hành khi đất nước bị xâm lược quy mô lớn hoặc nổ ra chiến tranh toàn diện và được thông báo công khai trên phạm vi cả nước; Quân đội nhân dân và Dân quân tự vệ được chuyển vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu phù hợp, mở rộng lực lượng dân quân tự vệ; Quân đội được bổ sung quân nhân dự bị và phương tiện kĩ thuật của nền kinh tế quốc dân với số lượng lớn nhất để nhanh chóng kiện toàn tổ chức biên chế thời chiến; mọi hoạt động của nền kinh tế quốc dân và toàn xã hội tập trung bảo đảm cho nhu cầu Quân đội một cách nhanh chóng với khối lượng nhân lực, vật lực lớn nhất; bảo đảm nhu cầu tối thiểu, cần thiết cho nhân dân. Lệnh động viên cục bộ được ban bố công khai ở một hoặc một số địa phương và được áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để thi hành kế hoạch động viên quốc phòng; hoạt động kinh tế-xã hội của địa phương thuộc diện động viên được chuyển sang bảo đảm cho nhiệm vụ chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu và nhu cầu quốc phòng. Khi thực hiện Lệnh động viên cục bộ, bộ trưởng Bộ Quốc phòng ra lệnh cho một số đơn vị Quân đội nhân dân, Dân quân tự vệ chuyển vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu phù hợp, bổ sung vật chất hậu cần, kỹ thuật; bổ sung quân nhân dự bị cho một số đơn vị thường trực của quân đội, mở rộng lực lượng Dân quân tự vệ ở địa phương nhận lệnh động viên cục bộ; người đứng đầu chính quyền địa phương, cơ quan, tổ chức nơi có chiến sự phải chấp hành mệnh lệnh đặc biệt của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân Việt Nam từ năm 1945 đến nay, Nhà nước Việt Nam đã thực hiện một số Lệnh động viên: động viên cục bộ (5/5/1965), tổng động viên (5/3/1979). Ngoài ra, “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/12/1946), “Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước” của Chủ tịch Hồ Chí Minh (17/7/1966) cũng được ghi nhận có giá trị như những lệnh tổng động viên.

Thư mục tham khảo[sửa]

  1. Bách khoa toàn thư quân sự Trung Quốc, quyển 3, Học thuật quân sự, tập II, 1997.
  2. Bộ Quốc phòng, Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004, tr. 390, 393.
  3. Bộ Quốc phòng, Trung tâm Từ điển Bách khoa quân sự, Từ điển Thuật ngữ quân sự, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2007, tr.429, tr.430.
  4. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Điều 74, Điều 88, 2013.
  5. Luật Quốc phòng Việt Nam năm 2018, Điều 17, 18, 19, 20.
  6. Luật lực lượng dự bị động viên năm 2019.
  7. GS.TS Nguyễn Đăng Dung, Đại học quốc gia Hà Nội, Tình trạng khẩn cấp theo quy định của Hiến Pháp và Công ước/Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 18, tháng 9/2020.
  8. Bách khoa toàn thư quân sự Nga, quyển 5, Mockba, 2001, tr.181- 184.