Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Lễ vu lan

Lễ vu lan một trong những ngày lễ quan trọng nhất của Phật giáo, diễn ra vào ngày rằm tháng bảy âm lịch hằng năm. Vào ngày này, các ngôi chùa thường thiết lễ rất trọng thể để đón tiếp đông đảo Phật tử đến tham dự và cầu nguyện cho các bậc cha mẹ hiện tiền được an lạc, cha mẹ quá vãng (của kiếp này và của cả các kiếp trước) được siêu sinh tịnh độ. lễ vu lan là dịp để thế hệ con cháu tri ân, tưởng nhớ công đức của cha mẹ, tổ tiên, đồng thời cũng là dịp để tôn vinh đạo hiếu và truyền thống “uống nước nhớ nguồn”.

Tập tin:Tranh vẽ Đại Đức Mục Kiền Liên dâng cơm cho mẹ nhưng tất cả thức ăn đều hoá lửa.jpg
Tranh vẽ Đại Đức Mục Kiền Liên dâng cơm cho mẹ nhưng tất cả thức ăn đều hoá lửa

Lễ vu lan bắt nguồn từ một bản kinh ngắn của Phật giáo Đại thừa - “Phật thuyết Kinh Vu Lan Bồn” - do Trúc Pháp Hộ dịch từ tiếng Phạn sang tiếng Hán vào đời Tây Tấn, tức khoảng năm 750 - 801 sau Công Nguyên, và được truyền từ Trung Hoa vào Việt Nam, không rõ năm nào. Chữ Vu Lan, vốn phiên âm từ tiếng Sanscrit là “Ullambana”, dịch sang tiếng Hán là “giải đảo huyền”, có nghĩa là “cứu nạn treo ngược”.

Bản kinh “Phật thuyết Kinh Vu Lan Bồn” kể về sự tích Bồ tát Mục Kiền Liên - một trong mười vị đệ tử xuất chúng của Đức Phật - đã cứu mẹ mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ (quỷ đói). Sau khi tu thành chính quả, để tưởng nhớ và muốn biết người mẹ đã mất của mình bây giờ ra sao, Mục Kiền Liên đã dùng phép tuệ nhãn có thể nhìn khắp đất trời để tìm mẹ. Thấy mẹ mình, vì gây nhiều nghiệp ác mà phải sinh làm ngạ quỷ, bị đói khát hành hạ khổ sở, ông đã đem cơm xuống tận cõi quỷ để dâng mẹ. Tuy nhiên, do đói ăn lâu ngày nên khi ăn, mẹ ông đã dùng một tay che bát cơm để không cho các cô hồn khác đến tranh cướp. Vì vậy, thức ăn khi đưa lên miệng bỗng hóa thành lửa đỏ. Mục Kiền Liên bèn quay về tìm Đức Phật, hỏi cách cứu mẹ. Phật bảo rằng: “Dù thần thông quảng đại đến mấy, ông cũng không thể cứu nổi mẹ ông đâu. Chỉ có một cách là nhờ sự hợp lực của chư tăng khắp mười phương. Ngày rằm tháng bảy là ngày thích hợp để vận động chư tăng, hãy sắm sửa lễ cúng vào ngày đó”. Theo lời Phật dạy, Mục Kiền Liên đã cứu mẹ thoát khỏi kiếp ngạ quỷ. Từ đó, ngày lễ vu lan ra đời.

Lễ vu lan có mặt ở nhiều quốc gia châu Á. Ở Việt Nam, lễ vu lan đầu tiên được ghi nhận trong sử sách là vào năm Mậu Tuất (1118). Đại Việt sử ký toàn thư viết: Mùa thu, tháng 7, vua Lý Nhân Tông bãi ăn Tết Trung nguyên vì gặp ngày Lễ Vu Lan bồn, cầu siêu cho Linh Nhân Hoàng thái hậu (tức Thái hậu Ỷ Lan), người vừa qua đời tháng 8 năm trước. Ngược về thời Đinh và Tiền Lê, dù triều đình đều tôn sùng đạo Phật, từng phong sư Khuông Việt làm Tăng thống, rồi Quốc sư, nhưng không thấy sử sách ghi chép về việc tổ chức lễ vu lan. Theo thời gian, từ chỗ là một ngày lễ của Phật giáo, lễ vu lan đã đi vào tâm thức dân gian và dần dần trở thành phong tục truyền thống của người Việt và tồn tại mãi cho tới tận ngày nay.

Một nghi thức ấn tượng, có ý nghĩa, đồng thời tạo nên sự độc đáo, khác biệt của lễ vu lan ở Việt Nam so với những ngày lễ tương tự ở các nước khác là nghi thức “Bông hồng cài áo”. Nghi thức này do Thiền sư Thích Nhất Hạnh khởi xướng, bắt nguồn từ bài viết “Bông hồng cài áo” của ông (năm 1962). Trong không khí trang nghiêm, mỗi người được cài lên áo một bông hoa hồng (màu đỏ cho những ai còn mẹ và màu trắng cho những ai mất mẹ). Nghi lễ giản dị nhưng luôn để lại trong lòng mỗi người con rất nhiều cảm xúc, nhắc nhở họ không bao giờ được lãng quên ơn đức của đấng sinh thành.

Do cùng diễn ra vào dịp rằm tháng bảy nên lễ vu lan và lễ xá tội vong nhân thường bị nhiều người hiểu lầm là một. Trên thực tế, đây là hai lễ khác nhau cả về mục đích và ý nghĩa. lễ vu lan là để cầu siêu cho tổ tiên, mang ý nghĩa báo hiếu, còn lễ xá tội vong nhân là để bố thí cho những vong hồn không nơi nương tựa, mang ý nghĩa làm phúc.

Ngày nay, lễ vu lan được hiểu với ý nghĩa rộng lớn hơn, đó là sự đề cao tinh thần đền ơn đáp nghĩa. Năm 2020, chương trình “Đại lễ Vu Lan ba miền” đã được tổ chức và truyền hình trực tiếp từ ba điểm cầu tại ba miền Bắc, Trung, Nam. Việc lễ vu lan bén sâu vào đời sống văn hóa dân gian đã phản ánh mối lương duyên giữa Phật giáo với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt.


Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Phan Kế Bính, Việt Nam phong tục, Nxb.Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh, tái bản, 1992.
  2. Ngô Sỹ Liên, Phạm Công Trứ, Lê Hy, Đại Việt sử kí toàn thư, tập 1, Viện Khoa học xã hội Việt Nam dịch, Nxb. Khoa học xã hội, 1993
  3. Toan Ánh, Tín ngưỡng Việt Nam, quyển thượng, Nxb. Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, tái bản, 2005
  4. Mai Viên Đoàn Triển, An Nam phong tục sách, Nxb. Hà Nội, 2008.
  5. Đào Duy Anh, Việt Nam văn hoá sử cương, Nxb. Thế giới, Hà Nội, tái bản, 2015.
  6. Nhất Thanh, Đất lề quê thói – phong tục Việt Nam, Nxb.Văn học, Hà Nội, tái bản, 2016.