Lễ trương thành là nghi lễ đánh dấu sự trưởng thành của trẻ, diễn ra trong một số nhóm cộng đồng ở Việt Nam. lễ trưởng thành thuộc hệ thống nghi lễ chuyển đổi (rites of passage) nhằm đánh dấu những giai đoạn quan trọng trong cuộc đời của một con người. Không phải sự dậy thì sinh học, mà chính ý nghĩa của tuổi trưởng thành trong một nền văn hóa sẽ quy định về nghi lễ trưởng thành.
Lễ trưởng thành vốn là nghi lễ lâu đời trong nhiều nền văn hóa. Trong không ít trường hợp, sự trưởng thành được xem là gắn với trách nhiệm tôn giáo và lễ trưởng thành phản ánh điều này. Ở các nước theo Phật giáo tiểu thừa, các nam thiếu niên cần phải trải qua hành vi có tính tâm linh là tu tạm thời (tức lễ thọ giới samarena) trong một thời gian cụ thể, học các thực hành thiền định, sống cuộc sống sự khổ hạnh, bất bạo động và ăn chay - những việc có tính chất chuẩn bị cho các bổn phận của người đàn ông sau này. Ở các nước theo Nho giáo, nam giới bước sang tuổi 20 và nữ giới bước sang tuổi 15 cần trải qua những nghi thức được xem là khởi đầu cho tất cả các nghi thức liên quan đến chuẩn mực đạo đức Nho giáo của một người trưởng thành - đội mũ (Guan Li) và kẹp tóc (Ji Li) - và chuẩn bị kết hôn. Ở các nước theo Hồi giáo, một người bước vào tuổi dậy thì sẽ được yêu cầu thực hiện salah (việc cầu nguyện) và các nghĩa vụ khác của tôn giáo này.
Tại Việt Nam, lễ trưởng thành cũng là một trong những nghi lễ quan trọng của vòng đời người. Các hình thức nghi lễ trưởng thành phản ánh quan niệm của người dân về sự trưởng thành, và cách một cộng đồng thừa nhận một cá nhân chính thức trở thành thành viên của xã hội. Quy định về tuổi làm lễ trưởng thành có sự khác biệt theo từng dân tộc nhưng nhìn chung, một con người được xem là đến tuổi làm lễ trưởng thành khi đạt tiêu chuẩn nhất định về thể trạng, sự hiểu biết, khả năng chịu trách nhiệm về hành động của bản thân, và khả năng tạo ra cũng như duy trì một gia đình.
Với nhiều dân tộc, lễ trưởng thành thường mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc và diễn ra với những hoạt động phong phú, đa dạng. Ở dân tộc Dao, những người muốn được công nhận là trưởng thành và có một vị thế trong xã hội phải trải qua một nghi lễ cầu kỳ gọi là lễ cấp sắc. Lễ cấp sắc còn có nghĩa là lễ “khai sinh” hay lễ nhận lấy tên của thánh thần ban định cho, nên dù tốn kém thế nào người Dao cũng cố gắng thực hiện. Việc chuẩn bị cho một lễ cấp sắc rất công phu, có thể tốn nhiều năm. Những thứ cần thiết cho lễ này là: gạo, thịt, rượu, quần áo, tranh thờ, nhạc cụ truyền thống… Lễ cấp sắc có nhiều mức độ khác nhau, nhưng đơn giản nhất thì cũng cần thực hiện trong một ngày và hai đêm với ba thầy làm lễ. Nó bao gồm nhiều nghi lễ cụ thể như cúng báo tổ tiên; treo tranh; khai đàn; đặt tên âm, cấp đèn, hạ đèn và cấp âm binh; cấp đạo sắc; cúng Bàn Vương; hát ca khúc truyền thống… Ở dân tộc Sán Chỉ, lễ trưởng thành cũng diễn ra hết sức long trọng - trong ba ngày - với nhân vật không thể thiếu là các thầy Mo, thầy Tào là những người có quyền năng nối kết giữa thế giới thực và thế giới siêu tự nhiên. lễ trưởng thành của họ thường được tổ chức vào những tháng cuối năm với sự tham dự của đông đảo họ hàng và người dân thôn bản. Gia đình sẽ phải chuẩn bị lượng gạo, thịt, tiền… lớn để làm lễ cúng thần. Một lễ trưởng thành gồm có các nội dung cụ thể sau: lễ trình diện, lễ lên đèn, lễ giáng sinh, và trình diễn múa mặt nạ Kadong. Với lễ giáng sinh, một chiếc võng tròn được tết bằng dây rừng sẽ đón người thụ lễ từ đàn tràng rơi xuống như một hình ảnh biểu trưng của lần ra đời thứ hai (nhưng là lần ra đời của một người trưởng thành). Còn ở dân tộc Ê Đê, lễ trưởng thành được bắt đầu bằng nghi thức rửa mặt ở bến nước của đương sự như một sự tẩy rửa những gì vụng dại và non nớt, sau đó được tiến hành qua các bước ăn uống, múa hát và nghe kể sử thi của cả cộng đồng đến sáng. Đặc biệt, một người Ê Đê phải trải qua năm lần làm lễ trưởng thành thì mới được coi là thực sự trưởng thành. Mỗi lần, lễ vật cúng lại tăng lên. Nếu lần đầu tiên, lễ vật cúng là một ché rượu và một con gà thì đến lần thứ năm, nó phải là bảy ché rượu và một con heo đủ lớn để có thể thết đãi được toàn bộ bà con trong buôn. Tuy nhiên, ở người Kinh, lễ trưởng thành mặc dù nằm trong bốn sự kiện quan trọng “quan, hôn, tang, tế” lại không phải là một nghi lễ thực sự nổi bật. Xưa kia, khi đến tuổi (thường là 18 tuổi), người con trai đơn giản là sẽ được gia đình biện một cơi trầu trình làng để từ đó sẽ hiện diện trong đời sống của làng xã như một người đàn ông.
Hiện nay, bối cảnh kinh tế - xã hội thay đổi ở Việt Nam đã khiến nghi lễ vòng đời người có những nét mới. Ví dụ, nhiều trường học đã tổ chức lễ trưởng thành cho học sinh vào năm cuối của bậc phổ thông trung học trong trang phục áo mũ tốt nghiệp với sự tham gia của cha mẹ, thầy cô và bạn bè của các em - một buổi lễ mà các em có thể chia sẻ những dự định, hoài bão của mình về tương lai. Từ một hoạt động tự phát, nó đã dần trở thành hoạt động phổ biến trong các nhà trường. Đáng chú ý là vào ngày 25/8/2009, Bộ Giáo dục - Đào tạo khi quy định 05 nhiệm vụ của năm học mới đã bao gồm trong đó nhiệm vụ rằng tất cả các trường THPT phải tổ chức tốt lễ trưởng thành cho học sinh khối 12. Nhiều gia đình còn cử người của mấy thế hệ cùng đến dự ngày lễ này (ông bà, cha mẹ…). Đặc biệt, đã có những lễ trưởng thành được tổ chức như một lễ ra mắt ở các khách sạn lớn nhằm đem lại cơ hội giao lưu cho các bạn trẻ và cũng là dịp để các gia đình giới thiệu con cái với bạn bè, đối tác của mình trong một buổi tiệc trang trọng. Mặt khác, sự khởi sắc của nền kinh tế cũng lại khiến một số phong tục cổ truyền liên quan đến lễ trưởng thành ở người dân tộc thiểu số hiện nay có cơ hội được phục hồi theo hướng bảo tồn và phát huy bản sắc.
Lễ trưởng thành đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong vòng đời của con người và phản ánh quan niệm của mỗi nền văn hóa về sự trưởng thành. Là một nghi lễ cổ truyền, lễ trưởng thành đang có những biến đổi để phù hợp với sự vận động của đời sống kinh tế - xã hội đương đại.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Bạch Yến, “Người Ê Đê cử lễ trưởng thành như thế nào”, Tạp chí Văn nghệ dân tộc và miền núi, số 13, 1996, tr. 22 - 23.
- Nguyễn Thị Thu Hà, “Văn hóa truyền thống trong lễ trưởng thành của người Dao Thanh Y, Hoành Bồ, Quảng Ninh”, Tạp chí Khoa học xã hội miền Trung, số 3, 2014, tr. 55 - 60.
- Phạm Phương Thái, “Nhân vật Ka Dong trong lễ trưởng thành của người Sán Chỉ”, Tạp chí Văn hóa dân gian, số 5, 2014, tr. 58 - 62.