Lễ thờ quốc mẫu Tây Thiên là lễ hội tổ chức hàng năm của người dân xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc để tưởng nhớ công đức Quốc Mẫu Tây Thiên. Truyền thuyết về vua Hùng thứ bảy trong “Hùng Vương sự tích ngọc phả cổ truyền” kể rằng, nhân một lần nhà vua lên núi Tam Đảo ngắm cảnh, lập đàn “vọng tiên” đã cho tổ chức lễ hội dài bảy ngày bảy đêm để trai gái khắp nơi về dự hội. Tuy nhiên, theo các ghi chép thì nghi lễ quan trọng, mang tính quốc gia được các triều đình phong kiến thực hiện với thần núi Tam Đảo- tiền thân của Quốc Mẫu Tây Thiên là nghi lễ cầu đảo - cầu mưa được tiến hành dưới thời vua Lê Nhân Tông vào hai năm Kỷ Tỵ (1449) và Canh Ngọ (1450).
Ở những thế kỉ sau này, khi thần núi Tam Đảo được gắn kết với tục thờ Thành hoàng làng của cư dân vùng chân núi và được kết tập vào hệ thống Hùng Vương thì việc tế lễ ở Tây Thiên mới được chú trọng. Thôn Lan Thông (tên cũ của làng Sơn Đình) là địa phương được giữ phận sự “tạo lệ” ở hai ngôi chùa Tây Thiên và Phù Nghì trên núi Tam Đảo. Việc tế lễ được làng tổ chức vào ngày 15 tháng Hai âm lịch (ngày Mẫu hóa về trời) với sự tham gia của các quan viên trong làng. Trước ngày lễ, những người tham gia tế lễ phải mộc dục (tắm gội) sạch sẽ, trong buổi tế phải kiêng không được nhắc đến tên húy của thần. Lễ vật dùng trong buổi tế là xôi, gà, lợn, rượu do dân làng đóng góp và sửa soạn, tế xong thì phân phát cùng ăn.
Từ sau 1945 lễ hội thời quốc mẫu Tây Thiên bị gián đoạn, năm 1991 lễ hội được khôi phục lại ở quy mô cấp xã, có sự đầu tư kinh phí của Nhà nước và dưới sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân huyện Tam Đảo. Lễ hội diễn ra từ ngày 13 đến ngày 17 tháng Hai tại đền Thỏng, làng Sơn Đình, ngôi đền được coi là đền Trình, là cửa ngõ để khách thập phương làm lễ trình Mẫu trước khi lên nơi ở và nơi làm việc của bà trên núi Tam Đảo. Trước khi mở hội, vào ngày 11 hoặc 12 tháng 2, ban tổ chức cử người lên đền Thượng Tây Thiên xin phép Mẫu cho mở hội.
Lễ hội thời quốc mẫu Tây Thiên ngày nay cũng gồm phần lễ và phần hội. Phần lễ gồm: tế lễ, rước kiệu và dâng hương. Tế lễ là phần nghi thức bắt buộc và có một vị trí quan trọng trong lễ hội. Nếu ban tế xưa kia là những quan viên trong làng Sơn Đình thì ngày nay được mở rộng ra toàn xã Đại Đình, gồm 16 người, được phân công vào các vị trí cụ thể: chủ tế, bồi tế, chấp sự, thủ hiệu, Đông xướng, Tây xướng. Những người được chọn vào ban tế là những người có vợ chồng song toàn, con cái đầy đủ, gia đình mẫu mực và quan trọng nhất là không có tang ma.
Buổi tế lễ được thực hiện tại sân đền Thỏng vào sáng ngày 15 tháng Hai. Tại đây bày một nhang án, trên đặt bài vị Quốc Mẫu và lễ vật dâng cúng. Trong nghi thức cúng tế thần núi, lễ vật xưa là cỗ “thiếu lao”, tức là thịt dê và lợn chỉ đánh lông moi lòng, để cả con để tế. Về sau lễ vật được đơn giản hóa, chỉ gồm “xôi, gà, lợn, rượu”. Cho đến nay, về cơ bản lễ vật không có thay đổi đáng kể.
Trước sân đền trải bốn chiếc chiếu dùng để tế lễ. Chiếu đầu tiên là chiếu thần vị, dùng để nghinh thần, đọc chúc; chiếu thứ hai là chiếu chủ tế, chiếu thứ ba là chiếu phục vị và chiếu cuối cùng là chiếu bồi tế. Hai hàng quan viên xếp làm hai hàng trước nhang án. Chủ tế mặc áo thụng đỏ, đội mũ và đi hia màu đỏ cùng các quan viên mặc áo thụng xanh, đội mũ và đi hia màu xanh. Nội dung tế lễ là tế thập bái, các quan viên thực hiện việc tế lễ theo lời hô của Đông Xướng, Tây Xướng.
Ngoài ban tế quan viên, xã Đại Đình còn thành lập một ban tế nữ quan, hàng năm đều tham gia dâng hương và tế lễ. Trong ngày này, những nơi thờ Mẫu như Tam Quan, Hồ Sơn và nhiều làng xã khác trong huyện Tam Đảo cũng cử người về đền Thỏng tế lễ và dâng hương tưởng niệm bà.
Làng Đông Lộ từ lâu đã là nơi định cư của người Sán Dìu trên con đường di cư từ phương bắc xuống, trở thành chủ thể tiếp nối tục thờ ở đền Mẫu Sinh và đền Mẫu Hóa. lễ hội thời quốc mẫu Tây Thiên xưa lễ rước kiệu chỉ thực hiện ở một số nơi như đền Mẫu Sinh, Mẫu Hóa vào các ngày lễ chính của đền. Ngày nay, cứ năm năm một lần lễ hội lại tổ chức rước kiệu, vì trung tâm lễ hội chuyển về đền Thỏng nên đường hành rước cũng có sự thay đổi. Theo đó, các kiệu sẽ được rước từ đền mẫu Sinh, đền mẫu Hóa và đền Ngò về tập trung ở đền Thỏng. Kiệu của đền Mẫu Sinh và đền Mẫu Hóa là kiệu văn do bốn người khiêng, trên kiệu có bài vị thánh, hương hoa và chúc văn. Kiệu đền Mẫu Sinh là do những nữ thanh niên người Sán Dìu, mặc trang phục dân tộc. Kiệu đền Mẫu Hóa do các nữ thanh niên mặc áo dài truyền thống khiêng, trên kiệu có thêm bình nước lấy từ giếng “Mộc Dục tỉnh”, tương truyền là nơi Mẫu tắm gội trước khi về trời. Kiệu của đình Ngò là kiệu bát cống do tám nam thanh niên khiêng, trên kiệu đặt bài vị thánh, đỉnh hương và hai đèn biểu tượng cho « nhật nguyệt ». Khi kiệu văn của đền Mẫu Hóa đi đến làng Đông Lộ thì hội với kiệu của đền Mẫu Sinh. Đến làng Sơn Đình, hai kiệu này hội với kiệu từ đình Ngò đi ra và cùng rước đến đền Thỏng. Kiệu văn đi trước, kiệu bát cống theo sau. Mỗi đoàn rước đều có chiêng, trống đi đầu, rồi đến cờ ngũ hành, cờ đuôi nheo, lỗ bộ và đoàn múa sênh tiền, theo sau là đoàn tế nữ quan và hai giới các cụ, kéo dài đến 3km. Đến đền Thỏng, kiệu văn đặt lên trước, kiệu bát cống đặt sau, chầu vào trong đền. Hai bên kiệu là hai hàng lỗ bộ cùng cờ quạt, tàn lọng nghiêm trang.
Sau khi hội kiệu ở đền Thỏng, đoàn đại biểu đại diện cho các cấp chính quyền và nhân dân Tam Đảo lên làm lễ dâng hương tưởng niệm Quốc Mẫu và đọc chúc văn. Đoàn tế nữ quan của xã lên tế, kết thúc phần lễ.
Phần hội có các hoạt động văn hóa - văn nghệ dân gian phong phú với các trò diễn như nấu cơm thi, cướp cây bông, vật cổ truyền, gói bánh chưng, giã bánh dầy theo truyền thuyết Lang Liêu; trò chơi thì có kéo co, cờ người, chọi gà, đánh đu… Ngoài ra còn tổ chức các buổi hát chầu văn, hát giao duyên, hát trống quân của người Kinh và hát Soọng cô của người Sán Dìu.
Như vậy, từ một lễ hội cấp làng xưa, lễ hội thời quốc mẫu Tây Thiên ngày nay được mở rộng ra toàn xã Đại Đình với sự tham gia của đông đảo nhân dân trong xã và các làng xã khác cùng thờ Quốc Mẫu. Về nội dung, từ nghi thức tế thần núi chuyển sang nghi thức tưởng niệm anh hùng lịch sử cùng với các các trò chơi, trò diễn đa dạng, phong phú. Sự biến đổi của lễ hội thời quốc mẫu Tây Thiên cho thấy ngoài việc đáp ứng sự thay đổi trong mục đích thờ thần còn nhằm phục vụ mục đích phát triển du lịch của địa phương.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Lê Kim Thuyên, Lễ hội Vĩnh Phúc, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc xb, Vĩnh Phúc, 2006.
- Lê Kim Thuyên, Lê Kim Bá Yên, Quốc Mẫu Tây Thiên Vĩnh Phúc, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc xb, Vĩnh Phúc, 2008.
- Nhiều tác giả , Tam Đảo xưa và nay, Sở Văn hoá, Thể Thao và Du lịch Vĩnh Phúc xb, Vĩnh Phúc, 2009.
- Nhiều tác giả, Quốc Mẫu Tây Thiên Vĩnh Phúc trong Đạo Mẫu Việt Nam (Kỷ yếu hội thảo khoa học), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc xb, Vĩnh Phúc, 2010.
- Nguyễn Thị Yên, “Sự hình thành và biến đổi của tục thờ Mẫu ở Tây Thiên, Vĩnh Phúc”, in trong sách Quốc Mẫu Tây Thiên Vĩnh Phúc trong Đạo Mẫu Việt Nam (Kỷ yếu hội thảo khoa học), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc xb, Vĩnh Phúc, 2010.