Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Lễ nhập trạch

Lễ nhập trạch là nghi lễ được thực hiện khi một người hoặc một gia đình chuyển tới sống tại ngôi nhà mới. Trong tiếng Hán Việt, “nhập” nghĩa là vào, “trạch” là nhà, “nhập trạch” là sự trình diện của gia chủ với các vị thần linh, thổ địa đang cai quản ngôi nhà, với mong muốn các thế lực thiêng liêng sẽ phù hộ cho gia chủ. Đây là một nghi lễ quan trọng, bởi ngôi nhà được xem không chỉ là nơi để ở mà còn có vai trò chi phối đến sức khỏe, sự phát triển, thịnh vượng của cả gia đình trong suốt thời gian cư trú.

Tập tin:Le-nhap-trach.jpg
Lễ nhập trạch

Lễ nhập trạch thể hiện quan niệm, niềm tin của con người về sự hiện diện của các thế lực siêu nhiên quản lý và bảo trợ vùng đất, ngôi nhà nơi họ sinh sống. Theo đó, các vị thần linh này (thổ công, thổ địa, tiền chủ, hậu chủ) được xem là có những tác động theo chiều hướng tốt hoặc xấu tới những người cư trú tại đây. lễ nhập trạch nằm trong chuỗi nghi lễ và các hành vi tâm linh liên quan tới ngôi nhà như xem tuổi; chọn hướng đất hướng nhà; làm lễ động thổ, lễ xây móng, lễ cất nóc, lễ khánh thành; bốc bát hương; đặt bàn thờ và thờ cúng các vị thần linh, thổ công thổ địa, tổ tiên trong nhà vào ngày rằm, mùng một, các dịp giỗ tết và những khi có việc hệ trọng.

Để nhập trạch, trước hết gia chủ tiến hành chọn ngày giờ tốt, đó có thể là ngày hoàng đạo hoặc ngày hợp với tuổi, mệnh của gia chủ. Nếu chỉ nhập trạch lấy ngày tốt mà chưa ở ngay, sau lễ, gia chủ phải ngủ một đêm ở nhà mới. Người ta thường tránh nhập trạch vào tháng 3 và tháng 7 âm lịch vì những tháng này có tết Thanh minh và tết Vu Lan là những lễ tết liên quan đến người chết. Thời gian chuyển nhà thường là vào buổi sáng, giữa trưa hoặc lúc mặt trời bắt đầu lên, không phải là buổi tối hoặc đêm vì cho rằng các vong hồn lang thang có thể về theo. Chủ nhà sẽ tự tay đưa bài vị cúng gia thần và tổ tiên đến nhà mới. Những thành viên khác của gia đình đi theo sau, mang theo một số tài sản. Người ta kiêng bước vào nhà tay không, vì những thứ mang theo tượng trưng cho sự may mắn. Người ta cũng kiêng nói lời tiêu cực, khóc lóc hoặc đánh mắng trẻ nhỏ để tránh sự bất hòa và bất ổn trong tương lai. Những thứ đầu tiên được mang đến nhà mới - ngoài lễ vật cúng thần linh để nhập trạch và xin phép thần linh rước vong linh gia tiên về nơi ở mới để thờ phụng - là chiếc chiếu, chổi quét nhà, gạo, nước,… Lễ vật được để lên mâm, bàn và kê theo hướng được xem là đẹp, hợp với gia chủ

Khi thực hiện nghi lễ, tự tay gia chủ thắp hương vào một bát hương làm tạm thời và đọc văn khấn. Văn khấn nhập trạch có hai phần là văn khấn thần linh và gia tiên. Văn khấn thần linh được đọc trước văn khấn gia tiên. Trong bài văn khấn, gia chủ xin phép chuyển nhà và chuyển bàn thờ đến nơi mới. Thắp hương và khấn lễ thần linh xin nhập vào nhà mới rồi, gia chủ sẽ châm bếp và đun nước. Nước được đun là để khai bếp, pha trà dâng thần linh và gia tiên, sau đó để mời khách nếu có. Khấn thần linh xong, gia chủ làm lễ cáo yết gia tiên rồi mới tiến hành dọn dẹp đồ đạc. Phụ nữ đang có mang không nên dọn nhà. Trong trường hợp không thể tránh, nên mua một cái chổi mới, để đích thân người mang thai quét qua các đồ đạc một lượt rồi mới chuyển. Dọn xong, để cầu bình yên, toàn gia phải tổ chức lễ bái tạ Phật, các vị thần linh và tổ tiên.

Hiện nay, lễ nhập trạch vẫn được thực hành phổ biến và có nhiều điều chỉnh. Chẳng hạn, khi vào nhà, vật đầu tiên người ta mang theo không còn là cái chiếu mà thường là chiếc đệm đang sử dụng, sau đó là các thiết bị nhà bếp tân kì. Việc khởi động các thiết bị điện trong nhà cũng được xem là một thủ tục nằm trong nghi lễ (ví dụ như bật hết các bóng đèn).

Lễ nhập trạch là một nghi lễ thể hiện niềm tin của con người vào các thế lực siêu nhiên gắn với ngôi nhà mà họ sinh sống. Việc thực hiện các nghi lễ nhằm xin phép, báo cáo, mong được phù trợ,… cùng việc thực hiện các kiêng kỵ hay sự thận trọng trong những thao tác đầu tiên bước chân vào nhà và khi tiến hành lễ nhập trạch đều cho thấy sự mong cầu của con người về một đời sống yên ổn và thịnh vượng.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Trương Thìn, Nghi lễ nhập trạch truyền thống, Nxb. Thời đại, Hà Nội, 2010.
  2. Triều Sơn, Phong tục dân gian: Nhập trạch và trấn trạch, Nxb. Thời đại, Hà Nội, 2011.
  3. Lý Tuệ Mẫn, Phong tục dân gian - Nhập trạch truyền thống, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, 2013.
  4. Từ Liêm, Nghi lễ nhập trạch, Nxb. Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2016.