Lễ mộc dục là nghi lễ tắm rửa cho người chết trước khi nhập quan tài hoặc nghi lễ tắm rửa cho tượng.
Trong tang tục, lễ mộc dục là một trong chuỗi các nghi lễ dành cho người chết, thể hiện quan niệm của cộng đồng về cái chết. Xem chết không phải là sự kết thúc mà là sự bắt đầu một cuộc hành trình sang thế giới khác, người ta cho rằng cần tắm rửa nước lá thơm, mặc quần áo mới, điểm trang thật đẹp cho người chết. Tắm rửa cho người chết, vì thế, là nghi lễ không thể thiếu trong tang ma, là một trong những sự chăm sóc, chuẩn bị cuối cùng của người sống đối với người chết.. Con cháu làm nghi lễ này đối Với ông bà, cha mẹ, việc con cháu làm nghi lễ này còn thể hiện chữ hiếu và đạo lý “uống nước nhớ nguồn”. Người ta thường tắm rửa cho người chết với nước sạch, thơm, thường là nước ngũ vị hương. Những thứ cần thiết khác cho một lễ mộc dục cần được chuẩn bị trước là: một con dao, một vuông vải, một sợi dây, một lược thưa, một gáo hoặc thìa múc nước, một ít đất ở dưới mông ông Táo (ông đầu rau), và một nồi nước đun nóng. Nghi thức được thực hiện trong một tấm màn kín. Theo phong tục, thường là con trai sẽ tắm rửa cho người cha còn con gái sẽ tắm rửa cho người mẹ. Tang chủ sẽ khóc, quỳ khấn xin tắm rửa cho thi hài hết bụi trần, sau đó người ta sẽ dùng khăn thấm nước thơm lau sạch sẽ mặt mũi, chân tay, thân mình, chải tóc, cắt móng chân, móng tay cho người quá cố. Những sợi tóc rơi rụng và chỗ móng chân tay được gói bọc và để vào áo quan cùng với người chết. Làm xong, thi hài được đưa lên giường, mặc quần áo và tất cả đồ dùng cho việc tắm rửa đều phải được đem chôn. Ngày nay, việc tắm rửa cho thi hài đơn giản hơn trước và có thể do các nhân viên mai táng của cơ sở tổ chức tang lễ lo liệu. Người ta sẽ dùng cồn y tế để khử trùng, dùng rượu trắng và sau đó có thể là một thứ nước hoa loại nhẹ để tiến hành công việc này.
Lễ mộc dục cũng là một khâu trong chuỗi nghi lễ thờ Phật, Thánh và thường được thực hiện trước ngày vía, tế lễ chính thức. Với lễ mộc dục cho các pho tượng Phật vào ngày Phật đản, ngoài mục đích tái hiện hình ảnh đức Phật được tắm mát lúc sinh ra, lễ còn mang hàm nghĩa về sự tẩy trừ phiền não, hướng đến sự thanh tịnh về tâm - khẩu - ý. lễ mộc dục là một nghi thức quan trọng trong việc cúng tế và thường được thực hiện vào thời điểm khởi đầu trong lễ hội. Mặc dù có những lễ mộc dục được tổ chức linh đình với một cuộc rước tượng ra một khúc sông gần đấy (ví dụ, hội đền Chèm thờ Lý Ông Trọng và hội đền Đồng Nhân thờ Hai Bà Trưng đều rước tượng ra sông Hồng), nhìn chung lễ này thường được tổ chức tại những nơi thờ phụng mà không có khách từ bên ngoài tham dự. Cửa chùa hoặc đền, đình thường được đóng kín để thực hiện nghi lễ. Người ta cũng có thể dùng thêm một tấm màn vải kéo ngang qua bệ thờ để che khuất khu vực đặt tượng. Những người tắm tượng là do cơ sở thờ tự cử ra, người cao tuổi nhất trong số này sẽ là trưởng nhóm, điều hành công việc chung. Sau khi việc thắp hương khấn xin phép đã xong (việc này thường do vị chánh bái cùng các bô lão trong trang phục cổ truyền chỉnh tề thực hiện), những người phụ trách việc tắm tượng sẽ cởi trang phục cũ của tượng như mũ mão, áo, đai. Họ sẽ dùng những tấm khăn mới hoàn toàn lau qua tượng với nước thường, sau đó mới dùng đến nước thơm nấu từ các loại lá tự nhiên (ví dụ như lài, quế…) đặt sẵn dưới chân tượng để lau kĩ mọi bộ phận. Hiện nay, nước hoa cũng có thể được dùng trong việc tắm tượng. Lễ tắm thường kéo dài trong vòng một tiếng đồng hồ hoặc hơn. Tắm xong, người ta sẽ mặc áo mới, thắt đai, chít khăn, đội mão cho tượng và gắn lại những đèn màu trang trí nếu có. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, tất cả những người tắm đều khấn lạy tượng. Cửa của khu vực lễ bái sẽ được mở ra để tiếp tục đón khách thập phương. Những người sùng tín có thể xin lại những chiếc khăn đã được dùng tắm tượng (khăn đó đôi khi do họ gửi từ trước) hoặc chính nước tắm để “lấy khước”. Không ít người cho rằng những thứ này có những công dụng đặc biệt, ví dụ như trị liệu được một số loại bệnh.
Gắn với thế giới quan và niềm tin tâm linh của những người thực hành, lễ mộc dục là một nghi lễ thể hiện sự quan tâm và biết ơn của con người với đối tượng được hành lễ - người thân đã khuất cùng những bậc Phật, Thánh. Trong xã hội đương đại, lễ mộc dục đã và đang có những biến đổi nhất định để phù hợp với điều kiện mới.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Toan Ánh, Nếp cũ tín ngưỡng Việt Nam, Quyển Thượng, Nam Chi tùng thư, Sài Gòn, 1968.
- Lê Trung Vũ (chủ biên), Nguyễn Hồng Dương, Lê Hồng Lý, Lưu Kiếm Thanh, Nghi lễ vòng đời người, Nxb. Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2000.
- Quảng Tuệ, Một số phong tục nghi lễ dân gian truyền thống Việt Nam, Nxb. Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2004.
- Phạm Côn Sơn, Văn hóa lễ tục, Nxb. Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2006.