Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Lễ hội thờ mẫu Liễu Hạnh

Lễ hội thờ mẫu Liễu Hạnh là một loại hình lễ hội liên quan đến việc phụng thờ một trong những nhân vật Mẫu quan trọng nhất đối với đời sống tâm linh người Việt đó là Mẫu Liễu Hạnh. Lễ hội này bao gồm việc thực hành các sinh hoạt văn hoá cộng đồng, các nghi lễ và các hoạt động hội với những nét đặc thù riêng nhằm mục đích thể hiện sự ngưỡng mộ chân thành của con người đối với công lao và vai trò to lớn của Mẫu Liễu Hạnh, đồng thời cầu xin Thánh Mẫu phù trợ cho người trần gian có một cuộc sống hiện sinh ấm no, bình an và hạnh phúc.

Lễ hội thờ mấu Liễu Hạnh có nguồn gốc xuất phát từ việc tôn thờ Mẫu Liễu Hạnh - vị thần chủ trong tín ngưỡng Tứ phủ của người Việt và là một trong bốn Tứ bất tử đã được dân gian lịch sử hoá và thần linh hoá. Qua các nguồn tư liệu Hán Nôm, các truyện kể dân gian và qua các văn bia tìm được thì các chi tiết về cuộc đời và về sự hiển thánh của Liễu Hạnh, về lí do Liễu Hạnh được dân gian suy tôn là mẫu nghi thiên hạ, vị Mẫu đứng đầu trong các vị Mẫu và thờ phụng ở nhiều nơi… khá thống nhất. Liễu Hạnh xuất hiện vào thế kỉ XVI - vì tội đánh vỡ chén ngọc, có tài liệu cho là do cãi lại lời vua cha nên đã bị Ngọc Hoàng thượng đế đầy xuống hạ giới, đầu thai vào nhà họ Lê ở làng Vân Cát (Vụ Bản- Nam Định), lớn lên lấy chồng nhà họ Trần, sinh hạ đủ trai gái, hết hạn duyên trần lại về thiên giới năm 21 tuổi và rồi Liễu Hạnh “tam sinh tam hoá”. Trong khi dân chúng đang lầm than vì chiến tranh loạn lạc và chịu sự áp bức của chế độ phong kiến, Liễu Hạnh xuất chúng, diệt trừ bạo ngược bất công, Liễu Hạnh từ bi như Phật cứu khổ cứu nạn, chở che bảo vệ cho muôn dân chúng. Liễu Hạnh trở thành biểu tượng của chính nghĩa, của sức mạnh diệt trừ cái ác, của tiếng nói đòi quyển bình đẳng nam nữ từ góc nhìn giới và trở thành Mẫu nghi thiên hạ trong lòng dân chúng. Vì thế, trong khi triều đình phong kiến cho bà là yêu quái thì dân chúng lại tôn sùng bà và thờ phụng bà ờ khắp mọi nơi.

Lễ hội thờ mấu Liễu Hạnh được diễn ra trong không gian thiêng là các đền, phủ thờ bà được phân bố nhiều nơi trên khắp đất nước. Trong đó, Phủ Dầy (Nam Định) - quần thể di tích với hơn 20 công trình kiến trúc đặc sắc (trong đó có 3 công trình gắn liền chặt chẽ với cuộc đời của Liễu Hạnh là phủ Tiên Hương, phủ Vân Cát và lăng Chúa Liễu) được coi là “thánh địa” của tín ngưỡng Mẫu Liễu Hạnh. Nơi đây ghi dấu sự giáng sinh sự hoá của Người và là nơi lễ hội được tổ chức quy mô nhất và trang trọng nhất. Hàng ngàn người đổ dồn về đây để thể hiện sự ngưỡng vọng của mình với vị thần tối linh của họ trong các mùa lễ hội. Nhưng Liễu Hạnh là một vị Thánh mà quyền năng của bà vượt qua không gian địa lý, vượt biên giới “thánh địa” Nam Định. “Bản đồ” ghi dấu “bước chân” của Thánh Mẫu Liễu Hạnh cho thấy, bà được thờ trang trọng ở đền Bắc Lệ (Lạng Sơn) - nơi cho thấy tầm ảnh hưởng của bà đã đến tận vùng biên ải, nơi ghi dấu cuộc đàm đạo thơ văn và gặp gỡ đầy nhân duyên giữa bà và Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan, nơi mà dân gian truyền rằng bà đã thuần phục thú dữ ở “rừng thiêng nước độc” để chúng không hãm hại dân lành. Liễu Hạnh “ra” Thăng Long và ngự ở phủ Tây Hồ, một nơi ghi dấu cuộc gặp gỡ lãng mạn và cuộc đàm đạo thơ văn đầy chất Nho học giữa bà với Phùng Khắc Khoan cũng như các danh nho họ Ngô, họ Lý. Liễu Hạnh lại ngược vào phía Nam, được thờ trang trọng ở đền Sòng (Thanh Hoá), nơi xảy ra cuộc chiến Sòng Sơn giữa bà với phái Nội đạo tràng, nơi bà được Phật bà ra tay cứu giúp và cũng là nơi bà hiển Thánh. Liễu Hạnh đi vào Nghệ Tĩnh, vượt đèo Ngang và được thờ phụng tại đền Thánh Mẫu Liễu Hạnh (Quảng Bình). Tất cả những đền, phủ trên là những không gian thiêng liêng diễn ra lễ hội thờ Liễu Hạnh. Riêng ở Nam Định đã có tới gần 400 nơi thờ thánh Mẫu. Ngoài ra, lễ hội thờ mấu Liễu Hạnh còn còn diễn ra ở nhiều đền phủ khác cũng thờ Mẫu Liễu Hạnh phân bố rải rác ở nhiều nơi trên cả nước (ví dụ như đền Trẹo (Nga Sơn- Thanh Hoá)…Từ góc nhìn lịch sử, người ta nhận thấy, trừ Bắc Lệ (Lạng Sơn) và Tây Hồ (Hà Nội), còn lại các địa danh khác đều nằm trong phạm vi khu vực Nam Định, Thanh Hoá, Nghệ Tĩnh, Quảng Bình nơi giáp danh của các cuộc chiến Nam- Bắc triều, phân liệt Đàng Trong- Đàng Ngoài và chiến tranh Trịnh – Nguyễn, điều đó cũng đồng nghĩa với việc những nơi đây là nơi con người phải chống chọi với sự hà khắc của thiên nhiên, chịu nhiều lầm than khổ cực vì chiến tranh loạn lạc và cảnh nồi da nấu thịt nên dân chúng có nhu cầu cao về một vị thần tối linh có thể giúp họ vượt qua những hoạn nạn. Liễu Hạnh ra đời trong bối cảnh lịch sử và không gian văn hoá đó và cũng được thờ phụng một cách trang trọng nhất ở những nơi này.

Hầu hết các lễ hội thờ mấu Liễu Hạnh diễn ra là vào thời điểm hoá của Người, với chính hội là ngày mùng 3 tháng 3 âm lịch. “Tháng tám giỗ Cha, tháng ba giỗ mẹ” câu ca truyền tụng trong dân gian đã đã nhấn mạnh “thời điểm thiêng” tổ chức lễ hội tưởng nhớ Cha - Đức Trần Hưng Đạo và Mẹ - Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Nếu như tháng Tám người người từ muôn nơi đổ về các đền thờ Trần Hưng Đạo để tham gia lễ hội giỗ Cha thì tháng ba người ta lại dồn về các đền phủ thờ Mẫu Liễu Hạnh để dự lễ hội giỗ Mẹ. Tất nhiên, lễ hội thờ mấu Liễu Hạnh kéo dài bao nhiêu là tuỳ thuộc vào tầm quan trọng của mỗi đền phủ thờ Mẫu Liễu Hạnh, vào việc đó là nơi thờ chính hay là nơi thờ vọng, là quê hương bản quán của Mẫu hay là nơi ghi dấu chân Mẫu. Ví dụ, Phủ Dày là “thánh địa” của tín ngưỡng thờ Mẫu Liễu, nơi sinh nơi hoá của Người, do vậy lễ hội ở đây xưa kia kéo dài 10 ngày (từ ngày mùng 1.3 đến ngày 10.3), tuy nhiên, ở nhiều đền phủ khác, lễ hội thờ mấu Liễu Hạnh chỉ diễn ra 3 ngày như lễ hội đền Bắc Lệ (Lạng Sơn), phủ Trèo (Nga Sơn, Thanh Hoá), lễ hội đền Thánh Mẫu Liễu Hạnh (Quảng Bình)…Điều đáng chú ý là, lễ hội thờ mấu Liễu Hạnh ở các đền phủ khác nhau có thể vào những thời điểm không như nhau. Trong khi phần lớn các lễ hội thờ mấu Liễu Hạnh ở nhiều đền phủ trong cả nước thường lấy ngày mùng 3 tháng 3 âm lịch tương truyền là ngày mất của Mẫu trong hai lần giáng trần đầu tiên để mở hội thì lễ hội Đền Sòng (Thanh Hoá) lại diễn ra vào ngày 26 tháng 2 âm lịch hàng năm vì đây được cho là ngày Mẫu hiển thánh ở vùng đất này, cũng như vậy, lễ hội phủ Trèo (Nga Sơn, Thanh Hoá) diễn ra vào ngày 26,27,28 tháng 2 âm lịch… Chính hội ở đền Bắc Lệ lại diễn ra vào ngày 20 tháng 9 âm lịch bởi theo quan niệm của người dân địa phương, đây là ngày hoá lần thứ hai của Mẫu.

Cấu trúc của lễ hội thờ mấu Liễu Hạnh cũng giống như các lễ hội truyền thống ở Việt Nam gồm hai phần lễ và hội, mặc dù việc phân chia thành hai phần này chỉ có tính chất tương đối, do đôi khi trong lễ có hội và ngược lại trong hội lại có lễ. Nghi thức tế lễ trong lễ hội thờ mấu Liễu Hạnh cũng tuân theo mô thức của tế lễ trong lễ hội truyền thống có tuần dâng hương, dâng hoa, dâng lễ vật…đồng thời còn có tế nữ quan. Điểm độc đáo cho thấy sự khác biệt của lễ hội thờ mấu Liễu Hạnh so với các lễ hội truyền thống khác là ở chỗ trong lễ hội này thường diễn ra nghi lễ rước Mẫu từ các đền phủ thờ Mẫu lên chùa gợi nhớ huyền thoại về việc Liễu Hạnh đã được Phật bà ra tay cứu giúp trong cuộc chiến ở Sòng Sơn, và cũng là chứng tích cho sự hỗn dung giữa Phật giáo ngoại lai với tín ngưỡng bản địa tôn sùng Mẫu Liễu. Tiêu biểu nhất là lễ hội Phủ Dầy, ngày mùng 6 tháng 3 âm lịch có nghi lễ rước Mẫu từ Phủ chính lên chùa Gôi. Bên cạnh nghi lễ rước Mẫu, trong lễ hội thờ mấu Liễu Hạnh không bao giờ thiếu hát chầu văn và hầu đồng. Hầu đồng được xem là “đặc sản” của lễ hội thờ mấu Liễu Hạnh. Có một sự linh hoạt trong cấu trúc của lễ hội thờ mấu Liễu Hạnh ở các địa phương khác nhau, tuỳ thuộc vào sự tích công trạng của Mẫu Liễu Hạnh và tuỳ thuộc vào lịch sử, văn hoá phong tục tập quán ở nơi đó mà các nghi lễ và sinh hoạt hội hè có thể thêm thắt một số yếu tố khác nhau. Chẳng hạn, lễ hội Phủ Dầy có hội kéo chữ (Hoa trượng hội) liên quan đến câu chuyện về bà Trần Thị Ngọc Đài- người con gái trấn Sơn Nam xưa kia được sự phù trợ của Mẫu Liễu nên từ một thiếu phụ hai lần goá bụa trở thành vương phi của Chúa Trịnh. Lễ hội đền Sòng (Bỉm Sơn, Thanh Hoá) trong những năm gần đây được mang tên Lễ hội Đền Sòng- Ba Dội, lễ hội này là dịp để người dân trên địa bàn và khách thập phương thể hiện lòng thành kính, tri ân Thánh Mẫu Liễu Hạnh và tưởng nhớ người anh hùng dân tộc Quang Trung- trước khi hành quân ra Bắc đánh tan 29 vạn quân Thanh xâm lược đã dừng chân tại phòng tuyến Tam Điệp- Biện Sơn tập luyện và chiêu mộ binh sĩ. Do vậy, trong lễ hội này, có cả nghi thức rước Liễu Hạnh và Quang Trung.

Lễ hội thờ mấu Liễu Hạnh có lịch sử phát triển lâu dài và đã trải qua những thời kì thăng trầm, thậm chí bị gián đoạn không được tổ chức do không gian thiêng diễn ra lễ hội là các đền phủ bị tàn phá bởi chiến tranh và cũng bởi tư tưởng cho rằng thực hành nghi lễ lễ hội là mê tín dị đoan cần phải loại bỏ. Từ những năm 90 của thế kỉ XX trở lại đây, sự đổi mới trong chính sách văn hoá nói chung và tôn giáo tín ngưỡng nói riêng đã thực sự “cởi trói” cho các thực hành văn hoá liên quan đến tâm linh. Nhiều đình đền phủ được trùng tu tôn tạo và thậm chí xây mới, tạo điều kiện cho sự hồi sinh mạnh mẽ của các lễ hội, trong đó có lễ hội thờ mấu Liễu Hạnh.

Trong bối cảnh xã hội đương đại hiện nay, lễ hội thờ mấu Liễu Hạnh cũng như nhiều lễ hội truyền thống khác đang có những biến đổi. Các xu hướng như quan phương hoá, thương mại hoá và trần tục hoá có thể thấy ít nhiều đang diễn ra trong các lễ hội thờ mấu Liễu Hạnh. Song không thể phủ nhận những giá trị to lớn mà các lễ hội này đem lại vẫn còn vẹn nguyên cho đến tận ngày nay đó là các giá trị về cố kết cộng đồng, giá trị lịch sử hướng về cội nguồn với lòng biết ơn sâu sắc đối với công lao của Mẫu, giá trị văn hoá với tư cách là một di sản văn hoá phi vật thể nổi bật và giá trị kinh tế -nhất là trong bối cảnh hiện nay khi lễ hội đang trở thành một trong những nguồn lực to lớn cho sự phát triển du lịch.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Ngô Đức Thịnh, Tục thờ Mẫu Liễu Hạnh- một sinh hoạt tín ngưỡng văn hoá cộng đồng, Tạp chí Nghiên cứu Văn học, tr17-23, 1992.
  2. Nguyễn Minh San, Tiếp cận tín ngưỡng dân dã Việt Nam, Nxb Văn hoá dân tộc, Hà Nội, 1998.
  3. Trần Đăng Ngọc, Các kiến trúc tôn giáo và việc thờ tự tại quần thể di tích Phủ Dầy, in trong Đạo Mẫu và các hình thức Shaman trong các tộc người ở Việt Nam và Châu Á, Nxb KHXH, tr92-112
  4. Trịnh Quang Khanh, Tín ngưỡng thờ Mẫu trong tâm thức người Việt Nam và lễ hội Phủ Dầy, in trong Đạo Mẫu và các hình thức Shaman trong các tộc người ở Việt Nam và Châu Á, Nxb KHXH, tr62-7, 2004.
  5. Ngô Đức Thịnh, Thánh Mẫu Liễu Hạnh, từ vị chúa đến thần chủ đạo Mẫu Việt Nam, Nghiên cứu Tôn giáo, tr30-40, 2010.
  6. Ngô Đức Thịnh, Đạo Mẫu Việt Nam, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2012.
  7. Đặng Thế Đại, Hình tượng Mẫu Liễu qua cái nhìn văn hoá học, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, Số 4 (89), tr79-87, 2015.