Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Lễ hội thờ mẫu Âu Cơ

Lễ hội thờ mẫu Âu Cơ hình thức sinh hoạt văn hoá cộng đồng bao gồm việc thực hành các hoạt động nghi lễ và các hoạt động hội nhằm mục đích tưởng nhớ về công lao của Mẫu Âu Cơ, về nguồn cội dân tộc; bày tỏ lòng biết ơn của con người về công sinh thành và dưỡng dục đối với người Mẹ đầu tiên của dân tộc mình, đồng thời cầu xin sự chở che, bảo vệ cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Có thể coi, lễ hội thờ mẫu Âu Cơ vừa là một lễ hội lịch sử vừa là lễ hội trong hệ thống lễ hội của tín ngưỡng thờ Mẫu ở Việt Nam.

Lễ hội thờ mẫu Âu Cơ bắt nguồn từ tín ngưỡng tôn sùng Mẹ Âu Cơ. Trong tâm thức dân gian, mẹ Âu Cơ vô cùng quan trọng đối với đời sống tâm linh bởi hai lẽ. Trước hết, Âu Cơ cùng với Lạc Long Quân là biểu tượng huyền thoại và bất hủ về nguồn cội của dân tộc, người Cha người Mẹ lớn đã sinh ra dân tộc Việt Nam. Các câu truyện truyền thuyết với nhiều dị bản khác nhau và sau này là các tài liệu thành văn như Đại Việt Sử kí toàn thư (thế kỉ XV), Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Thế kỉ XIX)…đã kể lại câu chuyện về cuộc gặp gỡ Rồng- Tiên và cuộc kết duyên giữa Lạc Long Quân và Âu Cơ sinh ra một bọc trăm trứng nở ra một trăm con trai. Người con trai trưởng là Vua Hùng truyền đời nối dõi, là vị tổ chung của con Lạc cháu Hồng. Chín mươi chín người con còn lại đều là tổ tiên hoặc là chủ những vùng đất khác trên toàn cõi Việt Nam. Nói cách khác, dân gian tôn sùng Mẫu Âu Cơ bởi trước hết bà là người mẹ đầu tiên và là quốc Mẫu của dân tộc Việt Nam. Người Việt thờ cúng Âu Cơ như thờ cúng một người mẹ đã có công trong việc sinh thành, nuôi dưỡng và chở che. Nhưng, dân gian thờ cúng Mẫu Âu cơ bởi Âu Cơ còn là một vị thần nông nghiệp, là tổ nghề nông tang. Sau khi Lạc Long Quân cùng 50 người con trai về biển, Âu Cơ dẫn 50 con lên núi, cùng với các con khai thiên phá thạch, mở mang sơn trang bờ cõi, dạy dân trồng lúa, trồng dâu, nuôi tằm dệt vải. Tương truyền, Âu Cơ đã hoá về trời cùng với đàn tiên nữ vào ngày 25 tháng chạp lúc mưa to gió lớn mịt mù đất trời sau khi đã dạy dân làm ăn thành thạo, cuộc sống khá giả ấm no. Với những công lao to lớn đó, Mẫu Âu Cơ được người dân lập đền thờ ở chính nơi bà cùng đàn tiên nữ bay về trời và để lại dải yếm đào dưới gốc cây đa tại thôn Hiền Lương (Hạ Hoà, Phú Thọ). Lễ hội được tổ chức để bày tỏ lòng thành kính, tri ân của dân làng với Mẫu Âu Cơ- người mẹ dân tộc, vị tổ nghề nông tang và cầu mong cho mưa thuận gió hoà mùa màng tốt tươi và nhân khang vật thịnh.

Lễ hội thờ mẫu Âu Cơ được diễn ra trong không gian thiêng là những ngôi đền thờ Mẫu Âu Cơ, trước hết và quan trọng nhất là đền Mẫu Âu Cơ ở xã Hiền Lương (huyện Hạ Hoà, tỉnh Phú Thọ)- vùng đất được miêu tả là có sơn thuỷ hữu tình, cỏ cây hoa lá tốt tươi được Âu Cơ và các con chọn lập trang ấp, xây dựng cơ đồ, dạy dân cày cấy; cũng là vùng đất mẹ Mâu Cơ ghi dấu sự hoá của Người khi cùng tiên nữ bay về trời. Vì thế, có thể coi đền Mẫu Âu Cơ là ngôi đền “tổ”, đền gốc thờ Mẫu Âu Cơ trong cả nước. Từ thế kỉ XV thời hậu Lê (cụ thể năm 1465), vua Lê Thánh Tông đã ra chiếu chỉ phong thần và cho xây dựng ngôi đền này để tri ân công đức của tổ Mẫu Âu Cơ, giáo dục truyền thống dân tộc. Đến thế kỉ XIX, triều đình nhà Nguyễn lại một lần nữa sắc phong công nhận đền Mẫu Âu Cơ. Ngôi đền này được nhà nước công nhận là di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia năm 1991.

Hàng năm, lễ hội thờ mẫu Âu Cơ được tổ chức vào ngày mùng bảy tháng giêng âm lịch- ngày Tiên giáng và kéo dài trong ba ngày (từ mùng 7 đến mùng 9 tháng giêng âm lịch). “Mồng bảy trong tết tháng giêng. Dân Hiền tế lễ trống chiêng vang trời” là câu ca còn lưu truyền mãi trong dân gian như một lời nhắc nhở những người con đất Việt mang trong mình dòng máu Lạc Hồng từ khắp mọi miền đất nước trở về chiêm bái và tri ân công đức của Mẹ Âu Cơ tại lễ hội chính ở đền Tổ Mẫu ở Hạ Hoà – Phú Thọ. Diễn trình của lễ hội thờ mẫu Âu Cơ cũng tương tự như diễn trình các lễ hội truyền thống khác bao gồm ngày đầu tiên làm lễ mở cửa đền, quét dọn vệ sinh, sắp đặt đồ cúng, thực hành nghi lễ mộc dục, ra quan, nhập tịch; ngày chính hội làm lễ rước văn, rước Tổ Mẫu Âu Cơ và Tế. Không chỉ có tế nam mà còn có tế nữ là điểm khác biệt của lễ hội thờ Mẫu Âu Cơ so với nhiều lễ hội truyền thống khác, nhất là với các lễ hội ở đình đền mà vị thần tối linh ở đó là nam thần. Đội tế nữ với 12 cô gái thanh tân có nhan sắc và học vấn làm chủ tế, Đông xướng, Tây xướng,…dâng lễ vật, đọc chúc văn và đọc sớ báo cáo Mẫu Âu Cơ về một năm con cháu làm ăn, đồng thời cầu mong năm mới quốc thái dân an chính là điểm nhấn của lễ hội này. Trong các lễ vật dâng lên Mẫu, không bao giờ thiếu bánh được làm từ bột gạo nếp thơm và mật mía (bánh mật)- loại bánh mà tương truyền mẹ Âu Cơ đã dạy cho dân Hiền Lương cách làm. Cùng với các nghi thức tế lễ, rất nhiều trò chơi truyền thống như đu tiên, cướp cờ, hát ghẹo, hát xoan, đánh phết… cũng được diễn ra trong lễ hội với sự tham gia đông đảo của người dân địa phương và lữ khách.

Lễ hội thờ mẫu Âu Cơ diễn ra chính thức ở đền Tổ Mẫu Âu Cơ (Hiền Lương- Hạ Hoà- Phú Thọ), nhưng trong thực tế, Mẫu Âu Cơ cũng được tưởng nhớ trong nhiều lễ hội của các ngôi đền và các thiết chế văn hoá khác, đặc biệt là ở khu di tích đền Hùng ở Phú Thọ, đền thờ Vua Hùng ở tỉnh Gia Lai (xây dựng tại công viên Đồng Xanh, xã An Phú, thành phố Pleiku) hay đền tưởng niệm các vua Hùng ở thành phố Hồ Chí Minh… Chẳng hạn, trong lễ hội đền Hùng ở Phú Thọ, chính hội là ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch, các nghi thức lễ hội cũng được tiến hành tại đền Tổ Mẫu Âu Cơ- ngôi đền được xây dựng ở núi Ốc Sơn trong khuôn viên khu di tích đền Hùng từ năm 2001. Như vậy, trong các lễ hội thờ Vua Hùng, Mẫu Âu Cơ là một đối tượng được thờ vọng chứ không phải là một vị thần trung tâm của lễ hội như ở lễ hội đền Mẫu Âu Cơ (Hạ Hoà, Phú Thọ).

Lễ hội thờ mẫu Âu Cơ có lịch sử lâu đời và đã phát triển qua các giai đoạn thăng trầm của lịch sử, bị gián đoạn bởi sự tàn phá của chiến tranh và tư tưởng hạn chế sự phát triển tôn giáo tín ngưỡng lễ hội có tính chất mê tín dị đoan của nhà nước. Tuy nhiên, từ những năm 90 của thế kỉ XX, đặc biệt từ những năm 2000 trở lại đây, khi Đảng và Nhà nước giương cao ngọn cờ phục hồi và phát triển các giá trị văn hoá truyền thống nhằm đáp ứng nhu cầu văn hoá tâm linh của người dân Việt Nam, tưởng nhớ công đức tổ tiên, các bậc tiền bối đã có công xây dựng và bảo vệ tổ quốc, các anh hùng lịch sử và danh nhân văn hoá…lễ hội truyền thống nói chung có sự phục hồi ở khắp các làng quê như một hiện tượng “trăm hoa đua nở”. Trong bối cảnh mới, lễ hội thờ mẫu Âu Cơ được tổ chức khang trang, to đẹp hơn so với trước đây và trở thành biểu tượng bất tử cho lễ hội tưởng nhớ về cội nguồn.

Lễ hội thờ mẫu Âu Cơ đã phát triển xuyên thời gian và đến nay vẫn vẹn nguyên những giá trị to lớn của nó. Từ góc độ là một lễ hội lịch sử, lễ hội thờ mẫu Âu Cơ có giá trị giáo dục các thế hệ người Việt Nam nhớ về nguồn cội, tự hào về dòng giống con Lạc cháu Hồng, yêu quê hương đất nước; giáo dục đạo đức cho muôn thế hệ mai sau biết ơn và tri ân tổ tiên đã sinh thành và tạo dựng cuộc sống cho ngày hôm nay. Lễ hội thờ mẫu Âu Cơ có giá trị trong việc cố kết cộng đồng, trước hết là cộng đồng địa phương Hạ Hoà (Phú Thọ), nhưng vượt ra ngoài cộng đồng nhỏ bé đó, lễ hội này cùng với biểu tượng tôn vinh là Quốc Mẫu Âu Cơ (mẹ của đất nước) và những hoạt động hội của nó đã trở thành một chất keo cố kết toàn thể dân tộc Việt Nam thành một khối thống nhất; cố kết những cái tôi, những gia đình, những cộng đồng nhỏ bé trong một cái “Ta” to lớn là Đất Nước. Từ góc độ là một lễ hội trong hệ thống tín ngưỡng thờ Mẫu, lễ hội thờ mẫu Âu Cơ là sự khẳng định và đề cao vai trò của người mẹ, người phụ nữ đã có công trong việc sinh thành, dưỡng dục, chở che, bảo vệ cho con người, cho quê hương xứ sở. Trong những năm gần đây, lễ hội thờ mẫu Âu Cơ đang nổi lên như một lễ hội thu hút hàng ngàn người hành hương hướng về nguồn cội, do vậy, bản thân nó là một di sản góp phần thúc đẩy phát triển du lịch.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Ngọc Phương, Đền Mẫu Âu Cơ và các vấn đề thờ Mẫu, Nghiên cứu Văn hoá nghệ thuật, Số 6, tr26-27, Hà Nội, 1991.
  2. Vũ Ngọc Khánh, Mai Ngọc Chúc, Phạm Hồng Hà, Nữ thần và Thánh Mẫu Việt Nam, Nxb. Thanh Niên, Hà Nội, 2002.
  3. Phạm Bá Khiêm, Lễ hội đền Mẫu Âu Cơ, Tạp chí Văn hoá nghệ thuật, số 4, tr14-17, 2007.
  4. Nguyễn Thị Nhâm Đức, Đền Mẫu Âu Cơ trong việc phát triển du lịch văn hoá tỉnh Phú Thọ, Khoá luận tốt nghiệp, Khoa Văn hoá du lịch, Trường Đại học văn hoá Hà Nội, Hà Nội, 2014.
  5. Bùi Thị Thu Huyền, Thực trạng thờ Mẫu Âu Cơ của người dân xã Hiền Lương- Hạ Hoà- Phú Thọ, Luận văn thạc sỹ Xã hội học, trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2016.
  6. Đào Đăng Phượng, Đền Mẫu Âu Cơ- một giá trị văn hoá trường tồn, Tạp chí khoa học Đại học Sài Gòn, Số 16, tr.47-55, 2016.
  7. Phòng quản lý di sản văn hoá, Sở Văn hoá thể thao du lịch Phú Thọ, Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ tại đền Mẫu Âu Cơ, Thế giới Di sản, tr28-29, Tháng 2- 2018.
  8. Vũ Hồng Vận, Phạm Duy Hoàng, Tín ngưỡng thờ Mẫu trong sinh hoạt tinh thần của người Việt Nam, Nxb Công an nhân dân, thành phố Hồ Chí Minh, 2018.